12:46 28/05/2009

Các ngân hàng Mỹ đã bắt đầu có lãi

Kiều Oanh

Ngành ngân hàng Mỹ đã làm ăn có lãi trong quý 1/2009, từ chỗ thua lỗ đậm trong quý 4/2008

Trong suốt quý 1, các ngân hàng Mỹ tích cực tăng dự phòng nợ xấu, đưa tổng lượng vốn dự phòng lên 60,9 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng của vốn dự phòng vẫn không đuổi kịp tốc độ tăng của nợ xấu - Ảnh: Reuters.
Trong suốt quý 1, các ngân hàng Mỹ tích cực tăng dự phòng nợ xấu, đưa tổng lượng vốn dự phòng lên 60,9 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng của vốn dự phòng vẫn không đuổi kịp tốc độ tăng của nợ xấu - Ảnh: Reuters.
Ngành ngân hàng Mỹ đã làm ăn có lãi trong quý 1/2009, từ chỗ thua lỗ đậm trong quý 4/2008. Tuy nhiên, vẫn có 305 ngân hàng Mỹ với tổng tài sản 220 tỷ USD lâm vào nguy cơ đổ vỡ tính tới hết quý 1 vừa qua.

Đây là những thông tin đưa ra trong báo cáo hàng quý vừa công bố của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).

Theo báo cáo này, lợi nhuận ròng quý đầu năm nay của các ngân hàng nằm trong diện bảo hiểm của FDIC đạt 7,6 tỷ USD, so với mức lỗ 36,9 tỷ USD trong quý cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính chưa buông tha hệ thống nhà băng của Mỹ, khi mà số ngân hàng đã “sập tiệm” và có nguy cơ bị giải thể tính tới hết quý 1 tiếp tục tăng mạnh.

Báo cáo của FDIC cho biết, con số 305 ngân hàng Mỹ bị liệt vào danh sách “đen” tính tới hết quý 1 là mức cao nhất kể từ năm 1994 tới nay, tăng 24% so với mức 252 ngân hàng bị liệt vào danh sách này tính tới hết quý 4 năm ngoái. Cùng với đó, số tài sản 220 tỷ USD của các ngân hàng bên miệng vực này cũng tăng 38% so với mức 159 tỷ USD của danh sách đưa ra cuối năm 2008.

Ngoài ra, số các khoản vay đã quá hạn trên 90 ngày đã đồng loạt gia tăng ở mọi loại hình cho vay chính.

“Kết quả kinh doanh quý 1 của ngành ngân hàng Mỹ cho thấy lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn. Trong thời gian tới, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn là một vấn đề lớn”, bà Chủ tịch FDIC Sheila Bair phát biểu.

Trong suốt quý 1, các ngân hàng Mỹ tích cực tăng dự phòng nợ xấu, đưa tổng lượng vốn dự phòng lên 60,9 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng của vốn dự phòng vẫn không đuổi kịp tốc độ tăng của nợ xấu. Tính tới cuối quý 1, lượng vốn dự phòng trong hệ thống ngân hàng Mỹ chỉ tương đương với 66,5% số nợ xấu, thấp nhất trong vòng 17 năm qua, giảm mạnh từ mức 74,8% trong quý 4 năm ngoái.

“Những khoản nợ khó đòi tiếp tục tăng và chi phí phát sinh từ đó đang gây áp lực mạnh đối với hoạt động của các ngân hàng”, bà Chủ tịch Bair phát biểu.

Cũng theo FDIC, số 21 ngân hàng “đội nón ra đi” trong quý 1 năm 2008 là con số ngân hàng sụp đổ cao nhất trong một quý kể từ cuối năm 1992 trở lại đây. Để giải quyết đống đổ nát, quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC đã giảm từ 17,3 tỷ USD từ cuối năm 2008 xuống còn 13 tỷ USD vào cuối quý 1 năm nay.

(Theo Wall Street Journal, Bloomberg)