17:04 30/03/2009

Các tỷ phú đang rót tiền vào đâu?

Kiều Oanh

Trong thời gian khủng hoảng này, không ít tỷ phú lắm tiền mặt và “gan dạ” đang đi theo lời khuyên của Buffett

Tỷ phú Carl Icahn của Mỹ đang chọn các lĩnh vực giải trí để đầu tư ở thời điểm này. Trước đó, ông đã nắm giữ cổ phần trong nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, kim loại, thời trang…
Tỷ phú Carl Icahn của Mỹ đang chọn các lĩnh vực giải trí để đầu tư ở thời điểm này. Trước đó, ông đã nắm giữ cổ phần trong nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, kim loại, thời trang…
Nhà đầu tư tỷ phú lừng danh Warren Buffett từng nói: “Hãy lo sợ khi kẻ khác tham lam, và hãy tham lam khi người ta lo sợ”.

Trong thời gian khủng hoảng này, không ít tỷ phú lắm tiền mặt và “gan dạ” đang đi theo lời khuyên trên của Buffett. Mỗi người trong số họ chọn một vài lĩnh vực khác nhau để rót những khoản vốn khổng lồ.

Đầu tư trong khủng hoảng

Tỷ phú Carl Icahn của Mỹ đang chọn các lĩnh vực giải trí để đầu tư ở thời điểm này. Trước đó, ông đã nắm giữ cổ phần trong nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, kim loại, thời trang…

Hiện nhà tài chính này đang ra giá 325 triệu USD để mua thêm cổ phần có thể chuyển đổi trong hãng phim Lions Gate Entertainment của Mỹ, sau khi đã nâng mức cổ phần nắm giữ của ông trong hãng này lên mức 14,5% ở đầu năm nay. Lo ngại mất quyền kiểm soát vào tay Icahn, hãng Lions Gate mới đây đã thuê một nhóm các chuyên gia tư vấn để ngăn cản vụ mua lại này.

Ngoài ra, Icahn còn cùng với một nhóm các nhà đầu tư khác lên kế hoạch mua lại sòng bạc đang gặp khó có tên Tropicana Casino and Resort ở thành phố Atlantic, bang New Jersey, Mỹ. Dự kiến, sòng bạc này sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong vài tuần tới.

Một nhà đầu tư khác, tỷ phú Wilbur Ross của Mỹ, cũng đang liên tiếp thực hiện các vụ mua lại, bất chấp đã chịu lỗ 500 triệu USD chỉ trong vòng 6 tháng gần đây do thị trường chứng khoán đi xuống.

Vào tháng Một vừa qua, tỷ phú này chi 7,3 triệu USD để mua lại cổ phần kiểm soát trong ngân hàng First Bank & Trust có trụ sở ở bang Florida. Tháng 9 năm ngoái, ông đầu tư 80 triệu USD vào hãng hàng không giá rẻ SpiceJet của Ấn Độ. Hiện quá trình săn lùng những vụ mua lại giá bèo của tỷ phú này vẫn đang diễn ra, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Tỷ phú trong lĩnh vực khách sạn của Saudi Arabia, Mohamed Al Jaber, đang trong quá trình đàm phán để mua lại toàn bộ 12 khách sạn hạng sang ở Pháp của tập đoàn Starwood với giá khoản 2,6 tỷ USD. Đề xuất được Al Jaber công bố tháng 10 năm ngoái này có thể sẽ bổ sung thêm một trong những khách sạn lâu đời nhất ở châu Âu, khách sạn Paris' Hôtel de Crillon, vào danh sách dài những tài sản bất động sản mà ông đã thâu tóm được ở châu lục này.

“Tôi luôn có chủ ý mua lại những khách sạn cao cấp ở những vị trí đắc địa, đảm bảo những tài sản này sẽ gia tăng giá trị trong tương lai gần”, Al Jaber nói.

Những tỷ phú tham gia cuộc tìm kiếm các cơ hội mua lại giá hời hiện nay còn có tỷ phú thực phẩm người Mỹ gốc Hy Lạp John Catsimatidis, tỷ phú ngân hàng Gerald Ford, hay nhà tài phiệt Nga Mikhail Prokhov…

