Bức tranh tăng trưởng tín dụng và nợ xấu của nhà băng quý 1
Trên 21 ngân hàng có công bố phân loại nợ cho vay, tổng nợ xấu đã tăng thêm gần 4.400 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm
Theo báo cáo tài chính quý 1/2019, tăng trưởng tín dụng thực tế trong kỳ tiếp tục có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Thống kê trên 27 ngân hàng, có 11 nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng cao, trên 4% trong quý 1 vừa qua.
Tăng trưởng tín dụng: Kẻ bung, người ém
Trước đó, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức 14% theo hướng quản lý tín dụng chặt chẽ hơn. Hạn mức tín dụng đã được giao cho từng ngân hàng với mặt bằng chung khoảng 13%, trường hợp VCB được cấp hạn mức cao hơn với 15% so ngân hàng này là một trong những ngân hàng được công nhận đáp ứng Thông tư 41 (chuẩn mực an toàn vốn Basel II – phương pháp tiêu chuẩn) trước thời hạn.
TPB đang là ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất hiện tại với 9,8%. Tiếp theo là OCB, MBB với tỷ lệ lần lượt là 8,5% và 6,7%. VCB và VIB cũng có dư nợ cho vay tăng trưởng trên 6% ngay trong quý đầu năm.
Với việc đẩy mạnh tín dụng ngay trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng vượt qua quá nửa hạn mức khiến "room" của nhóm ngân hàng này sẽ khá eo hẹp trong 3 quý tiếp theo.
Tuy nhiên đây cũng là nhóm ngân hàng đặt mục tiêu khá cao, vượt hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước giao phó. Cụ thể, TPB kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng 20%, HDBank 25%, MBB và VPB 15%, đáng chú ý, VIB đặt mục tiêu lên đến 35%. Hội đồng quản trị VIB đặt mục tiêu tăng trưởng 20%-30% hàng năm cho các chỉ số dư nợ, huy động khách hàng và lợi nhuận trong nhiệm kỳ mới.
Lãnh đạo của một số ngân hàng trong nhóm trên từng chia sẻ, với việc tín dụng tăng cao trong quý 1 và đã đáp ứng được Basel II, ngân hàng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới thêm chỉ tiêu tín dụng trong thời gian tới.
Đây cũng là tâm lý chung của một số ngân hàng đã đạt tiêu chuẩn Basel II, do đó việc đặt mục tiêu cao cùng sự tăng trưởng tín dụng cao trong quý 1 được kỳ vọng sẽ được nới thêm hạn mức.
Trong các năm trước đây, Ngân hàng Nhà nước có xu hướng giao cho từng ngân hàng một mức chỉ tiêu ban đầu vào quý 1, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế mà có thể điều chỉnh nới thêm hạn mức bổ sung cho một số ngân hàng vào quý cuối năm nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm nằm trong hạn mức cho phép.
Tương tự trong năm 2019, hạn mức được giao cho các ngân hàng phần lớn nằm ở mức 13% (định hướng của Ngân hàng Nhà nước mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức khoảng 14%), song Ngân hàng Nhà nước cũng tuyên bố các ngân hàng tuân thủ Thông tư 41 trước hạn sẽ được ưu tiên về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển mạng lưới.
Ở diễn biến khác, nhiều ngân hàng còn dè dặt trong tăng trưởng dư nợ cho vay. Có 5 ngân hàng tăng trưởng dư nợ cho vay âm trong quý 1 vừa qua, trong đó ngoài "ông lớn" Vietinbank, hầu hết đều là những ngân hàng quy mô nhỏ như SaigonBank, BaovietBank, NVB, Eximbank.
Tuy vậy, tính chung 27 ngân hàng trên, tổng dư nợ cho vay trong quý 1 vẫn tăng 3,5%.
Có nên để ngân hàng tự chủ tốc độ tăng trưởng tín dụng?
Đi kèm việc đẩy mạnh tín dụng trong những tháng đầu năm, một số nhà băng cũng phải chứng kiến nợ xấu gia tăng. Trên 21 ngân hàng có công bố phân loại nợ cho vay, tổng nợ xấu đã tăng thêm gần 4.400 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tương ứng mức tăng 5,4%.
Tại TPBank, trong quý 1, nợ xấu tăng mạnh đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,12% cuối năm 2018 lên 1,39%. Đây cũng là ngân hàng có mức tăng nợ xấu lớn nhất bảng. OCB cũng có mức tăng nợ xấu cao với 33,6%, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,29% cuối năm 2018 lên 2,82% cuối quý 1.
Ở chiều hướng giảm, kỳ này có 7 ngân hàng có nợ xấu giảm bớt so với hồi đầu năm, bao gồm Nam Á Bank (-6,1%), HDB (-1%), BIDV (-4,9%), ACB( -3,1%), Bắc Á Bank (-42,8%), SeABank (-1,3%), BaovietBank (-3,6%) và Eximbank (-1,3%).
Theo đánh giá từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với tình hình dư địa tăng trưởng NIM trở nên hạn chế cũng như các nguồn thu nhập không thường xuyên không còn dồi dào như trước, các ngân hàng sẽ phải trông cậy nhiều hơn vào khả năng mở rộng tín dụng.
Tuy vậy, hiện nay mức tăng trưởng tín dụng lại bị hạn chế bởi chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước giao, vốn ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều ngân hàng. Vì vậy, việc có được điều chỉnh nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với mức hiện tại hay không sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập lãi cũng như kết quả lợi nhuận cả năm của các ngân hàng.
VDSC nhận định, việc điều hành bằng công cụ hạn mức tín dụng đã góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được các mục tiêu vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức hợp lý hơn.
Tuy nhiên, cơ chế này cũng làm hạn chế khả năng tăng trưởng của nhiều ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng tốt, nhất là những tổ chức có quy mô nhỏ hơn và lẽ ra có thể tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành mà vẫn đảm bảo tuân thủ theo các quy định về an toàn hoạt động do Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Căn cứ theo diễn biến của năm 2018, dù Ngân hàng Nhà nước có chấp thuận nới chỉ tiêu thì mức tối đa cho từng ngân hàng vẫn khó có thể vượt quá 20%, vì vậy mức độ tăng trưởng tín dụng cao của nhiều ngân hàng đặt ra năm nay có thể là mục tiêu khá tham vọng.
Từ năm 2019, nhiều ngân hàng đang và chuẩn bị được áp dụng chính thức Thông tư 41, với những quy định chặt chẽ hơn nhiều về tiêu chuẩn an toàn vốn so với Thông tư 36 hiện tại.
Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án để cho các ngân hàng này có thể tự chủ tốc độ tăng trưởng tín dụng, miễn là vẫn thỏa mãn các hệ số an toàn theo quy định.
Điều này nhằm đảm bảo nguồn lực tín dụng được phân bổ hợp lý và các ngân hàng sẽ thực sự có động lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả và các chỉ số an toàn hoạt động để được hưởng các ưu đãi về tăng trưởng tín dụng xứng đáng.