07:25 13/10/2020

Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm có dấu hiệu phục hồi

PT

Sau nhiều tháng "đìu hiu" vì vắng khách, hiện nhiều doanh nghiệp và cửa hàng vật liệu xây dựng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu cho mùa xây dựng của năm.


Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng đều có xu hướng giảm, trong đó lĩnh vực kính xây dựng và gạch ốp lát có sản lượng tiêu thụ và sụt giảm mạnh nhất (tương ứng là 61,5% và 52,2% so với cùng kỳ năm 2019).Vào thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường sản xuất trở lại, các cửa hàng chuyên kinh doanh VLXD trên địa bàn Hà Nội cũng đã thường xuyên có lượng lớn khách hàng đến tham khảo giá và đặt mua sản phẩm. Đã là quý cuối cùng của năm, các công trình xây dựng đã cơ bản hoàn thành phần thô và phải đẩy nhanh tiến độ để sớm bàn giao nên thị trường VLXD hoàn thiện cũng đang "nóng" lên từng ngày. Các mặt hàng bán chạy nhất chủ yếu là gạch ốp, gạch ngói, thiết bị vệ sinh...
Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 1.
Qua tham khảo nhiều cửa hàng, vật liệu trong nước dường như chiếm được nhiều thiện cảm của người tin dùng hơn cả nhờ giá thành hợp lý mà chất lượng, mẫu mã được cải tiến, màu sắc đa dạng, hợp với xu hướng xây dựng hiện nay. Tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên phố Cát Linh, Láng Hạ cho thấy, giá bán hầu hết các mặt hàng không tăng, thậm chí còn giảm. Hiện gạch lát nền của các thương hiệu Việt như: Đồng Tâm, Prime, Viglacera dao động từ 80.000 - 250.000 đồng/m²; gạch lát nền nhập khẩu từ Malaysia, Italia, Tây Ban Nha... dao động từ 400.000 - 1,3 triệu đồng/m².Cùng với các sản phẩm gạch ốp lát, mặt hàng sơn tường cũng có sức tiêu thụ mạnh. Theo đánh giá của các chủ đại lý, lượng khách đến mua sơn tăng gấp đôi, gấp ba so với những tháng trước do nhu cầu hoàn thiện công trình tăng cao. Đặc biệt, người dân ngày càng quan tâm đến dòng sản phẩm cao cấp, đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Để phục vụ khách hàng, tăng thị phần, các doanh nghiệp sản xuất sơn đều đang đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn từ 15 - 25% cho đại lý, đồng thời mạnh tay khuyến mãi đến người tiêu dùng.
Trên thực tế, việc giá VLXD giảm giúp người dân tiết kiệm được một phần chi phí khi xây nhà. Anh Lương Ngọc Tâm (Văn Cao, Hà Nội) cho biết, kế hoạch xây nhà đã được vợ chồng anh tính toán kỹ từ đầu năm. Do đó, khi dịch bệnh đã bước đầu được kiểm soát, anh đã tiến hành xây và đẩy nhanh tiến độ, để kịp cuối năm là hoàn thiện. "Thời điểm tôi bắt đầu xây nhà, giá VLXD thô giảm so với trước. Hiện tại, giá hàng vật liệu hoàn thiện và vật liệu trang trí nội thất lại ổn định nên gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền so với dự toán," anh Tâm chia sẻ.
Thị trường vật liệu xây dựng cuối năm có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 2.
Tuy nhiên, so với thời điểm này các năm trước, hầu hết các chủ đại lý đều cho biết các mặt hàng trang trí nội thất như gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, sơn… đang tiêu thụ khá ì ạch. Lý giải về việc đầu ra không ổn định, anh Dũng - một chủ cửa hàng VLXD trên phố Cát Linh cho biết - thời điểm này, thị trường bất động sản ảm đạm, nhiều công trình thi công tạm dừng, nhu cầu xây nhà trong dân ít do thu nhập giảm… Tuy nhiên, để chủ động trong kinh doanh, các cửa hàng vẫn đảm bảo nguồn cung dồi dào. "Mặc dù tình hình kinh doanh VLXD đang gặp khó khăn vì sức tiêu thụ giảm, song chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường nhà ở dân dụng sẽ có xu hướng phát triển trong thời gian tới, rồi xây dựng công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng khi các chính sách khôi phục, thì ngành kinh doanh VLXD cũng có cơ hội tăng trưởng," anh Dũng tâm sự.Trước tình hình thị trường vật liệu xây dựng hiện nay vô cùng đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả, các chủ đại lý cũng có lời khuyên tới người tiêu dùng nên dành thời gian tìm hiểu và tham khảo sản phẩm kèm đơn giá của nhiều đại lý để có sự so sánh. Ngoài ra, nên lchọn mua tại những cửa hàng gần nhà để giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển. Chỉ nên lấy vừa đủ số lượng cần thiết cho từng hạng mục hoặc có chỗ tập kết nguyên vật liệu để dễ dàng quản lý và bảo vệ.