Tỷ phú Catsimatidis đã mua lại công ty giao dịch năng lượng SemGroup bị phá sản cách đây chưa lâu và hiện đang nỗ lực tái cơ cấu công ty này. Là một nhà đầu tư dũng cảm trong lĩnh vực ngân hàng, tỷ phú Ford đang tìm tiếm đối tượng mua lại trong ngành này. Trong khi đó, tỷ phú Prokhorov cũng đã mua lại cổ phần tương đối lớn trong ngân hàng đầu tư Renaissance Capital với giá 5 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Trên thực tế, việc dám mạo hiểm đầu tư những khoản lớn ở thời điểm kinh tế khó khăn đã đem về những món lời hàng tỷ USD cho những nhà đầu tư ngược xu hướng thị trường nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm Icahn, Buffett và cả nhà quản lý quỹ đầu cơ, tỷ phú George Soros. Người ta cho rằng, vào năm 1992, vụ đầu tư trong đó Soros cho rằng đồng Bảng Anh sẽ mất giá mạnh đã giúp ông kiếm được 1 tỷ USD trong vòng có 1 ngày.

Còn phải chờ xem

Hiện còn quá sớm để kết luận những vụ đầu tư nào trong thời gian gần đây sẽ đem lại lợi nhuận, nhưng chắc chắn một vài tỷ phú đã hành động quá sớm.

Trong thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều tỷ phú nổi tiếng đã gấp gáp tung phao cứu sinh cho những tập đoàn gặp khó, chẳng hạn Hoàng tử Alwaleed của Saudi Arabia  tuyên bố tăng gấp đôi mức cổ phần nắm giữ trong ngân hàng Citibank, nhà tài chính người Anh Joseph Lewis mua cổ phần 10% trong ngân hàng đầu tư Bear Stearns giờ đã không còn tồn tại, hay tỷ phú địa ốc Sam Zell tiếp quản công ty báo chí mới đây xin bảo hộ phá sản Chicago Tribune.

Cả ba tỷ phú này tính tới thời điểm hiện tại đều đã mất tiền vì sự mạo hiểm của mình. Triển vọng họ có thể thu hồi vốn xem ra cũng rất u ám.

Những tỷ phú có các vụ đầu vụ đầu tư trong thời gian gần đây đã tỏ ra thận trọng hơn. Khi ông hoàng Mansour bin Zayed Al Nahayan của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đầu tư vào ngân hàng Barclays của Anh và tỷ phú truyền thông người Mexico Carlos Slim Helu đầu tư vào tờ New York Times của Mỹ, họ đều mua cổ phiếu có thể chuyển đổi.

Cổ phiếu này mang đến cho hai nhà đầu tư trên mức cổ tức hấp dẫn 14% mỗi năm cho tới khi được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông vào năm 2014 và 2015. Cả hai nhà đầu tư này sẽ không phải chịu thiệt hại nếu giá cổ phiếu của các công ty trên tiếp tục sụt giảm trong ngắn hạn.

Tỷ phú Buffett cũng có một vụ đầu tư tương tự khi mua lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 5 tỷ USD trong ngân hàng Goldman Sachs vào tháng 10 năm ngoái. Cổ phiếu ưu đãi không thể chuyển đổi được thành cổ phiếu phổ thông, nhưng có mức cổ tức 10% mỗi năm.

Một số tỷ phú khác như Nicolas Berggruen, Tom Hicks và Nelson Peltz thì không bỏ tiền túi ra để đầu tư lúc này, nhưng sử dụng công cụ là các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special-purpose acquisition company - SPAC) để huy động vốn. Những định chế đầu tư đặc biệt này về bản chất là những công ty rỗng vốn, nhưng tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và sử dụng tiền huy động từ đó cho hoạt động mua lại.

Chẳng hạn, tỷ phú Berggruen đã huy động được 528 triệu USD qua một SPAC vào tháng 12 năm 2006 và sử dụng số tiền này để tiến hành IPO quỹ đầu cơ GLG Partners trên thị trường chứng khoán New York 6 tháng sau đó. Hiện tỷ phú này đang có trong tay khoảng 1,8 tỷ USD để phục vụ cho mục đích mua lại.

Tuy nhiên, Berggruen chỉ còn thời gian vài tháng để tiêu số tiền này, vì theo quy định, các SPAC phải tiến hành các vụ mua lại trong vòng 2 năm kể từ khi IPO, nếu không sẽ bị buộc phải thanh lý.

Tới lúc này, chưa ai có thể biết các tỷ phú trên có thể biến những cơ hội đầu tư ở thời điểm hiện nay thành lợi nhuận. Có lẽ, phải mất vài năm nữa người ta mới có thể kết luận chính xác về những vụ đầu tư này.

Tuy nhiên, có một điểm chắc chắn là, việc các tỷ phú chọn thời điểm và nơi chốn để rót tiền sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ và được xem như một dấu hiệu về sức khỏe của nền kinh tế thế giới.

(Theo Newsweek)