19:23 07/02/2023

Các nhà đầu tư khởi động lại đường đua cổ phiếu công nghệ Trung Quốc

Bảo Ngọc

Các nhà đầu tư đã khởi động trở lại đường đua cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trong năm 2023, trong bối cảnh một số cơ quan quản lý đã “hòa hoãn” hơn với big tech sau 2 năm kiểm soát nghiêm ngặt…

Trụ sở Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trụ sở Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Theo CNN Business, chính phủ Trung Quốc đang thắt chặt kiểm soát đối với những cái tên quen thuộc như Alibaba bằng cách mua lại "cổ phiếu vàng", từ đó tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm cả quyền lợi can thiệp những nội dung mà Alibaba cung cấp cho hàng trăm triệu người dùng.

Đầu tháng 1/2023, một quỹ do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) kiểm soát đã nắm giữ 1% cổ phần công ty con truyền thông kỹ thuật số của Alibaba tại Quảng Châu, theo ghi nhận từ nền tảng dữ liệu kinh doanh Qichacha. Công ty con của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc - Guangzhou Lujiao Information Technology - đang sở hữu hàng loạt thương hiệu tên tuổi như trình duyệt di động UCWeb và trang web video trực tuyến Youku Tudou.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang thảo luận về việc nắm giữ cổ phần trong một công ty con của Tencent, chủ sở hữu của WeChat và hệ thống trò chơi điện tử lớn nhất quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, các điều khoản của bản thỏa thuận có lẽ vẫn chưa được hoàn thiện.

CỤC DIỆN VẪN CHƯA THAY ĐỔI

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đã báo hiệu rằng chính sách hà khắc kéo dài 2 năm qua đối với ngành công nghiệp internet sắp kết thúc. Khi cuộc suy thoái toàn cầu nổ ra, hơn ai hết, chính phủ rất cần sự góp sức của các doanh nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy việc làm và tăng trưởng.

Tất nhiên, chào đón và hỗ trợ không có nghĩa là hoàn toàn buông lỏng kiểm soát với big tech. 

"Cục diện không thay đổi hoàn toàn vì Trung Quốc sẽ không rút lại biện pháp nghiêm ngặt đối với các công ty công nghệ, đây chỉ là một sự nhượng bộ khi đối diện với thực tế nền kinh tế", ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết.

Thay vào đó, Bắc Kinh đang quay trở lại cách tiếp cận "cổ phiếu vàng", qua đó nhà nước vẫn có thể khẳng định quyền kiểm soát đối với các công ty này, đồng thời điều tiết tác động thị trường, vị Giám đốc nói thêm.

Để định nghĩa, "cổ phiếu vàng" cung cấp cho chủ sở hữu, thường là chính phủ, một số mức độ kiểm soát đối với công ty, chủ yếu là những công ty trước đây thuộc sở hữu nhà nước.

Ở Trung Quốc, những cổ phiếu như vậy được gọi là "cổ phiếu quản lý đặc biệt", trao cho chính phủ quyền biểu quyết hoặc phủ quyết đối với một số quyết định kinh doanh nhất định. Trong trường hợp của các công ty công nghệ lớn, chính phủ hoàn toàn có quyền can thiệp vào nội dung truyền tải đến người dùng. 

Chính sách mới này có thể vẽ nên một kịch bản "ác mộng" đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Alex Capri, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, cho biết.

BÌNH MỚI RƯỢU CŨ

Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu "cổ phiếu vàng" vào năm 2013 với mục đích tăng cường kiểm soát đối với các công ty truyền thông được nhà nước hậu thuẫn, định nghĩa này sau đó được áp dụng cho cả các doanh nghiệp tư nhân. 

Từ năm 2018 đến năm 2022, một số tổ chức chính phủ đã chiếm 1% cổ phần trong các nền tảng tin tức và nội dung phổ biến, bao gồm Sina Weibo được niêm yết tại Hoa Kỳ, 36kr, Qutoutiao và Kuaishou được niêm yết tại Hồng Kông, theo hồ sơ công ty hoặc hồ sơ đăng ký công khai.

Chuyên gia Capri nhận định: “Sáng kiến Cổ phiếu Vàng đưa nhà nước vào sâu bên trong các công ty công nghệ quan trọng nhất ở Trung Quốc, từ đó đạt được khả năng giám sát, kiểm duyệt và trị an từ trong ra ngoài”.

Vào tháng 4/2021, một tổ chức chính phủ đã mua lại 1% cổ phần công ty con của Bytedance (thường được biết tới là thương hiệu sở hữu mạng xã hội video TikTok), theo Qichacha.

Công ty con này hiện kiểm soát một số giấy phép hoạt động của Douyin và Toutiao. Được biệt, Douyin là ứng dụng video ngắn phổ biến nhất Trung Quốc với hơn 600 triệu người dùng đang hoạt động, còn Toutiao là một ứng dụng tổng hợp tin tức.

HÀO QUANG CÓ TRỞ LẠI?

Rõ ràng, Bắc Kinh đã cố gắng ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của nền kinh tế đất nước bằng cách tạm dừng các biện pháp mạnh tay với tổ chức công nghệ. Phó Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ) vào tuần trước rằng chính phủ nước này sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của khu vực tư nhân, đồng thời mở ra cánh cửa rộng hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn khá e dè trong quyết định quay trở lại Trung Quốc,  nhiều chuyên gia phân tích.

Những chính sách đã được nới lỏng, nhưng cách tiếp cận mới "cổ phiếu vàng" vẫn dẫn đến một cái kết tương tự, đó là "kiểm soát và giám sát chặt chẽ", chuyên gia Capri nói.

Giám đốc Silver đưa ra nhận định: "Rủi ro là lợi ích của cổ đông sẽ vẫn phụ thuộc vào lợi ích nhà nước".