Bộ Y tế lên tiếng về việc chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường
Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đảm bảo công khai, minh bạch
Liên quan đến thông tin phản ánh cho rằng, Bộ Y tế chậm trễ ban hành quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ trong chương trình Sữa học đường gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc lựa chọn sản phẩm cho học sinh sử dụng khi năm học mới bắt đầu, Bộ Y tế đã chính thức có phản hồi về vấn đề này.
Trả lời báo chí ngày 15/8, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế, cho biết, ngày 8/7/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình Sữa học đường.
Ngay sau quyết định trên, ngày 28/9/2016 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình Sữa học đường.
Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nhấn mạnh, sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế..
Như vậy, theo ông Nguyễn Đức Vinh, có thể khẳng định Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế và Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như các hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định rất rõ yêu cầu về tiêu chuẩn đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường.
Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, các quy định, hướng dẫn của Bộ này, vẫn cần được thực hiện nghiêm túc như trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương, hiện có 15 tỉnh đã và đang triển khai Chương trình Sữa học đường bằng các nguồn kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, có tỉnh rất khó khăn như Sơn La vẫn dành kinh phí của địa phương ưu tiên triển khai chương trình.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh, việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường cần có cơ sở khoa học như bổ sung loại vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, căn cứ vào tình trạng thiếu hụt vi chất của trẻ… nhằm đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế.
Quan trọng hơn cả là thực hiện chỉ tiêu trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ, đó là đáp ứng thêm 30% nhu cầu sắt, Vitamin D, canxi của trẻ đến năm 2020.
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) thông tin thêm, hiện Bộ này cũng đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đảm bảo công khai, minh bạch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.