21:30 07/12/2010

Đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ là “đi ngược thực tế”

Y Nhung

VASEP chính thức lên tiếng phản đối về việc WWF đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách đỏ

Phó Chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng trả lời báo chí tại cuộc gặp gỡ chiều 7/12.
Phó Chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng trả lời báo chí tại cuộc gặp gỡ chiều 7/12.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chính thức lên tiếng phản đối việc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ở 6 nước EU đưa sản phẩm cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ, nhằm khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng.

Tại buổi gặp gỡ với báo chí được tổ chức chiều 7/12,  Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng tỏ rõ thái độ bất bình trước kết quả khảo sát của một công ty tư vấn độc lập do WWF ở 6 nước châu Âu gồm: Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch thuê, nhằm tiến hành đánh giá hơn 100 loài thủy sản thực phẩm trên thế giới theo bộ tiêu chí phát triển bền vững mới sửa đổi của quỹ này.

“Việc một số tổ chức WWF ở các quốc gia nêu trên mới đây cố ý “đổi màu” cá tra, chuyển sản phẩm này từ danh sách da cam (sản phẩm có thể cân nhắc sử dụng) sang danh sách đỏ (sản phẩm không nên sử dụng) trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010-2011 là việc làm không đúng và dựa trên những thông tin thiếu chính xác. Điều này hoàn toàn đi ngược với tình hình thực tế của nghề nuôi cá tra tại Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.

Vị đại diện hiệp hội này còn quan ngại rằng thông tin về vụ việc có thể gây thiệt hại lớn cả cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng và sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan, trung thực và minh bạch trong hành động của WWF. 

Song, VASEP vẫn chính thức gửi lời mời và sẵn sàng đón tiếp những cá nhân thiếu thực tế đó đến thăm, để giúp họ nhìn nhận đúng đối với sản xuất cá tra - một nghề nuôi đầy triển vọng, có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề cung cấp thực phẩm cho nhân loại, đồng thời bảo vệ môi trường và chất lượng hệ sinh thái trong tương lai, ông Dũng nói.

Hiện Việt Nam đang cung cấp hơn 95% nguồn cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới. Với sản lượng 1,5 triệu tấn mỗi năm (chiếm khoảng 1% tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trên thế giới), cá tra đã trở thành một nguồn đạm động vật giá rẻ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu. Tiêu thụ sản phẩm này đã góp phần giảm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của đại dương.

“Để thu được 1 kg cá hồi hay cá giò, cá song, cá chẽm... cần sử dụng từ 4-8 kg cá biển để làm thức ăn cho các loài này; đối với cá ngừ con số này lên tới 30 kg. Trong khi nuôi cá tra sử dụng rất ít đạm động vật, lại có thể thay thế bằng các nguồn đạm thực vật giá rẻ, tận dụng từ ngành nông nghiệp như cám, bã đậu nành, khô dầu...”, ông Dũng cho hay.

Đặc biệt, cá tra là loài cá bản địa của đồng bằng sông Cửu Long, có thể nuôi với mật độ rất cao. Năng suất nuôi hiện nay đạt 400-600 tấn/ha (trong 6-7 tháng nuôi), với giá thành dưới 1 USD/kg. Việt Nam cũng chỉ sử dụng 6.000 ha mặt nước mà vẫn sản xuất mỗi năm 1,5 triệu tấn cá tra.

“Đây chính là những cơ sở để khẳng định, cá tra là loài thủy sản có giá trị kinh tế vượt trội trong các loài cá nuôi. Lẽ ra sản xuất cá tra phải được WWF ủng hộ để phát triển rộng hơn nữa nhằm mục tiêu bảo vệ các loài thủy sản hoang dã và tính đa dạng sinh học của thế giới như tổ chức này mong muốn”, ông Dũng nói.

Ông Dũng còn dẫn ra, hiện nay, đa số doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã và đang xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, nhằm quản lý chặt chẽ mọi yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm cá tra (con giống, thành phần thức ăn, công nghệ nuôi, kiểm soát sức khỏe cá nuôi, công nghệ chế biến, điều kiện an toàn vệ sinh lao động, sức khỏe công nhân,...). Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công hệ thống truy xuất nguồn gốc với các công nghệ hiện đại như RFID (định vị bằng tần số vô tuyến) và rất chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng...

Từ đầu năm 2010, nhiều nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Global GAP (tiêu chuẩn cao nhất của ngành nuôi thủy sản có trách nhiệm và bền vững toàn cầu). VASEP cũng đã chính thức đề nghị và được Chính phủ ủng hộ chương trình áp dụng Global GAP cho toàn bộ các trang trại nuôi cá tra thương phẩm trong kế hoạch 2011-2015.

Đến tháng 12/2009, Chính phủ đã phê duyệt đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra đến năm 2020. Đặc biệt, chương trình kiểm soát môi trường nước được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành trong nhiều năm qua cũng cho thấy tác động đến môi trường của hoạt động nuôi và chế biến cá tra được kiểm soát chặt chẽ và đang ngày càng được giảm thiểu. Chất lượng môi trường, hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học đang được cải thiện nhanh chóng qua từng năm.

Trong hơn 2 năm qua, WWF cũng đã nhận được sự hợp tác của đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu và người nuôi cá tra Việt Nam để tiến hành chương trình đối thoại nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn nuôi cá tra bền vững.

“Như vậy, khuyến nghị do một số thành viên WWF ở châu Âu đưa ra có thể ẩn chứa những mục tiêu không trong sáng”, ông Dũng nhìn nhận.

Trên thực tế, ngay khi thông tin trên được phát đi, một số công ty thương mại thủy sản lớn và có uy tín ở EU như Findus hay Birds Eye Iglo cũng đã lên tiếng phản đối, và cho rằng việc làm này gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng và các doanh nghiệp một số nước EU nhập khẩu và kinh doanh cá tra, nhất là trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính đầy khó khăn hiện nay.

Năm 2008, Việt Nam đã cung cấp cho thế giới 625.000 tấn sản phẩm cá tra, trị giá 1,4 tỷ USD. 10 tháng năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 538.201 tấn sản phẩm cá tra, giá trị trên 1,1 tỷ USD, cho 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục.

Riêng thị trường EU, năm 2008 đã nhập khẩu và tiêu thụ 224.311 tấn sản phẩm cá tra, giá trị 581,5 triệu USD, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam. Số liệu trong 10 tháng qua cho thấy thị trường này đã  tiêu thụ 184.360 tấn, trị giá 423 triệu USD, chiếm 36,8%.