Các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm triển khai 5G
Theo các chuyên gia, việc triển khai thành công công nghệ 5G đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, xem xét các yếu tố kỹ thuật, xã hội văn hóa và kinh tế. Cơ sở hạ tầng mạng mạnh mẽ và phân bổ băng tần chiến lược dưới 1 GHz được đánh giá cao trong việc hỗ trợ triển khai 5G toàn cầu và khuc vực châu Á-Thái Bình Dương...
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam lần thứ 2 từ ngày 12-15/12/2023, các nước ASEAN đã cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển và khai thác các nền tảng số phục vụ chính phủ số, phát triển công nghệ 5G để thúc đẩy kết nối và kinh tế.
Theo đó, tại Hội thảo ASEAN lần thứ 4 về công nghệ 5G, các nước ASEAN cùng tham gia với mong muốn phát triển công nghệ 5G để thúc đẩy kết nối và phát triển kinh tế, nâng cao sự thịnh vượng kinh tế chung.
Các nước đã chủ động trong việc phân bổ và sử dụng băng tần một cách chiến lược, từ băng tần trung bình dưới 7GHz đến các tần số cao như 26GHz và 6GHz, nhằm hỗ trợ triển khai 5G rộng rãi. Công tác hợp tác với phòng thí nghiệm đối mới sáng tạo và trường đại học cũng được đặc biệt nhấn mạnh, nhằm tăng cường nhận thức, giáo dục, và thử nghiệm tiềm năng của công nghệ 5G.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, tình hình và định hướng triển khai 5G tại các quốc gia cũng có một số khác biệt. Trong khi một số quốc gia đang ở giai đoạn phát triển hoặc kết thúc thử nghiệm, Trung Quốc đang ở giai đoạn tiên tiến, mở rộng tần số LTE và tích lũy một cơ sở dữ liệu ấn tượng với hơn 50.000 ứng dụng 5G trong suốt 6 năm.
Đối tượng triển khai của các quốc gia cũng đa dạng. Ví dụ như cùng hướng tới mục tiêu phủ sóng toàn quốc, Campuchia tập trung phủ sóng tại một số khu vực cụ thể, Malaysia cho phép các nhà cung cấp mạng khác tham gia thị trường, còn Trung Quốc đa dạng hoá ứng dụng đa ngành và hợp tác quốc tế.
Chia sẻ yếu tố quyết định sự thành công của 5G, bà Atsuko Okuda, Tổng giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) nhấn mạnh, việc triển khai thành công công nghệ 5G đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, xem xét các yếu tố kỹ thuật, xã hội- văn hóa và kinh tế.
Cũng theo chuyên gia này, cơ sở hạ tầng mạng mạnh mẽ và phân bổ băng tần chiến lược dưới 1 GHz được đánh giá cao trong việc hỗ trợ triển khai 5G toàn cầu và khuc vực châu Á- Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng niềm tin trong một môi trường kết nối. Trong khi đó, yếu tố địa lý và môi trường hình thành 5G, đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng số.
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam, đại diện Chính phủ các nước ASEAN và các nước đối thoại, các tổ chức quốc tế, và doanh nghiệp đã tham gia hội thảo về “Triển khai các thực tiễn xuất sắc nhất để phát triển và vận hành các nền tảng kỹ thuật số quan trọng cho chính phủ số”.
Theo đó, các yếu tố quan trọng cho việc xây dựng chính phủ số đã được xác định rõ, bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thiết lập tổ chức kỹ thuật số, và thúc đẩy đổi mới. Hội thảo cũng đề xuất sáng kiến tăng cường an ninh mạng, thiết lập khuôn khổ hợp tác để chia sẻ thông tin và ứng phó sự cố, và tạo điều kiện hợp tác xuyên biên giới.
Các quốc gia thống nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của chính phủ số trong thúc đẩy phát triển kỹ thuật số. Các chiến lược quốc gia cụ thể và sự hỗ trợ từ các tập đoàn đa quốc gia cũng được đề cập, đặt nền tảng cho sự phát triển và hợp tác trong khu vực. Đồng thời, các chuyên gia khẳng định cần phải chia sẻ dữ liệu quốc gia có tổ chức để đạt được lợi ích kinh tế xã hội và vượt qua rào cản pháp lý.
Theo các chuyên gia, những chia sẻ tại hội thảo đã mở ra cơ hội mới để các quốc gia trong khu vực tăng cường hợp tác, xây dựng chính phủ số mạnh mẽ và thúc đẩy sự phát triển bền vững.