Đến cuối tháng 6, huy động vốn tại Đồng Nai đạt 452.000 tỷ đồng
Đến cuối tháng 6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại Đồng Nai (mới) tăng trưởng tích cực, đạt 452.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của người dân tiếp tục đóng vai trò "trụ đỡ", chiếm trên 51%…

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, đến cuối tháng 6/2025, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới) đạt 452.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm trước.
“Đây là tốc độ tăng trưởng tích cực, gắn liền với cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng, lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và quá trình khai thác và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2, nhận định.
Theo ông Lệnh, tăng trưởng huy động vốn trên địa bàn, cùng với các nguồn vốn khác góp phần đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn (số liệu thực tế) đạt 577.500 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2024; phù hợp với xu hướng tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (6 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành là 9,9%).
Bên cạnh đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt khoảng trên 234.000 tỷ đồng, chiếm trên 51% tổng tiền gửi trên địa bàn. “Đây là bộ phận tiền gửi chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tiền gửi, cao hơn bộ phận tiền gửi của tổ chức kinh tế, cá nhân và TCTD phát hành giấy tờ có giá”, ông Lệnh cho biết.
Với bản chất là tiền gửi tiết kiệm, tích lũy của người dân, vì vậy bộ phận tiền gửi này tương đối ổn định, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, nhất là các nhu cầu vốn trung dài hạn, để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, sự ổn định kinh tế vĩ mô và chất lượng dịch vụ tiền gửi tốt, đa dạng và phong phú,… tiếp tục là các yếu tố thu hút tiền gửi vào ngân hàng.
Trong đó, việc kết hợp linh hoạt giữa kỳ hạn tiền gửi và lãi suất, cùng với tiện ích của sản phẩm nhờ ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong thanh toán và các giải pháp mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế… đã thu hút tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn vào hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, tổng tiền gửi không kỳ hạn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chiếm khoảng 26% tổng tiền gửi.
Trong bối cảnh huy động vốn tăng tích cực, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xác thực sinh trắc học và ngân hàng điện tử cũng đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế bền vững.
Trước đó, các TCTD nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai nói riêng đã và đang tổ chức thực hiện tốt việc xác thực sinh trắc học đối với doanh nghiệp.
Nhìn ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết việc thực hiện sinh trắc học đối với doanh nghiệp mang lại ý nghĩa toàn diện ở các góc độ cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục mở rộng dịch vụ ngân hàng điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện hiệu quả đề án phát triển ngân hàng số. Hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn toàn nền kinh tế.
Thứ hai, cùng với xác thực sinh trắc học cho khách hàng cá nhân, việc áp dụng cho người đại diện pháp lý của doanh nghiệp trong giao dịch điện tử giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, tiện lợi và hiệu quả. Đây cũng là giải pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao hiệu quả, mang lại lợi ích toàn diện cho doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế.
Thứ ba, các giải pháp công nghệ hiện đại trong phát triển dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ tài khoản, là nền tảng thúc đẩy thanh toán và mở rộng các dịch vụ mới như cho vay theo dòng tiền, cho vay điện tử. Qua đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển ngân hàng số, ngân hàng xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và khu vực tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Đảng.