Bloomberg: “Giới đầu tư khám phá sự giàu có đang lên của Việt Nam”
Theo Bloomberg, kinh tế Việt Nam đã rất khác so với thời phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê và giày da
Từ nước mắm tới sữa và bia, các vụ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu hướng đến tầng lớp lao động đông đảo và xu hướng tiêu dùng gia tăng của đối tượng này.
Warburg Pincus đã làm điều đó như các nhà đầu tư khác, và giờ đây, công ty đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân đến từ Mỹ này bắt đầu sử dụng mạng lưới kết nối của mình để hướng đến tầng lớp giàu có mới nổi ở Việt Nam - hãng tin Bloomberg nhận định khi nói đến thương vụ Warburg rót hơn 370 triệu USD vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Thương vụ này đặt Warburg vào vị thế sẵn sàng cho một chu kỳ sản sinh tài sản mới ở Việt Nam - theo bài viết có tựa đề "Private Equity Discovers Vietnam's Rising Rich" (tạm dịch: "Nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân khám phá sự giàu có đang lên của Việt Nam") của Bloomberg.
Vào năm 2013, khi Warburg thâu tóm 1/5 cổ phần của công ty mặt bằng bán lẻ Vincom Retail, tình hình kinh tế Việt Nam không khả quan như hiện nay. Ở thời điểm đó, Việt Nam đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, Warburg và một số quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân khác vẫn tin tưởng vào sự hồi phục của kinh tế Việt Nam. Trước đó, vào đầu năm 2013, KKR&Co. đã tăng gấp đôi mức đầu tư vào công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer Corp.. Và niềm tin này đã được đền đáp.
Warburg đã bán cổ phần trong Vincom Retail trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 709 triệu USD của công ty này, vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.
Trong vụ IPO của Vincom Retail vào tháng 10 năm noái, các cổ đông hiện hữu bao gồm Warburg Pincus chào bán cổ phiếu ở mức 40.600 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng thêm 37%.
Bloomberg nhận định nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất khác so với thời kỳ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, gạo, cà phê và giày da. Hãng điện tử Hàn Quốc Samsung đã đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu. 30% sản lượng smartphone của Samsung hiện được lắp ráp ở Việt Nam, và hãng này dự kiến sẽ tăng số nhà cung cấp ở Việt Nam lên con số 50% trong thời gian từ nay đến năm 2020.
Dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xuất khẩu Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ TPP 11 - hiệp định tự do mậu dịch mà 11 quốc gia còn lại ký kết mới đây.
Dân số trẻ giúp Việt Nam tạo sức hút lớn đối với chuỗi cung ứng ôtô có vốn Nhật Bản ở Thái Lan - quốc gia đang đối mặt với tình trạng lão hóa dân số. Việc tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đầu tư vào Sabeco cũng phản ánh niềm tin ngày càng lớn rằng Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng thu nhập nhanh hơn Indonesia hay Philippines.
Với triển vọng khả quan ở Việt Nam, các quỹ đầu tư như Warburg hay KKR đều đang hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ nới trần sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, mức cổ phần tối đa mà một nhà đầu tư ngoại quốc được nắm giữ trong một ngân hàng Việt Nam là 15%, còn tổng vốn ngoại trong một ngân hàng không được phép vượt 30%.
Tuy nhiên, Bloomberg nói rằng chỉ cần đặt chân được vào thị trường Việt Nam là coi như đã thắng nửa trận. Ở Philippines, những thương vụ tốt không bao giờ đến lượt các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân, mà thường bị chiếm lĩnh bởi một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt muốn kiểm soát tất cả mọi thứ.