09:39 28/04/2009

Bốn đặc điểm của FDI trong bốn tháng đầu năm

Dương Ngọc

Mỹ đã vượt qua Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam

Tỷ trọng đầu tư vốn FDI vào các lĩnh vực đã có sự thay đổi - Ảnh: Việt Tuấn
Tỷ trọng đầu tư vốn FDI vào các lĩnh vực đã có sự thay đổi - Ảnh: Việt Tuấn
Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bốn tháng đầu năm nay có bốn đặc điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, FDI vào Việt Nam đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước, cả về lượng vốn đăng ký và lượng vốn thực hiện. Lượng vốn đăng ký tháng 4 chỉ đạt 342 triệu USD, giảm 52% so với tháng 3 và giảm 87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng mới đạt 6.357 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Số vốn FDI thực hiện trong quý I giảm 32% so với cùng kỳ. Như vậy, việc gia nhập WTO, làn sóng FDI đầu tư vào Việt Nam đã tăng tốc trong hai năm đầu tiên (năm 2007 FDI đăng ký đạt 21.348 triệu USD, thực hiện đạt 8.030 triệu USD; năm 2008 tăng mạnh tương ứng là 64.100 triệu USD và 11.500 triệu USD), nhưng do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã làm cho làn sóng này bị chậm lại. Nói bị chậm lại là so với năm 2008, dự báo triển vọng cả năm sẽ vẫn cao hơn năm 2007.

Thứ hai, lượng vốn đăng ký bổ sung của các dự án được cấp phép từ các năm trước cao hơn lượng vốn đăng ký mới (3,87 tỷ USD so với 2,48 tỷ USD). Điều đó chứng tỏ các nhà đã đầu tư tại Việt Nam vẫn nhận thấy kết quả tích cực và triển vọng khả quan của việc đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. “Lòng tin vào nơi đầu tư” có ý nghĩa không kém gì “nguồn vốn”, bởi “nguồn vốn” có thể khó khăn đối với nhà đầu tư này, nhưng không khó khăn đối với nhà đầu kia, có thể khó khăn đối với nước này, nhưng không khó khăn đối với nước kia; còn “lòng tin vào nơi đầu tư” thì lại có sức hút để các nhà đầu tư không gặp khó khăn về vốn có thể chuyển nơi đầu tư.

Thứ ba, tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có sự khác biệt lớn so với trước đây. Lượng vốn đầu tư vào khu vực dịch vụ chiếm tới 93,8%, với 9.965 triệu USD; còn khu vực công nghiệp chỉ có 392 triệu USD, chỉ chiếm 6,2%. Đây là kết quả tích cực của việc mở cửa đối với khu vực dịch vụ rộng hơn sau cam kết khi gia nhập WTO.

Trong khu vực dịch vụ, phần lớn lượng vốn đã được thu hút vào lĩnh vực bất động sản lên đến 5.785 triệu USD, chiếm tới 97% tổng vốn đăng ký đầu tư vào khu vực dịch vụ và chiếm 91% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta trong bốn tháng qua.  Cũng từ đó có thể dự báo về khả năng ấm lại của thị trường bất động sản trong một vài năm tới sau một thời gian bị đóng băng về giao dịch và giá cả.

Tuy nhiên, lượng vốn đăng ký đầu vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong bốn tháng hầu như không có. Chiều hướng ngày một ít vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực nông, lâm nghiệp- thủy sản có thể do khả năng sinh lời và thời gian thu hồi vốn chậm của khu vực này. Điều đó cũng đòi hỏi các nguồn vốn trong nước cần được tăng mạnh hơn cho khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, không những để bù đắp cho chiều hướng trên, mà còn ngăn chặn sự sụt giảm tỷ trọng tổng vốn đầu tư xã hội cho khu vực này (giảm gần như liên tục từ 14,1% năm 1999 xuống còn 6,5% năm 2007, thấp rất xa so với tỷ trọng trên 20% chiếm trong GDP).

Thứ tư, tính đến cuối năm 2008, tổng lượng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, đứng thứ 9 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (sau Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hồng Công, Thái Lan), thì chỉ trong 4 tháng này đã vượt lên đứng thứ nhất, với 3,82 tỷ USD, chiếm tới 60% tổng số và cao hơn tổng lượng vốn đăng ký tính từ 1988 đến cuối năm 2007 (3.480 triệu USD), vượt qua Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore,...Các nhà đầu tư Mỹ  có sự vượt lên mạnh mẽ như vậy hẳn phải có  nhiều lý do, trong đó Việt Nam được lựa chọn hẳn có sự hấp dẫn nhất định...