14:13 12/04/2016

BIDV, thương hiệu của nhà tạo lập thị trường

An Thơ

BIDV là đơn vị chủ động, đi đầu, khởi xướng, đề xuất hàng chục chương trình tín dụng trọng điểm, kích cầu và tháo gỡ sản xuất kinh doanh, làm nền tảng cho sự phát triển của các ngành kinh tế

Khách hàng giao dịch tại BIDV.
Khách hàng giao dịch tại BIDV.
Trong 10 năm qua, xu hướng “bất ổn - hồi phục” của nền kinh tế được lặp lại nhiều lần. Ở những thời điểm khó khăn nhất, luôn có một định chế tài chính lừng lững, vừa kinh doanh hiệu quả để bảo toàn và phát triển đồng vốn Nhà nước; vừa thực hiện chức năng tạo lập thị trường cũng như chia sẻ tấm lòng với cộng đồng. Thương hiệu BIDV, luôn được nhìn nhận với ý nghĩa như vậy. 

Nếu tìm một cái tên nào đó trong cộng đồng doanh nghiệp Nhà nước có nhiều đóng góp cho đất nước, từ hậu thuẫn các hoạt động điều hành kinh tế của Chính phủ đến tiếp vốn cho nền kinh tế hay giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở mang hoạt động ra nước ngoài, hẳn khó ai có thể cạnh tranh với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Công cụ điều hành của Chính phủ

Khái quát nhiệm kỳ điều hành của Chính phủ trong 5 năm, từ 2011 - 2015, có thể thấy: nếu như đầu kỳ là “bất ổn” thì cuối kỳ là quá trình “hồi phục” rõ ràng.

Nhớ lại hai năm 2011 - 2013, do tác động bởi khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm liên tục kể từ sau 2011 chỉ đạt 5,52%, lạm phát tăng đỉnh điểm trên 18%, thị trường chứng khoán và bất động sản đóng băng, vàng trở thành nhân tố hủy hoại hệ thống ngân hàng. Cùng đó, hơn 100 nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc “chết lâm sàng”; nợ công tăng, đầu tư toàn xã hội hụt hơi, có năm gần như tê liệt.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt trong điều hành của Chính phủ giai đoạn này, đó là thay vì chọn tăng trưởng bằng cách nới cung tiền như thời kỳ trước, Chính phủ lựa chọn mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước phục hồi kinh tế đạt mức tăng trưởng hợp lý.

Sự chắc chắn, cẩn trọng của Chính phủ, chính là nhân tố cơ bản, làm nền tảng bền vững cho quá trình hồi phục sau này. Và thực tế, trong 2 năm sau đó (2014 - 2015), kinh tế phục hồi với GDP của năm 2015 tăng tới 6,68%, lạm phát từ chỗ 18% vào tháng 3/2011 tụt xuống 0,63%; song song, thu ngân sách vượt 5%, FDI tăng mạnh cả giá trị và giải ngân.

Đặc biệt, trong 2 năm này, Việt Nam khắc tên mình trên bản đồ hội nhập khi ký kết tới 15 hiệp định FTA, góp phần củng cố và gia tăng niềm tin phục hồi của thị trường vào quyết sách của Chính phủ.

Điểm qua một số nét cơ bản về tình hình vĩ mô như trên, để thấy rằng, thành quả mà BIDV tạo dựng trong 5 năm (2011 - 2015) thật không dễ dàng. Điều đó khẳng định thêm tầm cỡ một định chế đứng đầu khu vực tài chính ngân hàng, là công cụ điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo của BIDV, đến 31/12/2015, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 857 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 24,6% so với 2014, gấp 2,34 lần so với cuối 2010; vốn điều lệ đạt 34.187 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với 2010; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.300 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với 2014; ROA: 0,73%; ROE: 14,6%; CAR ≥ 9%...

Từ hiệu quả này, BIDV nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2015 là 1.927 tỷ đồng, đưa mức nộp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 lên con số 8.636 tỷ đồng.

Thương hiệu của tiên phong, chia sẻ và tình người

“Tiên phong” được coi như một đặc trưng của BIDV trong suốt 10 năm qua. Giai đoạn 5 năm 2011-2015, BIDV có 21 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm sâu, bình quân 1,5-2%/năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng trong bối cảnh khó khăn, tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, tính chung giai đoạn 10 năm, BIDV là đầu mối tổ chức hơn 48 Hội nghị, Diễn đàn xúc tiến đầu tư các địa phương tiềm năng, cần thu hút đầu tư phát triển như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh,...

Trong hai năm gần đây, BIDV còn là đơn vị chủ động, đi đầu, khởi xướng, đề xuất hàng chục chương trình tín dụng trọng điểm, kích cầu và tháo gỡ sản xuất kinh doanh, làm nền tảng cho sự phát triển của các ngành kinh tế như: “Chương trình nhà ở xã hội”, “Chương trình tài trợ vốn dự án cải tạo Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14”, “Chương trình đánh bắt xa bờ triển khai Nghị định 67/NĐ - CP”; “Chương trình bình ổn giá thóc, gạo trên thị trường”, “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, kinh doanh xăng dầu, khí đốt” và nhiều chương trình hỗ trợ tạo chuỗi giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, cây ăn quả...

Đặc biệt, dù là công cụ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhưng BIDV là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất thành lập Trung tâm Nghiên cứu độc lập về các vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, địa phương, vùng chiến lược. Công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo, tư vấn, khuyến nghị các vấn đề về quản lý kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách kinh tế thị trường được coi là một hoạt động cơ bản của ngân hàng.

Nhiều năm liền, những khuyến nghị của Trung tâm này có thể đâu đó dù không được lòng nhiều bộ ngành nhưng chúng vẫn xuất hiện khá rõ nét trong các giải pháp điều hành của Chính phủ hay biện pháp ổn định thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Và sẽ trở nên thiếu sót nếu không nhắc đến, đó là trong nhiều năm gần đây, BIDV trở thành chiếc cầu nối đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, đưa doanh nghiệp Việt Nam có mặt tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ như Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc, Cộng hoà LB Nga, Đài Loan.

Ngoài ra, giai đoạn 2011 - 2015, khi kinh tế suy giảm, tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa dễ bị tổn thương nhất. Ngành ngân hàng đã âm thầm phát động nhiều đợt an sinh xã hội, với kinh phí hỗ trợ từ 2010 - 2015 lên tới 12 nghìn tỷ đồng, tập trung ở các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, phát triển y tế, giáo dục. Trong kết quả này, BIDV đóng góp 2.214 tỷ đồng, chiếm gần 19% tổng giá trị an sinh xã hội của toàn ngành ngân hàng.