Cần hàng trăm tỷ USD để chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than, huy động tiền từ đâu?
Để thực hiện chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi nhiệt điện than sang các nguyên liệu sạch nhằm đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, thì trong 26 năm tới, toàn ngành điện cần khoảng 499,1 - 631,0 tỷ USD… Vấn đề đặt ra là, huy động tài chính từ đâu để đáp ứng nhu cầu này?...
Ngày 28/3/2024, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Viện Năng lượng Việt Nam (IOE) tổ chức hội thảo “Đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050”.
CHƯA CÓ LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI CHO CÁC NHIỆT ĐIỆN THAN
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết UNDP và Viện Năng lượng Việt Nam (IOE) đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá các kịch bản chuyển đổi năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam, có tính đến chi phí và lợi ích trong quá trình chuyển đổi.
“Nghiên cứu này dự kiến sẽ giúp xây dựng các đề xuất khả thi về mặt tài chính cho việc giảm dần năng lượng hóa thạch, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng của các nhà máy nhiệt điện”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Năng lượng Việt Nam, cho biết ngành sản xuất điện hiện dẫn đầu về phát thải khí nhà kính, chiếm 29,08% tổng phát thải khí nhà kính cả nước. Trong Chiến lược Biến đổi Khí hậu, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, lĩnh vực năng lượng sẽ phải cắt giảm khoảng 32,6% lượng khí nhà kính. Trong đó, lĩnh vực nhiệt điện phải cắt giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính.
Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất lắp đặt nguồn điện nhiệt điện than của cả nước khoảng 25.312 MW, chiếm 32,5% trong tổng công suất điện của cả nước.
"Mục tiêu đến năm 2050, sẽ không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng nhiên liệu sang sinh khối và amoniac, với tổng công suất 25.632 - 32.432 MW, sản xuất 72,5 - 80,9 tỷ kWh/năm".
Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Năng lượng Việt Nam.
Trong Quy hoạch Điện 8 đã đề ra định hướng chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Cùng với đó, sẽ thực hiện chuyển đổi từ nhiên liệu than sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm. Dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.
Mặc dù, Quy hoạch điện 8 đề ra định hướng như vậy, nhưng ông Trung cho rằng đến nay vẫn chưa có lộ trình chuyển đổi cho các nhiệt điện than. Do đó, cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than. Lộ trình chuyển đổi sẽ bao gồm danh mục các nhà máy cần chuyển đổi, phương án và thời gian chuyển đổi, nhu cầu tài chính, phương án xử lý nhân sự và tác động môi trường…
Về tài chính, ông Trung cho hay ước tính tổng chi phí đầu tư để tiến tới net-zero vào năm 2050 tại Việt Nam cần 533,9 - 657,8 tỷ USD trong 26 năm tới. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện và chuyển đổi điện cần khoảng 499,1 - 631 tỷ USD.
NHIỀU NHÀ MÁY CÓ NGUY CƠ ĐÓNG CỬA?
Ông Vũ Văn Nam, Viện Năng lượng Việt Nam, cho biết IOE đã tiến hành nghiên cứu tại 3 nhà máy cần phải chuyển đổi sớm là Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Cao Ngạn, Nhiệt điện Ninh Bình.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại hiện có 2 nhà máy là Phả Lại 1 và Phả Lại 2. Trong đó, Nhà máy Phả Lại 1 đã vận hành 38 - 40 năm, đến nay, hầu hết các thiết bị đều đã xuống cấp nên tần suất xảy ra các sự cố như: bục vỡ các đường ống áp lực, rò rỉ ở bộ sấy không khí, lọt gió ở máy nghiền… có chiều hướng gia tăng. Với Nhà máy Phả Lại 2, đã đưa vào khai thác vận hành qua gần 20 năm và cũng nhiều lần xảy ra sự cố trong những năm gần đây.
"Chúng tôi đang chịu sức ép đến năm 2026 phải chuyển đổi Nhà máy Phả Lại 1, nhưng hiện chưa tìm ra được nguồn vốn. Rất mong Chính phủ, Bộ Công thương và các Tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi sớm tiếp cận được nguồn vốn vay để chuyển đổi nhà máy".
Ông Mai Quốc Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại.
Theo yêu cầu trong Quyết định 500/QĐ-TTg thì nhà máy Phả Lại 1 thuộc đối tượng phải đóng cửa sớm nhất trong số các nhà máy nhiệt điện than tại nước ta. Nhà máy này muốn được tồn tại thì cần phải chuyển đổi ngay, với yêu cầu năm 2026 phải giảm phát thải 30%; năm 2030 giảm phát thải 50% so với hiện nay. Đến năm 2050 phải giảm phát thải 100%.
Tương tự, Nhà máy Phả Lại 2 cũng thuộc đối tượng phải chuyển đổi để giảm phát thải, nếu không chuyển đổi sẽ phải đóng cửa sau khoảng 10 năm nữa.
Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn tại Thái Nguyên, với công suất 115 MW, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, đã vận hành từ năm 2007, đến nay được 17 năm. Hiện trạng thiết bị đã cũ, hiệu suất thấp, phát thải cao, hiệu quả kinh tế thấp. Theo Quyết định 500/QĐ-TTg, đến năm 2027 nhà máy cao Ngạn được định hướng chuyển đổi nhiên liệu do đã vận hành được 20 năm, và đến năm 2047 nhà máy sẽ phải dừng hoạt động nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 phê duyệt “Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Đề án JETP). Để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi carbon thấp trong ngành năng lượng thuộc Đề án (JETP), ông Koos Neefjes - Chuyên gia của UNDP đã giới thiệu Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam và nhu cầu về các gói tài chính cho chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than (CFPP).
Theo đó, các định chế tài chính phát triển quốc tế đã đồng ý huy động ít nhất 7,75 tỷ USD để cung cấp các khoản vay cho các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Trong đó, tài chính công trong RMP, với tổng giá trị tài trợ được đề xuất là 321,6 triệu USD.
Nguồn tài chính cho các khoản vay ưu đãi (các khoản vay được thực hiện với các điều khoản hấp dẫn hơn so với thị trường vốn) là 2,75 tỷ USD, sẽ được giải ngân thông qua: ADB, EIB, AFD, KfW. Trong số này, 2,18 tỷ USD là các khoản vay nợ chính phủ hoặc có bảo lãnh chính phủ. Các công cụ tài chính thương mại sẽ cho vay trên 5 tỷ USD thực hiện theo các điều khoản thương mại nhưng sẽ bao gồm các mục tiêu phát triển.
Các loại dự án đầu tư được hỗ trợ gồm: (1) Chuyển đổi sản xuất điện than; (2) Phát triển ngành năng lượng tái tạo; (3) Truyền tải điện và lưu trữ năng lượng; (4) Sử dụng hiệu quả năng lượng; (5) Chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải; (6) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ.
“Chủ sở hữu các nhà máy điện than cần phải làm việc với các tổ chức tài chính cụ thể, trên cơ sở đánh giá ban đầu về các lựa chọn của Viện Năng lượng IoE và thông qua hỗ trợ kỹ thuật để xác định cơ hội phát triển các dự án có thể vay vốn”, ông Koos Neefjes khuyến nghị.