09:13 09/12/2010

“Cẩm nang của WWF không có tính pháp lý”

Chu Khôi

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn nói về việc cá tra Việt Nam bị đưa vào "danh sách đỏ"

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn - Ảnh: Trung Hiền (Vietnam+)
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn - Ảnh: Trung Hiền (Vietnam+)
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn nói về việc cá tra Việt Nam bị WWF ở 6 nước châu Âu đưa vào "danh sách đỏ".

Cá tra vừa được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ở 6 nước châu Âu đưa vào nhãn đỏ trong cuốn cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng. Xin ông cho biết, cẩm nang đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với ngành cá tra của Việt Nam?

WWF chỉ là một tổ chức phi chính phủ, họ có thể công bố các tiêu chuẩn riêng do họ nghĩ ra và triển khai những hoạt động của riêng họ. Cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng mà WWF ở 6 nước châu Âu phát hành thực ra chỉ là như một tờ rơi, chứ không phải là sách đỏ, nên không có giá trị pháp lý.

Sách đỏ có giá trị như là quy phạm pháp luật mang tính quốc gia và thế giới, ở đó quy định những loại sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ cấm đánh bắt, buôn bán và sử dụng. Còn sự việc cá tra hiện nay thì chỉ là bị đưa tên vào trong mục nhãn đỏ trong tờ rơi của một tổ chức phi chính phủ là WWF. Cuốn cẩm nang đó chỉ là để tư vấn cho người tiêu dùng, ai muốn nghe thì nghe chứ không phải là đưa tên loại thủy sản nào đó vào trong nhãn đỏ là để cấm tiêu dùng loại thủy sản đó.

Những ngày gần đây, rất nhiều người nuôi cá tra, rồi các hiệp hội nuôi cá tra ở các địa phương gọi điện thoại cho chúng tôi bày tỏ sự lo lắng rằng nếu cá tra Việt Nam bị một số nước cấm sử dụng thì nguy đến nơi. Thực ra, không phải vậy, cá tra của của chúng ta đều được tất cả các nước cho phép tiêu thụ, và cũng chưa có bất kỳ một cơ quan pháp quyền của nước nào cấm tiêu thụ và tiêu dùng. Chúng ta cần phân biệt rõ, không nên hoang mang.

Tuy nhiên, người tiêu dùng ở 6 nước trên nếu mua cá tra mà nhặt được tờ rơi đó thì họ cũng dè chừng, và có thể sẽ nghe theo mà không ăn cá tra nữa. Bởi vậy, phát hành cuốn cẩm nang như vậy sẽ gây tác động xấu đến người tiêu dùng và lảm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của sản phẩm cá tra.

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, thì những thông tin về cá tra mà WWF đưa ra trong cuốn cẩm nang trên có khách quan và chuẩn xác hay không?

WWF đã vi phạm 2 nguyên tắc rất quan trong của hiệp định WTO, cũng là những nguyên tắc mà tất cả các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ (trong đó có WWF) phải tuân thủ.

Nguyên tắc thứ nhất là phải công khai. WWF chưa bao giờ cung cấp những thông tin về những tiêu chí mà họ dùng để đánh giá, soạn thảo cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng mới này. Ngày 8/12/2010, Tổng cục Thủy sản đã đối thoại với WWF Việt Nam. Tổ chức này nói rằng WWF Việt Nam cho đến giờ này chưa có bộ tiêu chí đó ở trong tay, chỉ nghe nói có khoảng 19 tiêu chí. WWF đã có mặt ở Việt Nam 15 năm, có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn sinh học, thiên nhiên.

Cũng vô cùng ngạc nhiên rằng, WWF Việt Nam không được mời tham gia bất cứ hoạt động nào của WWF của các nước châu Âu trong việc đánh giá cá tra. Nghe loáng thoáng trong các tiêu chí đó, có 4 tiêu chí lớn liên quan đến môi trường tuân theo nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm do FAO quy định.

