Bộ trưởng Tư pháp giải thích lý do lùi, rút, nợ trong xây dựng luật
Chỉ tính trong 2 năm 2016 và 2017 đã có 21 dự án phải lùi, rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội
Chỉ tính trong 2 năm 2016 và 2017 đã có 21 dự án phải lùi, rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Đó là thông tin từ báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phục vụ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phiên chất vấn diễn ra sáng 19/3, do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành.
Tại đây, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Cán bộ và kinh phí đều chưa đáp ứng
Nhóm vấn đề Bộ trưởng Tư pháp phải trả lời là các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội. Đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật, giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định tổng số 718 văn bản, trong đó có 93 đề nghị và dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhìn chung, công tác thẩm công tác thẩm định của Bộ Tư pháp đảm bảo tuân thủ đúng quy định của luật, Bộ trưởng đánh giá.
Nhìn nhận hạn chế, Bộ trưởng nêu vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh chương trình, cụ thể năm 2016 có 12 dự án và 2017 có 9 dự án được lùi, rút.
Trong quá trình lập chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật. Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Bên cạnh đó là gửi hồ sơ chậm, kỳ họp gần nhất của Quốc hội thì đến tận ngày khai mạc vẫn còn 4/15 hồ sơ dự án luật chưa được gửi các đại biểu Quốc hội.
Về nguyên nhân, báo cáo nêu rõ, sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của một số bộ, ngành đối với công tác xây dựng thể chế chưa tương xứng với đòi hỏi thực tế của công tác này. Một số cơ quan chưa trù liệu hết được các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của việc lập và thực hiện chương trình. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật có lúc còn chưa nghiêm.
Ngoài ra, nguồn lực bảo đảm, nhất là cán bộ và kinh phí chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Vẫn còn tình trạng nợ
Nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật là khuyết điểm được nêu nhiều lần tại Quốc hội.
Số liệu tại báo cáo cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14. Đến nay, đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Bộ trưởng thông tin, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, cũng như phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng đều kiểm điểm công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nêu tên và nhắc nhở các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng nợ văn bản.
Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Cụ thể, cuối năm 2015 nợ 33 văn bản, cuối năm 2016 nợ 14 văn bản, cuối năm 2017 nợ 9 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hạn chế lớn nhất là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Tính đến ngày 12/3/2018 còn nợ 22 văn bản (10 nghị định, 2 quyết định, 8 thông tư, 2 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh.
Một trong các nguyên nhân được Bộ trưởng đề cập là trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản. Nhiều trường hợp nội dung của văn bản quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách hoặc phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Ví dụ cụ thể là dự thảo nghị định quy định chi tiết Bộ luật Hàng hải về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và khu vực áp dụng Ban Quản lý và khai thác Cảng. Hiện Chính phủ đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chưa ban hành nghị định này vì chưa có sự tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hay, dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện đang phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội do còn có cách hiểu khác nhau về quy định tại khoản 2 điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.