14:17 14/06/2011

Cải cách bộ máy Chính phủ theo hướng nào?

Anh Minh

Những đề xuất đáng chú ý liên quan đến việc cải cách mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ

Hội thảo "Tiếp tục cải cách bộ máy Chính phủ Việt Nam".
Hội thảo "Tiếp tục cải cách bộ máy Chính phủ Việt Nam".
Nhiều đề xuất đáng chú ý liên quan đến việc cải cách mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ đã được đưa ra tại một hội thảo chuyên đề tổ chức mới đây.

Theo các chuyên gia, mô hình tổ chức của Chính phủ hiện nay còn có nhiều bất cập, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc.

Chẳng hạn, cho đến nay, vẫn chưa có sự rõ ràng về vai trò của Thủ tướng với tư cách là một cá nhân lãnh đạo và là một người đứng đầu Chính phủ.

Theo ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thì các công việc của Chính phủ hiện nay chủ yếu vẫn được “quyết tập thể” là chính, trong nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu giải quyết một khối lượng công việc lớn và cấp bách.

Trong khi đó, vai trò của cá nhân Thủ tướng, theo quy định tại điều 20 của Luật tổ chức Chính phủ, được đánh giá là “quá hạn hẹp", không thể giải quyết được những vấn đề tương đối lớn của xã hội.

“Trên cơ sở Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ, có thể nói rằng khó có thể quy trách nhiệm cho bất kỳ cá nhân nào khi có những sự cố xảy ra”, dự thảo báo cáo “Tiếp tục cải cách Chính phủ” do CIEM thực hiện đưa ra nhận định.

Bất cập cũng được thể hiện trong mối quan hệ giữa Thủ tướng Chính phủ và các bộ, giữa các bộ với nhau, giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ cũng như trong nội bộ các bộ và cơ quan ngang bộ.

Chẳng hạn, dù Luật Tổ chức Chính phủ quy định các bộ và cơ quan ngang bộ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực, nhưng vẫn theo luật này thì vai trò của bộ trưởng cũng rất hạn chế, chưa thể là “tư lệnh” ở lĩnh vực đó.

Trong khi đó, việc dồn các quyết định lên Chính phủ đã làm cho Văn phòng Chính phủ phải mở rộng để đáp ứng đòi hỏi của công việc song lại không đủ đội ngũ công chức đủ kiến thức chuyên môn để xem xét và thẩm định các quyết định.

“Trong thực tiễn đã có nhiều bộ đã “đổ” cho Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm về những quyết định do chính họ đề xuất và Văn phòng Chính phủ không có đủ khả năng và thời gian để thẩm định”, dự thảo báo cáo nêu rõ.

Mở rộng ra, theo các chuyên gia của CIEM, quan hệ của Chính phủ với các cơ quan khác như Đảng, Quốc hội, chính quyền các tỉnh thành… cũng đang bộc lộ nhiều bất cập cần giải quyết.

Ở một số địa phương, trên danh nghĩa lãnh đạo của Đảng, nhiều cá nhân, tổ chức đã can thiệp quá sâu vào công việc của chính quyền, thậm chí can thiệp cả vào các công việc hành chính như phân bổ vốn, đấu thầu…

CIEM cho rằng đã đến lúc cần bắt tay cải cách mạnh mẽ mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ mới mong cải thiện hiệu quả công việc điều hành.

“Phải thực sự chuyển từ nhà nước cai trị sang nhà nước phục vụ, từ nhà nước quản lý thị trường và xã hội sang nhà nước tương tác với thị trường và xã hội, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển mọi mặt của đất nước”, ông Thái đề xuất.

CIEM cũng đưa ra 11 nguyên tắc liên quan đến cải cách mô hình Chính phủ trong giai đoạn tới, trong đó nhấn mạnh rằng việc xây dựng một Chính phủ mạnh không thể tách rời việc đổi mới và xây dựng các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, đặc biệt là khối lập pháp và tư pháp.

Chính phủ chỉ giữ lại những nhiệm vụ tối thiểu cần thiết, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội và nâng cao trách nhiệm của công dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung cho việc cải cách quy trình làm chính sách và quy trình thực hiện chính sách, coi đó là những nhiệm vụ ưu tiên.
 
Cơ chế, phương thức làm việc của Chính phủ cần được cải cách mạnh mẽ, theo đó cần phân định vai trò và quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân như Thủ tướng và các bộ trưởng.

CIEM cũng cho rằng trong bối cảnh mới, đầu tư cho nhân sự là công tác cần ưu tiên đặc biệt.