Riêng với các tiêu chí về vấn đề môi trường nuôi thì họ đã sai, vì nuôi cá tra của Việt Nam tuân thủ theo những quy định cao nhất của thế giới, đó là GlobalGAP. Thức ăn nuôi cá tra ở Việt Nam cũng đều do các công ty lớn uy tín trên thế giới sản xuất, như Cagil, CP... và được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt do thế giới quy định.

WWF có chủ trương hoạt động đa biên, tức là phối hợp nhiều bên. Nếu như vào Việt Nam để tổ chức hội nghị, hội thảo, kiểm tra, kiểm định hay đánh giá cái gì thì phải có sự phối hợp của phía Việt Nam.

Đằng này, WWF của 6 nước trên vào Việt Nam để đánh giá con cá tra vào lúc nào mà không ai biết. Không người nuôi cá tra nào gặp họ, các hiệp hội chế biến xuất khẩu, hiệp hội nghề cá ở các địa phương đều không được mời, chính quyền mọi địa phương đều không biết, Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng không được thông báo. Vậy không hiểu là họ đã làm việc với ai, số liệu họ thu thập được từ đâu? Như vậy là họ đã vi phạm tiêu chí khách quan.

Tổng cục Thủy sản đang và sẽ có những hành động gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Tổng cục Thủy sản sẽ có thư chính thức gửi WWF ở các nước và toàn cầu bày tỏ những bức xúc về vấn đề họ đưa cá tra vào nhãn đỏ. Sáng 8/12/2010, Tổng cục Thủy sản đã làm việc với WWF Việt Nam, và tổ chức này đã hứa sẽ chuyển tải thông điệp của chúng ta tới WWF thế giới.

Trước hết, WWF Việt Nam yêu cầu WWF ở 6 nước châu Âu trên cung cấp Bộ tiêu chí đánh giá, và có lẽ sớm nhất là đến ngày 13/12 mới có được Bộ tiêu chí này. Sau khi có Bộ tiêu chí, Tổng cục Thủy sản và WWF Việt Nam sẽ họp cùng thảo luận xem các tiêu chí đó có đủ căn cứ để xếp hạng đưa vào danh mục như vậy hay không? Sản phẩm cá tra của nước ta có đạt chuẩn hết các tiêu chí đó hay chưa?

Chúng tôi cũng yêu cầu WWF: Trong thời gian WWF chưa cung cấp đầy đủ những bằng chứng mang tính thuyết phục nhất, thì ngay tức khắc họ phải thu hồi những tờ rơi cẩm nang ấy về. Sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác WWF.

Chúng ta tôn trọng tôn chỉ, mục đích của WWF và sẵn sàng hợp tác đối thoại. Nhưng nếu họ sang nước ta mà làm không đúng những tôn chỉ mục đích đó thì chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tăng cường giám sát các hoạt động của họ ở Việt Nam.

Phải nhìn nhận rằng, trong thời gian qua, WWF đã làm được nhiều việc hữu ích và hợp tác rất tốt với Chính phủ Việt Nam, đã có những đóng góp cho ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của WWF tại Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản thì chưa được họ quan tâm. Chúng tôi cũng kiến nghị WWF quốc tế cần phải khảo sát, kiểm tra thực tế nghề nuôi cá tra tại Việt Nam, và phải đưa cá tra vào nhãn xanh.

Cá tra Việt Nam liên tiếp gặp phải những rào cản tiếp nối. Vì sao như vậy, thưa ông?

Cá tra hiện tại được Chính phủ nước ta xác định là sản phẩm chiến lược. Trong tổng khối lượng thủy sản nuôi trồng ở nước ta chỉ có khoảng 2 triệu tấn/năm, thì riêng cá tra đã cho sản lượng 1,2-1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Nước ta cung cấp 95% cá tra trên thị trường thế giới. Cá tra Việt Nam hiện đã vươn ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, nhiều hiệp hội thủy sản trên thế giới lo ngại phải cạnh tranh với cá tra, nên họ lập ra quá nhiều rào cản thương mại.

Cá tra đã phải đối mặt với 5 loại rào cản của nhiều nước, trong đó 2 rào cản gây áp lực mạnh nhất là: chống bán phá giá và chống vi phạm nhãn hiệu độc quyền.