06:01 24/11/2016

Bộ Công Thương giảm 7 cục, vụ, cán bộ dư thừa về đâu?

Bạch Dương

Một số công chức có trình độ kém, sức khoẻ yếu sẽ phải nghỉ việc theo Nghị định 108 của Chính phủ

Việc đột ngột sắp xếp, giảm một loạt các vụ, cục khiến nhiều người lo 
ngại sẽ phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là việc dư thừa cán bộ công 
chức tại các đơn vị này.
Việc đột ngột sắp xếp, giảm một loạt các vụ, cục khiến nhiều người lo ngại sẽ phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là việc dư thừa cán bộ công chức tại các đơn vị này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định về phương án xây dựng cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ 2016-2020 theo hướng giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối. Dự kiến công tác sắp xếp sẽ hoàn thành vào quý 1/2017.

Việc đột ngột sắp xếp, giảm một loạt các vụ, cục khiến nhiều người lo ngại sẽ phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là việc dư thừa cán bộ công chức tại các đơn vị này.

“Khi sáp nhập các vụ, cục còn có một vấn đề phát sinh về cấp lãnh đạo, không chỉ dôi dư Vụ trưởng, Cục trưởng mà số lượng cấp phó và công chức của những đơn vị sáp nhập này cũng sẽ dôi dư. Dự kiến sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo này căn cứ vào tiêu chí như chức vụ lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, ngạch công chức, trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác, độ tuổi...”, Bộ Công Thương cho hay.

Theo đó, các cán bộ lãnh đạo này sẽ được ưu tiên sắp xếp vào vị trí lãnh đạo còn thiếu tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Hiện tại, một số đơn vị sự nghiệp còn thiếu lãnh đạo cấp phó so với quy định, hoặc có lãnh đạo cấp trưởng chuẩn bị nghỉ hưu. Đồng thời, bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tham tán trong các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Bổ nhiệm, cử giữ các chức vụ lãnh đạo, người đại diện tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đối với lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng được yêu cầu điều hành doanh nghiệp.

Đối với các công chức, người lao động bình thường, Bộ Công Thương cho hay, việc sáp nhập chắc chắn có xảy ra tình trạng dư thừa lớn song đã dự kiến một số giải pháp để giải quyết số lượng nhân sự dư thừa.

Bộ sẽ ưu tiên tìm công việc mới tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ đối với những trường hợp đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm mà đơn vị sự nghiệp còn thiếu.

Đồng thời tạo điều kiện tìm việc làm mới trong các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ đối với nhân sự có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hoặc có thể thay thế các công chức hoặc cử làm tuỳ viên tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Những trường hợp năng lực, trình độ kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ thực hiện giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 của Chính phủ. Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2017 cho Bộ Công Thương với mức giảm khoảng 1,5% so với 2016. Bộ Công Thương cho biết sẽ sắp xếp để đảm bảo số lượng biên chế theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao.

Bộ Công Thương cũng cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ được tinh gọn theo hướng giảm số lượng đầu mối, cơ cấu nhân sự giảm, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút người có đức, có tài đáp ứng những thay đổi trong thời kỳ mới.

Với các chức danh Thứ trưởng hiện nay, phía Bộ cho biết đã phân công nhiệm vụ theo từng mảng công việc chuyên môn và theo từng đơn vị phụ trách. Tuy nhiên, khi có cơ cấu tổ chức mới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ họp, trao đổi và Bộ trưởng sẽ quyết định việc phân công nhiệm vụ mới cho các Thứ trưởng.

“Cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. Thời gian tới, chủ trương của Bộ Công Thương sẽ là đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Việc này chắc chắn sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho việc nâng cao tính cạnh tranh cũng như phát triển doanh nghiệp”, Bộ Công Thương cho biết, đồng thời khẳng định dự thảo sắp xếp đang được lấy ý kiến trong nội bộ và bắt đầu nhận được sự ủng hộ.

Thực tế, thời gian qua tại một số bộ khi sắp xếp có tình trạng một vụ có 2-3 vụ trưởng, cục trưởng, về vấn đề này, Bộ Công Thương nói chắc chắn sẽ không không để việc này xảy ra. Số lượng lãnh đạo đơn vị sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Cụ thể, với các vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định lấy ý kiến về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trong Bộ Công Thương. Theo đó, Tổng cục Năng lượng tách thành một cục và hai vụ; Vụ Thị trường thương mại miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước; Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng nhập thành Cục Công nghiệp; Vụ Tài chính tách một phần về Vụ Kế hoạch, một phần về Vụ Đổi mới phát triển doanh nghiệp.

Vụ Phát triển nguồn nhân lực (trước kia tách ra từ Vụ Tổ chức cán bộ), sẽ nhập lại về Vụ tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng và Cục Công tác phía nam (trước kia là Văn phòng đại diện Bộ Công Thương tại Tp.HCM) nhập về thuộc Văn phòng Bộ Công Thương.

Các Vụ KV1, KV2, KV3, KV4 nhập lại thành hai Vụ châu Âu, Mỹ và Á Phi; Vụ Hợp tác Quốc tế nhập về hai Vụ Á, Phi và Âu Mỹ; Hai viện nghiên cứu (Thương mại và Chính sách công nghiệp) nhập thành một viện.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ thành lập thêm Cục Phòng vệ thương Mại cho phù hợp xu thế hội nhập. Nâng cấp thành lập Tổng cục Quản lý thị trường từ Cục Quản lý Thị trường còn lại giữ nguyên.