10:21 22/12/2011

Cả năm chỉ cổ phần hóa được... 6 doanh nghiệp

Hoài Ngân

Số liệu về cổ phần hóa năm 2011 có lẽ là sự thể hiện sinh động nhất về tiến trình cổ phần hóa hiện nay

Sau nhiều năm trì hoãn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nay mới chuẩn bị phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.
Sau nhiều năm trì hoãn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nay mới chuẩn bị phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.
Số liệu về cổ phần hóa năm 2011 có lẽ là sự thể hiện sinh động nhất về tiến trình cổ phần hóa hiện nay.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị Chính phủ mở rộng diễn ra sáng nay (22/12) cho hay tính đến hết 20/11/2011, đã thực hiện sắp xếp được 5.856 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.951 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đấy chỉ là con số cộng lũy kế nhiều năm, còn riêng năm 2011, mới chỉ cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp.

“Tiến độ cổ phần hóa trong năm 2011 chậm hơn so với những năm trước, chủ yếu do bất ổn của kinh tế vĩ mô và sự phát triển không thuận lợi của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, hiện nay đã chuyển sang giai đoạn cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn nên việc thực hiện diễn ra thận trọng hơn cũng như cần có thời gian để định giá, xử lý tồn tại về tài chính”, báo cáo viết.

Về nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được xác định trong trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ được thúc đẩy với mục tiêu phân bố lại và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung và của từng doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Quá trình này cũng sẽ giúp hình thành các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, chuyên môn hoá cao, có trình độ khoa học công nghệ cao, có phương thức quản trị hiện đại, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực khác mà hiện nay khu vực kinh tế tư nhân chưa thể đầu tư kinh doanh.

Còn ở các ngành, lĩnh vực khác, thì nếu tư nhân chưa muốn làm, thì khuyến khích họ làm; nếu tư nhân chưa làm được thì nên tạo điều kiện và hỗ trợ họ làm, không cạnh tranh với họ về cơ hội kinh doanh và phát triển.

Quan trọng hơn, các doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường với các doanh nghiệp khác; kinh doanh có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh tương xứng không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trong khu vực và toàn cầu.

Trong giai đoạn 2012-2015, sẽ tiến hành phân loại và thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại 1.309 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn theo Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, phân loại doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, sẽ tiếp tục nắm giữ 100% sở hữu nhà nước đối với 692 doanh nghiệp, gồm 284 doanh nghiệp công ích, an ninh, quốc phòng và 408 doanh nghiệp kinh doanh.

Chính phủ sẽ cho cổ phần hoá 573 doanh nghiệp, trong đó có cả một số công ty mẹ tập đoàn và tổng công ty, 187 công ty con của tập đoàn và tổng công ty, 89 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ và 239 doanh nghiệp độc lập do địa phương quản lý.

Chính phủ cũng sẽ thực hiện thoái vốn thông qua chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác ở các doanh nghiệp đã cổ phần hoá ở các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần tiếp tục nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối, trước hết là lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, du lịch…