10:14 22/05/2009

Mỹ “xóa sổ” ngân hàng lớn nhất từ đầu năm

Mai Phương

Các nhà chức trách Mỹ vừa đóng cửa ngân hàng khu vực lớn nhất bang Florida, với tài sản 12,7 tỷ USD và lượng tiền gửi 8,6 tỷ USD

Hội sở của BankUnited ở Florida - Ảnh: Reuters.
Hội sở của BankUnited ở Florida - Ảnh: Reuters.
Các nhà chức trách Mỹ vừa đóng cửa ngân hàng khu vực lớn nhất bang Florida và bán lại ngân hàng này cho một nhóm công ty đầu tư cổ phần tư nhân.

Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ từ đầu năm tới nay.

Ngân hàng tiết kiệm BankUnited có tài sản 12,7 tỷ USD và nắm giữ 8,6 tỷ USD tiền gửi của khách hàng đã bị Văn phòng Giám sát tiết kiệm Liên bang Mỹ (OTS) giải thể ngày 21/5. Ngân hàng này có 1.083 nhân viên và 85 chi nhánh, tập trung toàn bộ ở tiểu bang Florida.

OTS cho hay, riêng trong năm 2008, BankUnited đã thua lỗ 1,2 tỷ USD do tỷ lệ vỡ nợ của khách hàng gia tăng. “Ngân hàng này ở trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng và không đủ khả năng để tiếp tục hoạt động kinh doanh an toàn”, OTS tuyên bố.

Theo sắp xếp của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), một nhóm các công ty đầu tư cổ phần tư nhân đã mua lại BankUnited. Ngay trong ngày 22/5 này, BankUnited sẽ mở cửa trở lại với tư cách một ngân hàng mới, nhưng vẫn duy trì tên cũ.

Theo thỏa thuận với nhóm các nhà đầu tư trên và FDIC, các nhà đầu tư sẽ rót 900 triệu USD vào ngân hàng mới trên, qua đó tiếp quản 12,7 tỷ USD tài sản và 8,3 tỷ USD tiền gửi tại BankUnited. Ngoài ra, FDIC và ngân hàng mới này sẽ chia sẻ số thua lỗ có khả năng phát sinh từ số tài sản trị giá khoảng 10,7 tỷ USD. Tất cả các cổ đông hiện hữu của BankUnited sẽ mất trắng.

Dự kiến, vụ “sập tiệm” nhà băng này sẽ tiêu tốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi FDIC số tiền 4,9 tỷ USD, lớn hơn bất kỳ vụ đổ vỡ ngân hàng nào tại Mỹ từ đầu năm tới thời điểm này. Đây cũng là vụ sụp đổ ngân hàng gây tốn kém thứ hai trong lịch sử đối với FDIC, sau vụ đổ vỡ của ngân hàng IndyMac với thiệt hại 10,7 tỷ USD trong năm ngoái.

Với sự sụp đổ của BankUnited, đã có 34 ngân hàng ở Mỹ bị giải thể từ đầu năm tới nay, vượt xa con số 25 ngân hàng đổ vỡ trong năm 2008 ở nước này. FDIC dự kiến, với đà này, từ năm 2009 đến năm 2013, họ sẽ phải chi khoảng 65 tỷ USD để “dọn dẹp” những sự cố trong hệ thống nhà băng.

Các ngân hàng tiết kiệm của Mỹ như BankUnited là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Năm ngoái, ngân hàng tiết kiệm Washington Mutual ở bang Washington đã ghi danh vào lịch sử khi trở thành ngân hàng lớn nhất từng đổ vỡ ở nước này, với khoảng 307 tỷ USD tài sản. JPMorgan Chase khi đó đã nhanh tay thâu tóm Washington Mutual với giá 1,9 tỷ USD.

(Theo AP, New York Times)