16:13 01/06/2021

Bồn tắm gia đình lên cơn "sốt"

Giãn cách xã hội do dịch Covid – 19 và nắng nóng ngay từ những ngày đầu Hè đã đẩy thị trường bồn tắm lên cơn “sốt”…

Phần lớn các gia đình trước kia thiết kế nhà tắm đứng, nhưng xu thế năm nay là lắp thêm bồn tắm nằm.
Phần lớn các gia đình trước kia thiết kế nhà tắm đứng, nhưng xu thế năm nay là lắp thêm bồn tắm nằm.

“Chúng tôi vừa nhập về lô hàng 30 chiếc bồn tắm nằm cách đây 5 hôm đến hôm nay khách hỏi đã không còn hàng để bán…”, chị Ngọc Lan, chủ một cửa hàng trên phố Khuất Duy Tiến – Hà Nội chia sẻ.

Cũng theo chị Lan, toàn bộ hàng nhập về là hàng bình dân với giá chỉ khoảng 10 triệu đồng là có thể mua được chiếc bồn tắm kích thước đủ cho một người lớn sử dụng. Ngoài ra, các cửa hàng đang đẩy hàng nhanh bằng nhiều khuyến mãi như tặng kèm phụ kiện, khăn tắm….

BỒN TẮM NẰM CHÁY HÀNG

Theo chị Ngọc Lan, năm nay xu hướng mua bồn tắm đang ngược lại với những năm trước. Nếu như những năm trước thiết bị tắm đứng bán chạy nhất do phần lớn người dân không để ý nhiều đến phòng tắm trong nhà. Việc lắp đặt thiết bị tắm đứng tiết kiệm diện tích, dễ lắp đặt, không tốn công vệ sinh và chi phí thấp hơn.

Ngược lại, từ khi bắt đầu vào mùa nóng năm nay xu hướng mua bồn tắm nằm tăng mạnh. Có khách hàng đến đặt bồn tắm chia sẻ là đã đầu tư mở rộng khu nhà tắm để lắp bồn.

Nguyên nhân là do dịch Covid – 19 bùng phát mạnh người dân hạn chế ra ngoài, đặc biệt là trẻ em nghỉ hè không được đến các bể bơi công cộng nên cha mẹ quyết định đầu tư bồn tắm cho con chơi ở nhà.

Hơn nữa, những ngày đầu Hè thời tiết đã nóng, có ngày lên tới 40 độ nên nhiều người dân lựa chọn mua bồn tắm để chống nóng…

"Dịch Covid - 19 bùng phát nên  xu hướng mua hàng online tăng mạnh nên năm nay chúng tôi đầu tư thêm chi phí để dựng clip bán hàng. Có tới 70% là đơn hàng được đặt qua internet… Với chi phí khoảng 10 triệu đồng là có một chiếc bồn tắm đầy đủ chức năng nên rất nhiều gia định lựa chọn...", chị  Ngọc Lan cho biết thêm.

Cũng theo chị Ngọc Lan, từ cuối tháng 4/2021 đến nay riêng hệ thống cửa hàng của gia đình chị tại Hà Nội đã tiêu thụ hơn 100 chiếc bồn tắm nằm. Đặc biệt, các hãng mới tung ra loại bồn tắm sục giá khoảng 25 đến 70 triệu đồng mỗi chiếc cũng đang thu hút khác hàng…

“Hiện chúng tôi đang nhận gần 30 đơn đặt hàng cho bồn tắm sục, tuy nhiên do dịch Covid – 19 khiến hàng nhập khẩu về gặp khó khăn nên đang xin lùi thời hạn giao hàng với khách. Cũng có một vài khách không đợi được đã đi mua nơi khác nhưng chúng tôi không lo bị tồn kho như những năm trước vì lượng tiêu thụ năm nay chắc chắn sẽ tăng mạnh. Những ngày qua rất nhiều khách đến hỏi trực tiếp nhưng không có hàng giao ngay khách lại đi tìm mua nơi khác…”, chị Ngọc Lan cho hay.

