Các nước Đông Nam Á chạy đua hút du khách Trung Quốc đi tour
Vào năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, người Trung Quốc có khoảng 150 triệu chuyến du lịch nước ngoài, trong đó có 27 triệu chuyến thăm tới 6 nước ở khu vực Đông Nam Á...
Khách du lịch Trung Quốc đang dần quay trở lại đền thờ Erawan ở Bangkok, một điểm du lịch nổi tiếng nơi du khách thường đến để cầu nguyện. Nhưng cho dù Trung Quốc đã chấm dứt chính sách Zero Covid và mở cửa trở lại, số du khách nước này thăm Thái Lan vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với trước đại dịch.
“Tôi hy vọng là mọi thứ sớm trở lại như trước Covid”, một người phụ nữ Thái Lan bán đồ lễ gần đền Erawan nói với tờ Nikkei Asia.
Đây cũng là mong ước của nhiều điểm du lịch ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị nới các quy định đối với việc người dân đi du lịch nước ngoài. Trung Quốc cho biết sẽ cho phép du khách trong nước đi tour theo nhóm tới 20 quốc gia, bắt đầu từ ngày thứ Hai (6/2). 7 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan và Indonesia, có tên trong danh sách này, nhờ đó có lợi thế so với các điểm đến vốn phổ biến khác đối với du khách Trung Quốc nhưng không có tên trong danh sách như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ.
“Tôi muốn thăm Thái Lan trước hết vì họ có những người nổi tiếng mà tôi thích”, một người phụ nữ làm việc tại một bệnh viện ở Thượng Hải nói.
Vào năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, người Trung Quốc có khoảng 150 triệu chuyến du lịch nước ngoài, trong đó có 27 triệu chuyến thăm tới 6 nước ở khu vực Đông Nam Á. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, khách Trung Quốc đã đổ bộ tới những khu resort trên đảo ở Thái Lan và Philippines.
Khách đi tour thường là khách có thu nhập hạn hẹp hơn so với những người đi lẻ. Nhưng đối với các hãng hàng không và khách sạn không có đủ khách, khách đoàn vẫn là một đối nguồn khách quan trọng.
Hãng hàng không Thai AirAsia đang nối lại các chuyến bay thẳng từ Bangkok tới 8 thành phố Trung Quốc như Quảng Châu và Thẩm Quyến, theo lộ trình từ ngày 26/1 tới tháng 3. Các tuyến bay ra, vào Trung Quốc đóng góp khoảng 30% doanh thu bay quốc tế của hãng bay giá rẻ này trước Covid. AirAsia dự kiến sẽ đưa 10 máy bay đang ngừng hoạt động trong đội bay gồm 53 phi cơ của hãng hoạt động trở lại.
Hãng Lion Air của Indonesia đã vận hành các chuyến bay thuê bao từ Thẩm Quyến tới Bali trong dịp Tết vừa qua. Chính quyền Bali đặt mục tiêu nối lại các chuyến bay thẳng tới 15 thành phố của Trung Quốc và bổ sung thêm chuyến bay tới 5 thành phố Trung Quốc khác.
Việc Trung Quốc nới quy định về du khách đi tour sẽ nâng tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn tại các khách sạn ở Bali thêm 5-10 điểm phần trăm từ mức khoảng 60% hiện nay – theo dự báo của Hiệp hội Khách sạn và nhà hàng Indonesia.
Việc đón đầu sự trở lại của du khách Trung Quốc đã dẫn tới một làn sóng đầu tư mới. Khách sạn Marina Bay Sands ở Singapore đã bắt đầu nâng cấp tất cả phòng ở toà Tower 1 và Tower 2 từ năm ngoái. Dự án dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay với chi phí 1 tỷ USD - khoản đầu tư lớn nhất của khách sạn này kể từ khi mở cửa vào năm 2010.
Chủ sở hữu của Marina Bay Sands là tập đoàn Las Vegas Sands có kế hoạch xây dựng một sân vận động với 15.000 chỗ ngồi cho khán giá gần khách sạn này, thêm địa điểm cho các sự kiện quốc tế, và một toà tháp hạng sang. Các công trình này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2026.
Doanh thu của Marina Bay Sands trong quý 4/2022 tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 682 triệu USD, chủ yếu nhờ tăng trưởng ở mảng sòng bạc. Giá thuê phòng theo ngày cũng tăng gấp đôi lên mức 550 USD.
Các bệnh viện trong khu vực cũng tích cực chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu du lịch chữa bệnh của khách Trung Quốc. Tại Thái Lan, Thonburi Healthcare Group dự kiến chi 1,2 tỷ Baht, tương đương 35,9 triệu USD, để tăng gấp đôi số giường tại bệnh viện chính của tập đoàn tại Bangkok trong năm nay.
Khách ngoại quốc hiện chiếm khoảng một nửa trong số bệnh nhân tại bệnh viện nói trên. Thonburi dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên mức khoảng 100% khi số du khách Trung Quốc gia tăng. Người giàu Trung Quốc thường tới Hồng Kông để tiêm vaccine ngừa Covid, nhưng Thái Lan giờ đây có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn cho họ - theo ông Boon Vanasin, nhà sáng lập của Thonburi.
Tập đoàn IHH Healthcare của Malaysia cũng đã bắt đầu nâng cấp một bệnh viện ở Singapore với ngân sách 350 triệu Đôla Singapore (264 triệu USD), bao gồm mở rộng các trung tâm điều trị ngoại trú. Một đại diện của IHH cho biết mục đích của việc nâng cấp này là “đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng lớn của bệnh nhân trong và ngoài nước”.