16:03 04/11/2015

Biểu tượng công nghiệp Mỹ một thời suy sụp vì Trung Quốc

An Huy

Nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với ngành sản xuất nhôm của Mỹ chính là nhôm Trung Quốc

Sản phẩm nhôm cuộn trong nhà máy của Alcoa ở Riverdale, Iowa, Mỹ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Sản phẩm nhôm cuộn trong nhà máy của Alcoa ở Riverdale, Iowa, Mỹ - Ảnh: Bloomberg.<br>
Việc hãng nhôm khổng lồ Alcoa giảm mạnh sản xuất là dấu hiệu cho thấy bước đường cùng của công ty từng được coi như biểu tượng của nền công nghiệp Mỹ - hãng tin Bloomberg nhận xét.

Trong suốt 127 năm, Alcoa, tập đoàn có trụ sở ở New York, cho ra lò loại kim loại nhẹ được sử dụng cho hàng loạt sản phẩm phục vụ đời sống, từ xoong nồi cho tới máy bay. Với lịch sử lâu đời như vậy, Alcoa được xem là một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ.

Giờ đây, khi giá nhôm rớt xuống mức gần 6 năm, Alcoa buộc phải cắt giảm 1/3 hoạt động sản xuất trong nước - theo ước tính của công ty nghiên cứu Harbor Intelligence. Nếu giá nhôm không hồi phục, thì hầu như tất cả các nhà máy luyện nhôm ở Mỹ được dự báo sẽ phải đóng cửa trong năm tới.

Đó sẽ là một cú sốc lớn đối với ngành sản xuất nhôm ở Mỹ và công nhân làm việc trong ngành này, nhưng lại chẳng có mấy tác động đối với nguồn cung toàn cầu.

Theo số liệu của Harbor, quyết định cắt giảm 503.000 tấn trong công suất luyện nhôm mà Alcoa công bố hôm thứ Hai vừa rồi chiếm tới 31% tổng sản lượng nhôm của Mỹ, nhưng chỉ bằng chưa đầy 1% sản lượng nhôm toàn cầu. Trong hơn một thập kỷ qua, sản lượng nhôm đã dịch chuyển tới những nơi có chi phí sản xuất rẻ hơn như Nga, Trung Đông và Trung Quốc.

Trong vòng một năm qua, giá nhôm toàn cầu giảm 27% do thừa mứa nguồn cung, khiến sản xuất nhôm ở Mỹ không thể có lãi. Vì vậy, “cái chết” của ngành sản xuất nhôm ở Mỹ càng đến nhanh hơn.

Ông Jay Armstrong, Chủ tịch công ty Trialco Inc. ở Illinois, Mỹ, một doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng nhôm thành phẩm như bánh xe, cho biết công ty này hiện mua 80% nhôm nguyên liệu từ nước ngoài. Cách đây 5 năm, tỷ lệ sử dụng nhôm nhập khẩu chỉ là 40%.

“Chúng tôi không thể mua tất cả nguyên liệu từ Mỹ vì mức giá cao hơn”, ông Armstrong cho biết.

Từ đầu năm đến nay, giá nhôm đã giảm 19%, còn 1.501 USD/tấn tại Sở Giao dịch London. Tuần trước, giá kim loại này còn 1.460 USD/tấn, thấp nhất kể từ năm 2009.

Theo Harbor, các nhà luyện nhôm Mỹ không thể có lãi nếu giá nhôm ở ngưỡng khoảng 1.500 USD/tấn và thấp hơn. Trong khi đó, các nhà máy nhôm ở nước ngoài có ưu thế về giá nhân công rẻ, giá nhiên liệu rẻ, và đồng tiền rẻ.

Trong vòng một năm trở lại đây, nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với ngành sản xuất nhôm của Mỹ chính là nhôm Trung Quốc.

Sản lượng nhôm tăng chóng mặt của Trung Quốc đã khiến tình trạng dư cung nhôm trên toàn cầu thêm phần tồi tệ, đẩy giá xuống mức thấp đến nỗi ngân hàng Bank of America ước tính hơn 50% nhà sản xuất nhôm trên toàn cầu lâm vào cảnh thua lỗ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc vẫn có lãi.

Theo nghiên cứu của Harbor, Trung Quốc có thể chiếm 55% sản lượng nhôm toàn cầu trong năm nay, từ mức 24% vào năm 2005. Trái lại, sản lượng nhôm của Mỹ sẽ giảm từ mức 2,5 triệu tấn vào năm 2005 xuống còn 1,6 triệu tấn vào năm 2015.

Đối với Alcoa, khi kế hoạch cắt giảm sản xuất mà hãng này công bố hôm thứ Hai được thực thi, thì công suất của hãng đã giảm tới 45% kể từ năm 2007.