Anh Lê Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Hải Anh, chia sẻ" chưa năm nào Công ty được đặt hàng lắp đặt bồn tắm, đặc biệt là bồn tắm nằm, nhiều như năm nay. "Từ đầu tháng 4/2021 đến nay công nhân của chúng tôi đã nhận hơn 50 hợp đồng cải tạo nhà tắm và lắp đặt bồn tắm".

“Phần lớn các gia đình trước kia thiết kế nhà tắm đứng, nhưng xu thế năm nay là lắp thêm bồn tắm nằm nên nhiều gia đình đã phải cải tạo lại nhà tắm…”, anh Lê Nghĩa cho biết.

SẢN PHẨM VIỆT ĐANG YẾU THẾ

Theo kinh nghiệm của mình, anh Lê Nghĩa cho biết, phần lớn bồn tắm phân khúc bình dân đang bán trên thị trường Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Chỉ có một số thương hiệu đến từ châu Âu với giá bán rất cao, hàng trăm triệu đồng một chiếc nên lượng tiêu thụ không cao.

Trong khi đó, anh Trần Thanh - một đại lý Hải quan tại Hà Nội chia sẻ: từ tháng 3/2021 đến nay số lượng hồ sơ hải quan nhập khẩu thiết bị nhà tắm, đặc biệt là sản phẩm bồn tắm từ Trung Quốc và Malaysia tăng mạnh.

Hiện nay, bồn tắm nhựa đang có thuế nhập khẩu ưu đãi 22%, thuế Giá trị gia tăng 10% và  bồn tắm bằng sứ có thuế nhập khẩu ưu đãi 35%, thuế giá trị gia tăng 10%. Nếu hàng hoá nhập về có chứng nhận xuất xứ thì mức thuế nhập khẩu còn ưu đãi hơn. Tuy nhiên, phần lớn bồn tắm nhập khẩu về Việt Nam hiện nay từ Trung Quốc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường không cung cấp Chứng nhận xuất xứ.

Mức thuế này được xem là cao nhưng với giá bán của các sản phẩm bồn tắm từ Trung Quốc đang rất thấp nên nhìn chung giá bán tại thị trường Việt Nam vẫn thấp. Đó chính là lý do bồn tắm Trung Quốc đang tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam.

Cũng theo anh Trần Thanh, không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị vệ sinh, phòng tắm quen thuộc tăng số lượng nhập khẩu bồn tắm trong thời gian quan mà còn có sự xuất hiện của rất nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

“Trước kia các sản phẩm thiết bị nhà tắm, vệ sinh nằm trong danh mục hàng hóa vật liệu xây dựng phải được chứng nhận và công bố hợp quy nên thủ tục nhập khẩu khó khăn hơn. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2018 Bộ Xây dựng đã chính thức đưa các mặt hàng này ra khỏi danh mục hàng hóa vật liệu xây dựng phải được chứng nhận và công bố hợp quy, do đó các mặt hàng này đã được làm thủ tục nhập khẩu như một lô hàng bình thường. Chính điều này đã đẩy thị trường thiết bị vệ sinh, nhà tắm tăng mạnh thời gian qua…”, anh Trần Thanh nhận định.

Anh Thanh Tùng, chủ chuỗi cửa hàng thiết bị vệ sinh, nhà tắm trên đường Hoàng Quốc Việt – Hà Nội chia sẻ, hiện nay hầu hết các thương hiệu nổi tiếng về thiết bị vệ sinh, nhà tắm đến từ những quốc gia như Đức, Mỹ, Trung Quốc... Việt Nam đang phải nhập 100% hàng nguyên chiếc từ các thị trường này. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển, chi phí thuế… nên giá bán thường cao.

Những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn cho chiếc bồn tắm. Như Viglacera đang cung cấp ra thị trường 3 mẫu bồn tắm với giá khoảng 70 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra còn có thương hiệu bồn tắm Amazon của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Toàn Phát. Còn lại, phần lớn các nhà sản xuất nhỏ tại Việt Nam đang bán bồn tắm gỗ cá nhân…

“Thị trường bồn tắm Việt Nam đang bị chi phối bởi các thương hiệu lớn nước ngoài và phần lớn họ đặt nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc và Malaysia. Còn bồn tắm thương hiệu Việt thực sự đang yếu thế trên thị trường nội địa…", anh Thanh Tùng chia sẻ.