Các nền kinh tế hàng đầu châu Á ngày càng "nóng mặt" vì tiền ảo
Nhiều người quan ngại rằng một đợt giảm giá sâu của tiền ảo có thể tác động mạnh tới thị trường tài chính
Giới chức các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đang ngày càng tỏ ra lo lắng trước sự trỗi dậy của thế giới tiền ảo, trong đó có Bitcoin, Ethereum, Litecoin...
Trong cuộc họp diễn ra ngày 21/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Haruhiko Kuroda lên tiếng cảnh báo rằng sự tăng giá "dữ dội" của tiền ảo Bitcoin là "bất thường".
Có chung quan điểm với ông Kuroda, các nhà lập pháp tại những nền kinh tế lớn trong khu vực như Australia, Hàn Quốc và Singapore cũng đã lên tiếng cảnh báo và đưa ra biện pháp đối phó với "cơn bão tiền ảo" đang càn quét tại đây và khắp toàn cầu.
Lo lắng của họ không phải là vô căn cứ khi mà châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng giao dịch tiền ảo và lớn nhất về giá trị giao dịch.
Tính tới cuối tháng 11, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm tới 80% lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu, tờ Wall Street Journal dẫn dữ liệu từ hãng nghiên cứu CryptoCompare cho biết.
Từ đầu năm đến nay, giá Bitcoin đã tăng hơn 1.500%, dù mới trải qua đợt giảm giá mạnh trong tuần này. Nhiều người quan ngại rằng một đợt giảm giá sâu có thể tác động mạnh tới thị trường tài chính.
Trung Quốc - Muốn kiểm soát hoàn toàn
Trung Quốc cấm hoạt động ICO - Ảnh: Forbes.
Hồi tháng 9, Trung Quốc có động thái mạnh mẽ với tiền ảo khi tuyên bố cản giao dịch và huy động vốn bằng phát hành tiền ảo (ICO). Ngân hàng trung ương nước này (PBOC) cho rằng thị trường chưa có sự quản lý của pháp luật này có thể gây ra những rủi ro lớn cho hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Dù có lập trường cứng rắn về các loại tiền ảo được do tư nhân phát hành, Bắc Kinh thực chất lại ủng hộ việc sử dụng tiền kỹ thuật số. PBOC cho biết đang nghiên cứu việc phát hành một loại tiền kỹ thuật số riêng của Trung Quốc và đã thành lập một đội để phát triển.
Nhật Bản - Nước đầu tiên hợp pháp hoá Bitcoin
Hồi tháng 4, Nhật Bản tuyên bố cho phép sử dụng Bitcoin và một số tiền ảo khác trong thanh toán, đồng thời công nhận 11 sàn giao dịch tiền ảo vào tháng 9. Nhưng nước này chưa có kế hoạch phát hành tiền ảo riêng.
Dù vậy, mới đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Kuroda mới lên tiếng cảnh báo cho rằng sự tăng giá của Bitcoin là "bất thường" và nhận định tiền ảo này "đang được giao dịch với mục đích đầu cơ", mất đi chức năng là phương tiện thanh toán.
Ấn Độ - Quan ngại về việc sử dụng bất hợp pháp
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã liên tiếp cảnh báo về rủi ro trong giao dịch tiền ảo. Giới chức nước này cũng quan ngại rằng loại tiền này có thể được dùng để trốn thuế, rửa tiền...
Tuần trước, các cơ quan chức năng của nước này đã mở rộng điều tra các hành vi sai phạm liên quan tới tiền ảo.
Hàn Quốc - Kiểm soát các tổ chức tài chính
Hàn Quốc cũng có động thái mạnh mẽ liên quan tới tiền ảo - Ảnh: Forbes.
Theo sau Trung Quốc, Hàn Quốc cũng lệnh cấm các tổ chức tài chính có hoạt động liên quan tới tiền ảo, bao gồm mua, sở hữu hoặc nắm giữ như tài sản thế chấp.
Hoạt động ICO cũng bị coi là vi phạm pháp luật, Văn phòng Thủ tướng Hàn quốc cho biết trong một thông cáo vào tháng 12.
Theo AFP, Hàn Quốc hiện chiếm khoảng 20% tổng giao dịch Bitcoin trên toàn cầu. Ước tính hiện có khoảng 1 triệu người Hàn Quốc, phần nhiều là nhà đầu tư nhỏ lẻ, sở hữu Bitcoin.
Australia - Bitcoin là "bong bóng đầu cơ"
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Philip Lowe cho rằng việc tiền ảo tăng giá mạnh sẽ hấp dẫn giới tội phạm hơn là người tiêu dùng bình thường và gọi đây là một "bong bóng đầu cơ".
New Zealand - Bitcoin là "trường hợp điển hình" của một bong bóng
Grant Spencer - Thống đốc Ngân hàng Dự trữ New Zealand, nhận định đồng Bitcoin biến động quá bất thường và là "trường hợp điển hình" của một bong bóng.
Ông cho rằng tiền ảo có thể đóng vai trò lớn trong tương lai nhưng không phải dưới dạng như của Bitcoin. Ngân hàng trung ương nước này cũng đang xem xét nhu cầu của đồng đôla New Zealand và cân nhắc việc thay thế một phần đồng nội tệ bằng một tiền ảo.
Đông Nam Á - Trở lại từ cuộc khủng hoảng năm 1997
Đông Nam Á là khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Giới chức khu vực này đã đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ về mặt trái của tiền ảo.
Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực, dự kiến sẽ cấm giao dịch tiền ảo từ năm 2018 nhằm bảo vệ đồng nội tệ Rupiahm tờ Jakarta Post cho biết.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Còn Singapore - trung tâm tài chính lớn của khu vực và toàn cầu, cũng cảnh báo hồi đầu tuần rằng các nhà đầu tư "có nguy cơ bị mất trắng tài sản" khi rót vốn vào tiền ảo. Cùng chung quan điểm, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan nhận định đang có nguy cơ hình thành bong bóng trong thế giới tiền ảo.