Bộ trưởng Quốc phòng lý giải vì sao quân đội phải làm kinh tế
Từ 88 doanh nghiệp quân đội, hiện Bộ Quốc phòng chỉ còn để lại 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
Tham gia sản xuất, xây dựng, làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội cần phải được quy định trong dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Quan điểm này được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, khi ông hồi âm ý kiến đại biểu về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) sáng 24/11 tại Quốc hội.
Trước đó, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến về vấn đề quân đội làm kinh tế.
Đồng ý quân đội có thể tổ tham gia làm kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói hiện nay đã có những tập đoàn làm kinh tế rất thành công. Nhiều doanh nghiệp quân đội đã hoạt động đúng quy định của pháp luật, đổi mới, sáng tạo và doanh thu lớn.
Từ năm 2012, quân đội qua sản xuất kinh doanh đã nộp ngân sách khoảng 16.500 tỷ đồng, năm 2015 là 43.237 tỷ đồng, và năm nay dự kiến khoảng 47.000 tỷ đồng.
Quân đội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, đã có mặt tại những vùng khó khăn, vùng biên cương, hải đảo để vừa làm kinh tế vừa giúp xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ những vùng phên dậu của Tổ quốc.
"Những kết quả đó, những điều đó không thể đong đếm được bằng tiền", đại biểu Trí nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong kết hợp quốc phòng với kinh tế, đại biểu Trí cũng đề nghị: quân đội cần rạch ròi phạm vi, hoạt động phục vụ quốc phòng bảo vệ Tổ quốc với những nội dung, phạm vi, hoạt động làm kinh tế đơn thuần.
Nêu vụ việc liên quan đến sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua, ông Trí cũng nhấn mạnh yêu cầu quân đội không sử dụng đất đai sai mục đích.
Một số ý kiến khác cũng đề nghị làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc, thẩm quyền, tính lưỡng dụng của một số dự án để đảm bảo tính khả thi của luật.
Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, cơ sở hạ tầng, khai hoang, phục hóa đất đai, tạo điều kiện cho hàng vạn hộ dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, hạn chế và chấm dứt tình trạng du canh, du cư của một số đồng bào dân tộc.
Quân đội cũng góp phần xây dựng các làng, bản thành phên dậu vững chắc, tuyến biên giới của Tổ quốc. Đây cũng là địa bàn mà các doanh nghiệp ngoài quân đội hầu như không đầu tư, vì lợi nhuận thấp.
Bộ trưởng cũng điểm danh một số doanh nghiệp quân đội tạo lập được thương hiệu, hàng năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, như Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Sông Thu, Tổng công ty Trực trăng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội...
Ông cho biết, năm 2017, Bộ Quốc phòng đã thực hiện đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội, từ 88 doanh nghiệp chỉ để lại 17 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, số còn lại thực hiện thoái vốn cổ phần hóa sắp xếp sáp nhập.
Ngoài nhiệm vụ trên, các tập đoàn kinh tế quốc phòng và các doanh nghiệp quân đội còn là đơn vị dự bị động viên, để sẵn sàng mở rộng thành các binh đoàn chủ lực tác chiến, khi đất nước có chiến tranh.
Vì vậy, Bộ trưởng Lịch nhấn mạnh, nhiệm vụ tham gia sản xuất xây dựng làm kinh tế đã, đang và sẽ luôn là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của quân đội, và cần phải được quy định trong dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi).