Cần minh bạch và theo cơ chế thị trường trong các thương vụ thoái vốn lớn
Tổng số vốn dự kiến thoái từ năm 2017 - 2020 theo mệnh giá là 64.457 tỷ đồng.
Lần đầu tiên, Chính phủ đã công bố một danh sách các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải bán đến từng doanh nghiệp và lộ trình thực hiện theo từng năm. Ngoài 406 doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải bán từ nay đến 2020 đã được điểm tên tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ký ngày 21/8/2017, những doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn được thị trường đặc biệt quan tâm như: Habeco, Sabeco, PVN, EVN, ACV... cũng được đưa vào kế hoạch và thực hiện thoái vốn theo quyết định riêng của Thủ tướng.
Việc công bố rõ ràng danh mục doanh nghiệp thoái vốn của Chính phủ đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ thị trường và cộng đồng các nhà đầu tư. Bởi một khi kế hoạch dài hơi được công bố rõ ràng, sẽ giúp cho các nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể về lộ trình thoái vốn và cổ phần hóa và lên kế hoạch đầu tư cho phù hợp, thay vì trước đây, công bố nhỏ giọt theo từng trường hợp khiến các nhà đầu tư phải chờ đợi, không hiệu quả cho cả hai bên.
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số doanh nghiệp còn vốn Nhà nước (không tính doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND Tp.HCM, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), các doanh nghiệp bán vốn theo Quyết định riêng của Thủ tướng) là 375 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 108.502 tỷ đồng (tính theo mệnh giá). Tổng số vốn dự kiến thoái từ năm 2017 - 2020 theo mệnh giá là 64.457 tỷ đồng.
406 doanh nghiệp cần thoái và 65 nghìn tỷ đồng
Theo Quyết định 1232, tổng số lượt doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt doanh nghiệp, được chia ra theo từng năm để các bộ, địa phương thực hiện thoái vốn.
Cụ thể, năm 2017 phải thoái ở 135 doanh nghiệp, năm 2018 thoái ở 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái ở 62 doanh nghiệp và năm 2020 thoái ở 28 doanh nghiệp. Trong danh sách này, có một số doanh nghiệp sẽ thoái vốn vài đợt.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn của công ty nông, lâm nghiệp và các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa; doanh nghiệp thuộc: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND Tp.HCM, SCIC; Habeco; Sabeco; Bệnh viện Giao thông Vận tải; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam; Công ty Đầu tư tháp truyền hình Việt Nam thực hiện theo quyết định riêng của cấp có thẩm quyền.
Riêng với SCIC, theo lộ trình thoái vốn, Chính phủ quy định: ngoài giữ vốn lâu dài tại FPT Telecom, SCIC sẽ thoái vốn tại hầu hết các doanh nghiệp đang nắm giữ, trong đó: VIID, HGM, VNR theo lộ trình thoái vốn từ năm 2018 đến năm 2020.
Các khoản đầu tư tại các doanh nghiệp như: Vinaconex (21,79%), FPT (5,96%), BMP (29,51%), NTP (37,1%), DMC (34,71%) và Vinamilk (3,33% vốn) được thực hiện ngay trong 2017.
Linh hoạt để bán hiệu quả và an toàn
Cùng với việc công khai danh sách bán vốn, các giải pháp liên quan đến cơ chế thực hiện cũng đang được gấp rút chỉnh sửa, đặc biệt là sửa cơ chế chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần quy định tại Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, đối với công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, việc chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phiếu) thực hiện theo phương thức giao dịch (khớp lệnh, thỏa thuận).
Trường hợp chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận, giá thỏa thuận phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng. Quy định này đang gây khó cho hoạt động thoái vốn, làm mất đi cơ hội thoái vốn được giá cao cho cổ đông nhà nước, bởi khi có cơ hội bán vốn giá cao (vượt ngoài biên độ giao dịch của cổ phiếu trên sàn), cổ đông nhà nước vẫn không thể thực hiện được do vướng quy định tại Nghị định 91/2015.
Để tháo gỡ bất cập trong việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm một phương thức chuyển nhượng vốn là tổ chức bán đấu giá công khai ngoài hệ thống giao dịch, bên cạnh 2 phương thức hiện hành là khớp lệnh và thỏa thuận.
Riêng việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa lên sàn chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương thức đấu giá công khai.
Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh. Nếu chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận...
Trong đó, phương thức đấu giá công khai thực hiện theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình tài chính của công ty cổ phần có vốn góp nhà nước, nhu cầu của thị trường, mục tiêu và điều kiện chuyển nhượng vốn, lựa chọn phương thức đấu giá thông thường hoặc đấu giá theo lô trước khi tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước.
Minh bạch với thị trường
Nhiều năm nay, SCIC luôn được chọn làm người tiên phong trong việc áp dụng các phương thức bán mới để bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ chế đặc thù và mang tính đột phá (hạ giá khởi điểm, bán thỏa thuận, bán đấu giá cả lô...) trong thoái vốn nhà nước đã được SCIC triển khai tại gần 1.000 doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả tích cực.
Thống kê đến hết ngày 31/10/2017, SCIC đã triển khai việc bán vốn nhà nước tại 961 doanh nghiệp, (trong đó bán hết vốn tại 862 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 80 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 7.763 tỷ đồng, thu về 27.215 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).
Từ cơ chế bán vốn đặc thù của SCIC, Chính phủ đã xem xét để xây dựng cơ chế bán cả lô áp dụng thống nhất đối với các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhằm thúc đẩy thoái vốn nhà nước và đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Cũng hơn 10 năm qua, công tác bán vốn tại doanh nghiệp của SCIC từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp hơn khi lựa chọn hợp lý và đúng quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn, nghiên cứu kỹ tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán, tổ chức bán công khai minh bạch, có mạng lưới nhà đầu tư tốt, thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp trong từng trường hợp nhằm gia tăng giá trị vốn để thực hiện bán vốn.
Bên cạnh đó, quy trình bán vốn tại SCIC được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch như sau: thuê công ty tư vấn (công ty chứng khoán) xác định giá khởi điểm bán cổ phần của nhà nước để tham khảo; các bộ phận, chức năng của SCIC thẩm định, thống nhất đề xuất giá khởi điểm, thời điểm bán để tổng giám đốc quyết định bán đấu giá cổ phần; việc định giá khởi điểm được áp dụng nhiều phương pháp định giá để lựa chọn giá bán hợp lý; thực hiện quá trình công bố thông tin bán cổ phần, tổ chức bán cổ phần, công bố thông tin về kết quả bán cổ phần...
Giới đầu tư đánh giá và kỳ vọng vào một lộ trình thoái vốn khả thi trong những năm tới, bởi một khi thông điệp của Chính phủ là đa dạng sở hữu trong doanh nghiệp và Nhà nước chỉ sở hữu một phần, thì cơ hội cho nhà đầu tư trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán là rất lớn. Điều đáng nói là ở rất nhiều doanh nghiệp lớn được cổ phần hóa, tỷ lệ thoái vốn của Nhà nước là đáng kể chứ không còn hình thức như trước.