16:34 04/04/2016

Các đồng tiền châu Á có tháng tăng mạnh nhất 7 năm

Bình Minh

Ngân hàng Goldman Sachs lại cho rằng các đồng tiền châu Á sẽ giảm giá trở lại

Tháng 3 vừa qua là tháng tăng giá mạnh nhất của các đồng tiền châu Á nói chung từ ít nhất năm 1999.
Tháng 3 vừa qua là tháng tăng giá mạnh nhất của các đồng tiền châu Á nói chung từ ít nhất năm 1999.
Tháng 3 vừa qua, các đồng tiền châu Á đã có tháng tăng mạnh nhất trong hơn 7 năm. Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng các đồng tiền châu Á sẽ giảm giá trở lại và khuyến cáo bán ra các đồng tiền này.

Won Hàn Quốc tăng mạnh nhất


Theo tin từ Bloomberg, chiến lược gia Kamakshya Trivedi của Goldman Sachs dự báo các đồng tiền ở khu vực châu Á sẽ quay trở lại với xu hướng mất giá khi các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ tiếp theo ở Trung Quốc và Nhật Bản có thể đẩy đồng Nhân dân tệ và đồng Yên xuống mức đáy từ ít nhất năm 2008.

Ông Trivedi là người vào tháng 11 năm ngoái đã đưa ra dự báo chính xác về sự phục hồi của các thị trường mới nổi vào đầu năm 2016.

Trong tháng 3, đồng Won Hàn Quốc là đồng tiền tăng giá mạnh nhất ở châu Á, với mức tăng 8,2%. Tiếp theo là đồng Ringgit của Malaysia với mức tăng 7,8%, mạnh nhất từ năm 1998. Một chỉ số là thước đo sức mạnh của 10 đồng tiền được giao dịch phổ biến ở châu Á, không bao gồm đồng Yên, tăng 3%.

“Đây là thời điểm tốt để bán khống (short) các đồng tiền châu Á, nhất là Won Hàn Quốc, Baht Thái Lan, Đôla Đài Loan, Nhân dân Tệ và Ringgit”, ông Trivdei, người hiện là chiến lược gia trưởng về vĩ mô các thị trường mới nổi của Goldman Sachs ở London, nhận định.

“Diễn biến tỷ giá đồng Nhân dân tệ có ảnh hưởng rất trực tiếp tới đồng tiền của các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á. Chúng tôi dự báo các đồng tiền trong khu vực sẽ giảm giá”.

Tháng 3 vừa qua là tháng tăng giá mạnh nhất của các đồng tiền châu Á nói chung từ ít nhất năm 1999. Cơ sở cho sự tăng giá này là giá hàng hóa cơ bản phục hồi và đồng USD giảm giá trước những đồn đoán cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hành động chậm trong vấn đề tăng lãi suất.

Tuy vậy, xuất khẩu của châu Á vẫn chưa hồi phục, dẫn tới khả năng một làn sóng phá giá tiền tệ mới ở khu vực trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng tiền các đối tác thương mại của Trung Quốc và kỳ vọng gia tăng về việc Nhật Bản sắp có thêm biện pháp kích thích tăng trưởng bằng chính sách tiền tệ - ông Trivedi nói.

Chuyên gia này dự báo đồng Yên sẽ giảm giá 14% so với USD, về mức 130 Yên đổi 1 USD trong 12 tháng tới, mức thấp nhất kể từ năm 2002. Đồng Nhân dân tệ được dự báo giảm giá 7% so với đồng bạc xanh, về mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008. Đồng Won sẽ mất giá 11% so với đồng USD trong 12 tháng, về mức gần 1.300 Won/USD - ông Trivedi nói.

Canh chừng Nhân dân tệ

Trong cuộc họp tháng 3 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách của FED dự báo sẽ tăng lãi suất hai lần trong năm nay, so với dự báo tăng 4 lần đưa ra hồi tháng 12/2015. Goldman Sachs dự báo FED sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2016.

Các hợp đồng tương lai ở Mỹ dự báo khả năng FED tăng lãi suất trong năm nay là 62%, trong đó kịch bản dễ xảy ra nhất là tăng lãi suất duy nhất 1 lần.

Tuy vậy, theo ông Trivdei, FED vẫn có khả năng tăng lãi suất nhanh chóng hơn nếu các số liệu kinh tế Mỹ khởi sắc đẩy đồng USD tăng giá, theo đó đảo ngược xu hướng tăng giá gần đây của đồng Nhân dân tệ và đồng Yên.

Từ đầu năm đến nay, Nhân dân tệ đã tăng giá 0,45% so với đồng USD. Tuy vậy, tỷ giá đồng tiền của Trung Quốc vẫn giảm nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Theo Goldman Sachs, cho dù đồng USD có tăng giá trở lại, thì Trung Quốc vẫn muốn duy trì sự mất giá của đồng Nhân dân tệ so với đồng tiền của các đối tác thương mại nhằm hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại.

“Điều đó đồng nghĩa với việc đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá so với USD”, ông Trivedi nói. “Nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá, thì các quốc gia khác có lĩnh vực xuất khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực sẽ phải đối mặt với áp lực phải giảm giá đồng tiền của mình để giữ năng lực cạnh tranh”.