13:59 05/08/2008

Các ngân hàng trung ương “bó tay” với lãi suất

Kiều Oanh

Tình trạng lạm phát đình đốn của nền kinh tế khiến các ngân hàng trung ương lớn gặp khó trong việc điều chỉnh lãi suất

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke.
Thứ Ba tuần này (5/8), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ công bố quyết định lãi suất USD.

Tiếp đó, đến ngày 7/8, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng sẽ ra quyết định về lãi suất Euro và đồng Bảng.

Theo các nhà phân tích, trạng thái lạm phát đình đốn (stagflation) của nền kinh tế - kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ - sẽ “bó tay cả FED, ECB và BoE trong việc thay đổi lãi suất các đồng tiền của họ trong lần ra quyết định này.

Giảm cũng dở…

Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng trước, Chủ tịch FED đề cập tới những rủi ro xuất phát từ cả sự đi xuống của nền kinh tế cũng như vấn đề lạm phát. Nhưng phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, sự suy yếu của kinh tế Mỹ sẽ khiến FED không thể tăng lãi suất trong cuộc họp lần này.

Từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, FED đã cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD tới 7 lần để ngăn đà “trôi dốc” của nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa bối cảnh khủng hoảng nhà đất và tài chính gây ra những thiệt hại khổng lồ.

Lãi suất cơ bản do FED ấn định là lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng, có vai trò quyết định đối với lãi suất mà người tiêu dùng phải trả cho nhiều loại khoản vay. Lãi suất này cũng có tính quyết định đối với lãi suất chuẩn được dùng để neo buộc lãi suất đối với một số khoản vay kinh doanh nhất định.

Sau series cắt giảm lãi suất nói trên, FED đã duy trì lãi suất cơ bản USD ở mức 2% kể từ cuộc họp hồi tháng 6. Một số nhà kinh tế lập luận rằng chính đợt cắt giảm lãi suất đó là một lý do dẫn tới sự tăng giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới.

Ông Rich Yamarone, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Viện Argus Research cho rằng FED nên chú trọng nhiều hơn cả đến vấn đề chống lạm phát. Nói cách khác, ông cho rằng việc FED nên làm tiếp theo là tăng lãi suất, thay vì giảm.

Nói cách khác, các áp lực lạm phát lúc này có thể khiến FED không thể sớm hạ lãi suất vì một động thái như vậy sẽ khiến đồng USD yếu hơn và đẩy giá dầu trên thị trường thế giới tăng vọt. Theo ông Yamarone, lạm phát là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Nếu giá dầu, thực phẩm và các hàng hóa khác tiếp tục tăng cao, đó sẽ là một nhân tố đe dọa viễn cảnh tăng trưởng đáng sợ như bất kỳ một lĩnh vực kinh tế gặp vấn đề nào.

Việc giá dầu giảm 20 USD/thùng kể từ mức đỉnh hồi tháng 7 không làm biến mất hoàn toàn những áp lực lạm phát. Cả FED, ECB và BoE hiện đều hết sức “cảnh giác” với bất kỳ một dấu hiệu nào đe dọa việc giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, thúc đẩy các yêu cầu tăng lương, đưa thế giới trở lại với kịch bản “đại lạm phát” như những gì đã diễn ra hồi thập niên 1970.

Để đề phòng khả năng tăng giá hàng hóa với mức tăng 50% trong vòng 6 tháng trở lại đây, có lẽ cả ba ngân hàng trung ương này sẽ duy trì lãi suất cho tới quý 1 năm sau.

Tăng cũng dở…

Ở một góc nhìn khác, ông David Wyss, chuyên gia kinh tế trưởng của Standard & Poor’s, lại cho rằng sự đi xuống của kinh tế Mỹ lúc này mới đáng được coi là mối lo ngại lớn nhất. “Kẻ thù số một vẫn là suy thoái”, ông nói.

Mặc dù một báo cáo tuần trước của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, GDP của nước này tăng 1,9% trong quý 2 so với mức chưa đầy 1% trong quý 1, hầu như ít người dám phủ nhận kinh tế Mỹ đang yếu đi trông thấy.

Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tháng 7 đã là tháng thứ 7 liên tiếp nước Mỹ mất việc làm, và là tháng thứ 9 liên tiếp các hãng ô tô nước này chứng kiến doanh số sụt giảm.

