13:29 07/08/2019

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng

KIỀU LINH

Đây là một trong 4 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Phát biểu tại hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia sáng 7/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/lao động, tương đương 4.521 USD/lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm.

Tốc độ tăng nhưng năng suất lao động nhìn chung vẫn thấp

Điều này giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Trong đó, Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. 

Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

"Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. Hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới", Bộ trưởng nói.

Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước cho thấy phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... 

Các quốc gia này đã đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.

4 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra 4 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động.

Một là, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã thu được một số kết quả, nhưng dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý. Ví dụ như ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP, nhưng lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội.

Ngoài ra, những hạn chế về hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng thời gian lao động trong ngành nông nghiệp, bất cập về hạn điền, chuyển nhượng đất, hiệu quả sử dụng đất thấp... cũng trở thành điểm nghẽn đối với việc gia tăng năng suất lao động của khu vực nông nghiệp.

Hai là, các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế. Cụ thể, xếp hạng các chỉ số của Việt Nam so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp. 

Ví dụ như năm 2018, năng lực cạnh tranh đứng thứ 77, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82, trong đó hợp tác đa bên trong đổi mới sáng tạo đứng thứ 92, số bằng phát minh, sáng chế đứng thứ 89, tăng trưởng của các công ty đổi mới sáng tạo đứng thứ 90...

Ba là, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh, không chỉ tạo áp lực về gánh nặng phúc lợi xã hội mà còn đặt ra thách thức đối với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trước yêu cầu cao về chất lượng, kiến thức và kỹ năng.

Bốn là, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp. Doanh nghiệp khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Mỗi người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo

Để cải thiện năng suất lao động, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tập trung các giải pháp ở tầm vĩ mô, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Trong đó, mục tiêu chủ yếu của các thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách vĩ mô, ngành, lĩnh vực phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng tác động chủ yếu của chính sách.

"Việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, trong đó, hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nhận định khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Do đó, doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp…

Đối với người lao động, cần tăng cường trau dồi kiến thức, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, mỗi một người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cần cù, chịu khó trong công việc, vừa khẳng định được năng lực cá nhân, tăng năng suất, tăng thu nhập vừa khẳng định được giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta cần đặc biệt lưu ý mối quan hệ tương hỗ giữa năng suất lao động và tăng trưởng GDP, năng suất cao thì tăng trưởng GDP cao và ngược lại, tăng trưởng GDP cao thì năng suất lao động sẽ cao. Với năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra "lợi ích theo cấp số nhân". Tăng năng suất lao động phải gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế".