Cần phân tích rõ động lực tăng trưởng của 2018
Diễn biến mức tăng trưởng GDP của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm
Sáng 15/10, bắt đầu phiên họp thứ 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát: nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực. Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đánh giá tác động đến tăng GDP
Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, với 2018, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.
Cơ quan thẩm tra cho rằng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, ước đạt 6,7%, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Diễn biến mức tăng trưởng GDP của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm do đó cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng GDP năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020, Uỷ ban Kinh tế lưu ý.
Về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, ổn định là nhận xét của cơ quan thẩm tra. Con số đáng chú ý là dự trữ ngoại hối tăng (hiện đạt khoảng 60 tỷ USD). Việc thực hiện nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được triển khai tích cực, góp phần quan trọng trong việc xử lý, kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng vẫn còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu. Một số cơ quan thuế chưa áp dụng đúng nội dung nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến cho vay ngang hàng, các loại tiền ảo có dấu hiệu diễn biến phức tạp, cần có biện pháp quản lý, Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ, hoạt động tín dụng đen, huy động tiền trên mạng trái pháp luật, thu tiền "bảo kê" ở một số địa phương diễn ra ngày càng công khai, gây bức xúc trong dư luận.
Chất lượng tăng trưởng vẫn ở mức thấp
Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ khẳng định là cơ bản là tích cực và đúng hướng.
Theo cơ quan thẩm tra thì cần quan tâm hơn nữa trong thực hiện mục tiêu tổng quát về "đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh".
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 34%; hệ số ICOR vẫn còn ở mức cao. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năng suất lao động toàn nền kinh tế tuy có sự cải thiện qua các năm nhưng mức năng suất lao động vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năng suất lao động tăng do sự đóng góp của việc tăng cường độ vốn, đóng góp của khoa học và công nghệ đối với cải thiện năng suất còn hạn chế. Sức cạnh tranh của nền kinh tế về tổng thể được cải thiện, nhưng một số lĩnh vực thành phần chậm chuyển biến, thậm chí suy giảm so với bình quân chung của khu vực.
Nội dung tiếp theo được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại, đóng góp cũng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nên khó ổn định được nguồn cung lẫn cầu. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn do đã khai thác trong một thời gian dài và ít dư địa phát triển.
Cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi có tiến triển, nhưng nhiều địa phương phản ánh gặp khó do quy định giữ 3,8 triệu ha đất lúa, cần được tháo gỡ. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao và thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, còn tình trạng dư thừa cục bộ một số sản phẩm nông nghiệp tiếp tục đòi hỏi phải giải cứu.
Trong khi đó, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế trong nước. Với dân số cả nước trên 94 triệu nhưng phát triển thương mại trong nước còn hạn chế, cơ cấu sở hữu trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang chuyển dịch theo hướng tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt cho doanh nghiệp phân phối trong nước.
Cơ quan thẩm tra cũng phân tích, du lịch xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng sự đóng góp cho tăng trưởng, cho ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng và còn bất cập. Cách thống kê cũng cần chuyển từ lượng sang chất, thay vì tăng trưởng về lượng khách, cần đánh giá thêm các chỉ tiêu về chi tiêu, thời gian lưu trú, sử dụng dịch vụ… Việc thực hiện chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển còn một số vướng mắc, hạn chế, cần tiếp tục được quan tâm, Uỷ ban Kinh tế đề nghị.