Cuối cùng, lo ngại về những tác động đối với các ngân hàng của Mỹ và các tập đoàn tại chính Phố Wall đã nổi lên từ cuộc họp trước của FED. Theo hống kê của Reuters, trong quý 2, các ngân hàng và các công ty môi giới chứng khoán ở Mỹ đã báo cáo tổng thua lỗ gần 8 tỷ USD, so với mức lợi nhuận 38 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu của hai tập đoàn đầu tư cho vay cầm cố Fannie Mae và Freddie Mac vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường địa ốc và tín dụng Mỹ đã rơi xuống mức quá thấp đến nỗi Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua một đạo luật cho phép Bộ Tài chính Mỹ ra tay can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Với tất cả những nhân tố này, có thể thấy, FED rất khó tăng lãi suất trong tương lai gần, đặc biệt là khi phần lớn mọi người cho rằng, các vấn đề trên thị trường tài chính chính là nhân tố thúc đẩy FED cắt giảm lãi suất từ tháng 9 năm ngoái. Ông Wyss nói ông  tin là FED sẽ không tăng lãi suất ít nhất tới mùa xuân sang năm.

Tuy nhiên, do lãi suất USD hiện đã ở mức khá thấp là 2%, ông Wyss cũng không cho là FED sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian trước mắt. Theo chuyên gia này, phải có ít nhất 2 tháng mà thị trường việc làm ở Mỹ suy giảm nghiêm trọng nữa thì FED mới tính đến chuyện cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, động thái lãi suất tiếp theo của ECB và BoE có thể là giảm, thay vì tăng. Cả Anh và Tây Ban Nha đều đang phải đương đầu với thị trường nhà đất sụt giảm, trong khi Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - có khả năng sẽ co lại trong quý 2.

Ông Bruce Kasman, kinh tế gia trưởng của JPMorgan Chase tại New York cho rằng, việc FED cắt giảm lãi suất đã giúp tạo ra một tấm nệm cho các công ty Mỹ, trong khi các công ty ở châu Âu vẫn phải chịu chi phí đi vay cao hơn do ECB tăng lãi suất hồi tháng 7 để chống lạm phát.

Ông cho rằng các công ty Mỹ bước vào năm 2008 với ít hy vọng và họ đã phản ứng lại bằng cách mạnh tay cắt giảm việc làm, trong khi các công ty châu Âu vẫn tiếp tục thuê thêm nhân công và áp lực tăng lương đã gia tăng trong suốt nửa đầu năm nay.

Một báo cáo hôm thứ 6 tuần trước cho thấy, hoạt động của các nhà máy ở châu Âu trong tháng 7, đã ở mức tệ nhất trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, với sản lượng sụt giảm ở tốc độ cao gấp đôi so với dự kiến. Các số liệu sắp công bố trong tuần này về lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ được dự báo là cũng sẽ rất ảm đạm.

“Với hoạt động điều chỉnh trong các doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu, khu vực sử dụng đồng Euro đang có nguy cơ sẽ kém đi so với kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu trong những tháng tới đây”, ông Kasman nhận xét.

Điều này cho thấy, động thái tiếp theo của ECB sẽ là hạ lãi suất Euro. Cuộc điều tra của Reuters cho thấy, các nhà kinh tế cho rằng, ECB sẽ cắt giảm lãi suất Euro 0,5% vào năm tới, từ mức 4,25% hiện nay xuống còn 3,75%. Còn BoE sẽ giảm lãi suất Bảng Anh 0,75% vào năm sau, đưa lãi suất đồng tiền này từ mức 5% hiện nay xuống còn 4,25%.

Mặc dù việc tăng hay giảm lãi suất đều “dở”, nhưng nếu đúng là trong cuộc họp diễn ra ngày 5/8 này FED giữ nguyên lãi suất đồng USD, điều đó có thể sẽ được giới quan sát xem như một lời thừa nhận rằng, FED khá “bất lực” trong việc giải quyết chuyện chống lạm phát hay vực dậy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

“Tôi cho rằng FED sẽ không thực sự đứng về phía nào trong hai vấn đề lạm phát và tăng trưởng, vì chính tình hình tiến thoái lưỡng nan mà chính FED đã đặt mình vào”, nhà phân tích Yamarone nhận xét.

(Theo CNN, Reuters, CNBC)