08:47 02/09/2023

5G mở ra cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị viễn thông

Hồng Vinh

Phát triển mạng 5G và các sản phẩm “Make in Vietnam” cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước để tăng tốc, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm 5G không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn góp phần cho xuất khẩu, mang thương hiệu Việt Nam đi ra thế giới...

Tháng 5/2019, cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam đã được thiết lập, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G. Đến tháng 1/2020, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính Viettel sản xuất, đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu thế giới trong việc triển khai mạng 5G trên các thiết bị do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất. 

Với vai trò là tập đoàn bán dẫn toàn cầu và đi đầu trong công nghệ 5G, Qualcomm đã không ngừng nỗ lực hợp tác và hỗ trợ rất nhiều nước trên thế giới triển khai và thương mại hóa công nghệ 5G. Theo dự báo của Qualcomm, ở thời điểm hiện tại, thế giới có hơn 1 tỷ thuê bao 5G và đến năm 2025 sẽ có khoảng 6 tỷ thiết bị 5G. Do đó, các giải pháp, sản phẩm của Qualcomm đều được hỗ trợ 5G.

Đóng góp 7,34% vào tăng trưởng GDP năm 2025 

Để chuẩn bị cho 5G, Qualcomm đã có những bước đầu tư rất sớm. Cách đây hơn 10 năm, Qualcomm đã nghiên cứu những công nghệ hiện tại của 5G và tham gia cùng các tổ chức viễn thông thế giới xây dựng tiêu chuẩn 5G, thống nhất các chuẩn về thiết bị và dịch vụ, làm việc với các đối tác quan trọng hình thành hệ sinh thái di động để nhanh chóng triển khai 5G trên thế giới.

5G mở ra cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị viễn thông - Ảnh 1

Có thể nói, ảnh hưởng của 5G đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trong mục tiêu chuyển đổi số là rất quan trọng. 5G đóng vai trò hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số với các xu hướng như cloud, AI, IoT,… hạ tầng 5G rất cần thiết để thực hiện chuyển đổi số.

Đánh giá sự phát triển 5G tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, cho rằng Việt Nam có tốc độ phát triển 5G khá nhanh, đáp ứng số lượng thuê bao. So với các thế hệ trước như 4G, 3G thì công nghệ 5G triển khai được nhanh chóng hơn.
Theo các phân tích, 5G được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, với dự báo sẽ tạo ra khoảng 13 nghìn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035. Còn theo nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, tỷ lệ đóng góp của mạng di động 5G vào tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 7,34% vào năm 2025.

Theo các nhà cung cấp thiết bị viễn thông quốc tế, 5G sẽ là hạ tầng số gần như thay thế cơ sở hạ tầng vật lý trong việc xây dựng nền tảng cũng như kết nối xã hội tương lai. Cơ sở hạ tầng số này tạo ra kết nối không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với máy móc, giữa máy móc với máy móc.

Thực tế, công nghệ 5G đã được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như: sản xuất, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, nông nghiệp và các giải pháp thành phố thông minh… Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, ô tô điện thông minh, thiết bị IoT… được đánh giá rất phù hợp tại Việt Nam và đều cần hạ tầng 5G.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), đánh giá: trong một thập kỷ gần đây, ngành viễn thông đã chứng kiến sự thay đổi công nghệ 10 năm 1 lần. Cụ thể, viễn thông di động từ 2G, 3G và các thế hệ sau đóng góp rất lớn cho nền kinh tế - xã hội so với các thế hệ trước đó.

Đồng quan điểm của đại diện Qualcomm, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan lý giải mặc dù mốc thử nghiệm 5G từ năm 2018 và có hơn 1 triệu thuê bao, nhưng so với 1 tỷ thuê bao 4G thì 5G cán mốc sớm hơn. Điều đó cho thấy giá trị của 5G với sự phát triển hiện tại; tuy nhiên, 5G cũng có những lúc phát triển không như kỳ vọng ban đầu.
Hiện nay mới chỉ hoàn thiện tiêu chuẩn cho mobile, còn chuẩn 5G cho IoT hoàn toàn chưa có kịch bản. 5G kỳ vọng lớn IoT mật độ cao và đang định hình, phục vụ cho sản xuất công nghiệp. IoT với độ trễ tốt nhất, mật độ cao 1 triệu thiết bị đầu cuối trên 1 km2, do đó, 5G cũng có thể là bước đệm cho IoT và cũng có thể sẽ là 6G.

THƯƠNG MẠI HÓA VÀ MÔ HÌNH “MỞ”

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G trong năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất với kỳ vọng nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.
Tại tọa đàm “Phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, các chuyên gia công nghệ đều đánh giá Viettel là tập đoàn viễn thông bắt nhịp và đi đầu trong nghiên cứu, sản xuất và triển khai ứng dụng 5G, xây dựng kiến tạo hạ tầng số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

 
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).

"Một số nhà mạng trên thế giới không đi theo kiến trúc mở mà đi theo kiến trúc đóng. Tuy có dựa trên một số chuẩn quốc tế nhưng có những đặc điểm, giao thức riêng nên chỉ có thiết bị của chính đối tác đó mới có thể triển khai. Xu hướng mở cho phép Viettel không bị lệ thuộc công nghệ, sản phẩm của một nhà cung cấp nào khác. Đồng thời, có sự so sánh lựa chọn để đảm bảo sản phẩm “Make in Vietnam” là tốt nhất và lựa chọn công nghệ của Qualcomm rất tiềm năng".

Tuy nhiên, để phát triển mạng 5G và các sản phẩm “Make in Việt Nam”, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước để tăng tốc, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm 5G không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn đóng góp cho xuất khẩu, mang thương hiệu Việt Nam đi ra thế giới.

Nhớ lại cảm giác ngày 10/5/2019, thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tốc độ 1,6 Gbps, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) xúc động chia sẻ, đối với hạ tầng mạng 5G “Make in Vietnam”, Viettel cũng đã tập trung phát triển từ năm 2015 với mạng 4G. Hiện nay, Viettel đã triển khai 300 trạm 5G với thiết bị lõi và từng bước hoàn thiện các sản phẩm do Viettel tự sản xuất đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chia sẻ về mô hình “mở”, ông Tân cho rằng việc hợp tác với các đối tác sản xuất thiết bị 5G, Viettel cũng học hỏi, nghiên cứu theo nhiều tiêu chuẩn công nghệ khác nhau. Chẳng hạn như tiêu chuẩn mở Open RAN, thiết bị 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau. Đây là bước đi tiềm năng, phát triển giải pháp giúp các nhà mạng triển khai mạng 5G với tốc độ cao, vùng phủ rộng, độ trễ thấp, trong khi đó vẫn duy trì được chi phí đầu tư và vận hành ở mức hợp lý.

“Một số nhà mạng trên thế giới không đi theo kiến trúc mở mà đi theo kiến trúc đóng. Tuy có dựa trên một số chuẩn quốc tế nhưng có những đặc điểm, giao thức riêng nên chỉ có thiết bị của chính đối tác đó mới có thể triển khai. Xu hướng mở cho phép Viettel không bị lệ thuộc công nghệ, sản phẩm của một nhà cung cấp nào khác. Đồng thời, có sự so sánh lựa chọn để đảm bảo sản phẩm “Make in Vietnam” là tốt nhất và lựa chọn công nghệ của Qualcomm rất tiềm năng”, ông Tân cho biết thêm...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 35-2023 phát hành ngày 28-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

5G mở ra cơ hội cho ngành sản xuất thiết bị viễn thông - Ảnh 2