09:07 18/05/2009

“Cần tạo thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp”

Thanh Hải

Một số gợi ý của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc về "đầu ra" của doanh nghiệp

Cạnh tranh về giá là một giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó - Ảnh: Việt Tuấn.
Cạnh tranh về giá là một giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu ngừng lại, thị trường xuất khẩu suy giảm, giới doanh nghiệp Việt Nam cần “tính” lại chiến lược kinh doanh, tập trung hạ chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh để đừng thua trên chính sân nhà.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tạo nên thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp với nhau thông qua vai trò hiệp hội doanh nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh.

Là người đứng đầu một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông đánh giá thế nào về niềm tin của các doanh nghiệp đối với triển vọng kinh tế Việt Nam hiện nay?

Qua thực tế, tôi nhận thấy giới doanh nghiệp đang rất tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế, mặc dù Việt Nam vẫn trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Điều này được thể hiện qua các nghiên cứu khảo sát của các tổ chức trong và ngoài nước về các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây. Cụ thể, theo nghiên cứu của JBIC (Nhật Bản), các nhà đầu tư Nhật Bản đã đánh giá Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về mức độ hấp dẫn đầu tư chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Hay báo cáo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chỉ có 2% doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định rút vốn hoặc chuyển vốn đầu tư sang nước khác, còn 98% vẫn đang có kế hoạch tiếp tục sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Trước đó, một khảo sát của VCCI hồi đầu năm 2009 cũng cho thấy, chỉ có 9% doanh nghiệp trong và ngoài nước có ý định ngừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, còn lại 91% doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh và gần 50% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2009.

Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp đang rất tin tưởng về triển vọng đầu tư và triển vọng nền kinh tế trong năm 2009. Khi VCCI làm việc với các hiệp hội trong và ngoài nước, các nhà đầu tư đang rất tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Họ đều nhận định đây là giai đoạn khó khăn và thử thách rất lớn với các doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn có kế hoạch duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, vốn không còn là vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp mà là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ. Theo ông, doanh nghiệp nên hoạch định chiến lược thế nào để giải quyết khúc mắc này?

Đầu ra của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều vấn đề nhưng tôi cho rằng, để giải quyết bài toán này doanh nghiệp phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm dịch vụ, phải cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác, đặc biệt cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Trong đó, cạnh tranh về giá là một trong những giải pháp chính giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Các gói kích cầu kinh tế được đưa ra trong thời gian qua sẽ giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, hạ thấp chi phí cũng chỉ là một cách thức tiếp cận thị trường. Điều quan trọng hơn là giới doanh nghiệp phải làm mọi cách để tạo nên năng lực cạnh tranh mới thông qua đầu tư đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ khác của Nhà nước như: đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp tạo nên cơ sở hạ tầng tốt hơn cho các doanh nghiệp và đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí; đầu tư vào giáo dục đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cũng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động.

Ngoài ra, biện pháp trực tiếp như tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư trong thời điểm khó khăn sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới nhanh và hiệu quả hơn.

Một trong những “đầu ra” quan trọng cho doanh nghiệp hiện nay được xác định là thị trường nông thôn. Theo ông, thị trường này có nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước không?

Thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của thị trường nông thôn nhưng đang phải chịu áp lực rất lớn về hạ giá thành sản phẩm. Ở khu vực nông thôn, người dân có thói quen tiêu dùng các hàng hóa giá rẻ. Vì vậy, thâm nhập được thị trường này, cần phải có những biện pháp mạnh để giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tạo nên thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp với nhau thông qua vai trò hiệp hội doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có thể có cam kết tự nguyện mua hàng của nhau trong trường hợp cần thiết.

Điều này đang được một số hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam thực hiện rất tốt. Đây cũng chính là đầu ra quan trọng cho doanh nghiệp. Mặc dù đang gặp khó khăn khi tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn tin tưởng về những tiềm năng phát triển của mình cũng như của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.