Tesla báo doanh số giảm chóng mặt, tài sản của Elon Musk vẫn tăng gần 11 tỷ USD
Tesla đang đứng trước khả năng để mất ngôi vị nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới xét về doanh số hàng năm...

Tesla ngày 2/7 báo cáo doanh số sụt giảm với tốc độ kỷ lục, cho thấy tổn thất thương hiệu do hoạt động chính trị của CEO Elon Musk và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đang tiếp tục thách thức hãng xe điện Mỹ từng có một thời tăng trưởng bùng nổ.
Dữ liệu do Tesla công bố cho thấy hãng bán được 384.122 xe trong quý 2, giảm gần 60.000 xe, tương đương mức giảm 13,5%, so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm doanh số hàng quý so với cùng kỳ năm trước lớn nhất trong lịch sử của Tesla. Tuy nhiên, nếu so với quý 1, doanh số quý 2 của Tesla đã tăng 14,1%.
Mặc báo cáo doanh số ảm đạm, cổ phiếu Tesla chốt phiên giao dịch ngày 2/7 với mức tăng gần 5%, đạt 315,65 USD/cổ phiếu. Đó là do một số nhà phân tích trước đó đã đưa ra mức giảm doanh số lớn hơn.
Theo hãng tin CNN, hoạt động chính trị của ông Musk - nhất là vai trò của ông trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump - đã dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối tại các showroom của Tesla ở Mỹ và châu Âu, bên cạnh một số vụ tấn công phá hoại nhằm vào xe Tesla và vài cơ sở của hãng.
Tesla không đưa ra số liệu cụ thể về doanh số của từng thị trường khu vực, nhưng dữ liệu đăng ký xe cho thấy doanh số của hãng ở cả Mỹ và châu Âu đều giảm mạnh trong quý 2. Sự sụt giảm đó diễn ra ngay cả khi doanh số ô tô điện nói chung tăng ở cả hai thị trường này.
Một thách thức khác đối với Tesla là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ từ các hãng sản xuất ô tô truyền thống của phương Tây mà còn cả từ các hãng xe Trung Quốc. Trong đó, các đối thủ nội địa đang gây áp lực giảm lên doanh số của Tesla tại Trung Quốc - quốc gia vừa là thị trường ô tô nói chung và ô tô điện lớn nhất thế giới, vừa là thị trường lớn thứ hai của Tesla.
Đáng chú ý, Tesla đang đứng trước khả năng để mất ngôi vị nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới xét về doanh số hàng năm. Đối thủ đang nhăm nhe giành vị trí này là hãng xe điện Trung Quốc BYD, dù hãng này chưa vào thị trường Mỹ.
Cùng ngày 2/7, BYD cho biết hãng đạt doanh số 1 triệu xe điện trong 6 tháng đầu năm, vượt xa doanh số của Tesla trong cùng kỳ. Hai quý đầu năm, Tesla bán được khoảng 721.000 xe.
Lịch sử của Tesla cho thấy hãng thường đạt được tốc độ tăng trưởng doanh số mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, và sự tăng trưởng đó là nhân tố quan trọng thúc đẩy giá cổ phiếu Tesla. Nhờ vậy, Tesla đã trở thành hãng xe có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới dù doanh số của hãng chỉ bằng một phần nhỏ so với tổng doanh số của các hãng xe truyền thống. Hiện hãng có mức vốn hóa khoảng 990 tỷ USD.
Nhưng số liệu mới công bố đánh dấu quý giảm doanh số thứ hai liên tiếp của Tesla, với mức giảm ít nhất 13% mỗi quý. Trước năm 2024, Tesla chỉ có duy nhất một quý doanh số giảm, và điều đó xảy ra vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 khiến hãng phải đóng cửa nhà máy và hoạt động bán hàng bị gián đoạn.
Trong vòng hơn nửa năm qua, cổ phiếu Tesla biến động chóng mặt. Sau bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024 cho tới giữa tháng 12/2024, giá cổ phiếu Tesla tăng gần gấp đôi do nhà đầu tư kỳ vọng công ty sẽ hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi giữa ông Musk với Tổng thống Donald Trump. Nhưng sau đó, cổ phiếu Tesla đã để mất toàn bộ thành quả tăng này. Kể từ mức đỉnh vào giữa tháng 12 năm ngoái đến giữa tháng 4 năm nay, cổ phiếu này “bốc hơi” hơn 50%.
Từ đó đến nay, cổ phiếu Tesla bắt đầu hồi phục, ban đầu nhờ việc ông Musk hồi tháng 4 tuyên bố sẽ rời chính trường để tập trung điều hành Tesla, và sau đó là nhờ thông tin về việc Tesla triển khai dịch vụ robotaxi. Kể từ mức đáy thiết lập vào tháng 4 đến nay, cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 40%.
Nhờ giá cổ phiếu tăng, giá trị tài sản ròng của CEO Musk tăng thêm 10,7 tỷ USD trong ngày 2/7, đạt 361 tỷ USD - theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.
Nếu tính từ đầu năm, ông Musk đã mất hơn 71 tỷ USD tài sản ròng, nhưng ông hiện vẫn là người giàu nhất thế giới.