Bộ Lao động cảnh báo tình trạng đi nước ngoài làm việc trái phép
Việc lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trái phép tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người
Xung quanh vụ việc 39 người tử vong trong xe container ở Anh, sau khuyến cáo lao động Việt Nam không nên đi làm việc trái phép tại thị trường Châu Âu, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tiếp tục có cảnh báo các trường hợp đi nước ngoài làm việc trái phép tại một số thị trường có đông lao động Việt Nam đang làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Không du học trá hình tại Nhật Bản
Đối với thị trường Nhật Bản, hiện nay, có khoảng 300.000 người Việt Nam đang lưu trú tại nước này.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo trong những năm gần đây, Việt Nam đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài và số thực tập sinh nước ngoại bỏ trốn tại nước này. Nguyên nhân là do một số công ty phái cử và công ty tư vấn du học lừa gạt người Việt Nam để thu phí môi giới cao, quảng cáo sai sự thật về các chương trình vừa học vừa làm thu nhập cao.
Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản không vì mục đích học tập mà vì mục đích kiếm tiền (du học trá hình).
Trong khi đó, hiện nay những tư cách lưu trú hợp pháp đối với người lao động ở Nhật Bản đang được áp dụng chỉ gồm: thực tập kỹ năng với thời gian lưu trú dài nhất là 5 năm; kỹ sư hay các ngành nghề có trình độ chuyên môn cao; kỹ năng đặc biệt (bắt đầu áp dụng từ tháng 4/2019) và du học.
Theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các chi phí mà thực tập sinh kỹ năng phải trả cho công ty phái cử bao gồm: phí dịch vụ không quá 3.600 USD/hợp đồng 3 năm và phí đào tạo không quá 5,9 triệu đồng.
Pháp luật Nhật Bản cũng không cho phép trung gian, môi giới thu phí môi giới của thực tập sinh.
Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo những người có nhu cầu du học và làm việc tại Nhật Bản không nên sang theo các công ty phái cử không có giấy phép, không chi trả chi phí trước khi đi cao hơn quy định. Đặc biệt là không đi du học vì mục đích kiếm tiền.
Đi Hàn Quốc chỉ qua 3 kênh cung ứng chính
Tại thị trường Hàn Quốc, hiện có khoảng 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc theo 3 kênh cung ứng chính là: Chương trình cấp phép việc làm (chương trình EPS), Chương trình thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá và Chương trình lao động kỹ thuật cao (visa E7).
Ngoài ra, từ năm 2018 Chính phủ đồng ý cho thí điểm đưa lao động thời vụ 3 tháng sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa hai địa phương hai nước.
Do đó, người lao động muốn sang làm việc tại Hàn Quốc chỉ có thể tham gia vào một trong các chương trình trên, không thể đi bằng con đường nào khác.
Công dân sang Hàn Quốc bằng hình thức visa nào thì chỉ có thể xin tư cách lưu trú bằng loại visa đó mà không thể chuyển đổi sang loại hình visa khác, ví dụ xin visa du lịch thì không thể chuyển thành visa lao động sau khi sang Hàn Quốc được.
Cảnh giác web tuyển dụng đi làm việc ở Singapore
Đối với thị trường Singapore, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước này và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Do đó, người lao động phải cảnh giác với các thông tin tuyển lao động sang Singapore làm việc.
Thời gian qua, có rất nhiều trang web đưa thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc tại Singapore mà hầu hết đều là những trang không chính thống, hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp.
Hiện tại chính quyền Singapore cấp phép khá hạn chế cho lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Singapore phải được cấp một trong 3 loại visa là: Work Permit (giấy phép làm việc cho lao động phổ thông); visa S Pass (giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung) và E Pass (giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài trong các công việc quản lý, điều hành hoặc nghề đặc thù).
Hiện nay, lao động Việt Nam chỉ có thể đến làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit.
Singapore chỉ cấp Work Permit cho phép lao động phổ thông đến từ Malaysia, Hong Kong, Macao, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái lan, Bangladesh, Myanmar, Phillipines và Trung Quốc.
Để được cấp S Pass hoặc E Pass sang Singapore làm việc, lao động Việt Nam phải được chủ sử dụng lao động nước này bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết như nộp hồ sơ tại Bộ Nhân lực Singapore để xin thư đồng ý về mặt nguyên tắc (IPA - In Principal Approval).
Với những thực tế trên, để hạn chế tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc trái phép ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, rà soát, tình hình đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương mình.
Từ đó nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân môi giới, đưa người đi trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.