21:49 05/11/2018

Cảnh sát biển được nổ súng trong trường hợp nào?

Nguyễn Lê

Quốc hội đã không còn nhiều băn khoăn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam

Quốc hội, phiên họp chiều 5/11.
Quốc hội, phiên họp chiều 5/11.

Thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam chiều 5/11, Quốc hội đã không còn nhiều băn khoăn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của lực lượng này.

Tại kỳ họp trước của Quốc hội, liên quan đến quyền hạn của cảnh sát biển Việt Nam, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ nội dung sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong luật, đặc biệt là trường hợp nổ súng của để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật) Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu chỉnh lý theo hướng quy định viện dẫn điều 14 (sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).

Theo đó, điều 14 dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như sau:

1. Khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Ngoài các trường hợp nổ súng theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được nổ súng vào tàu thuyền trên biển, trừ tàu thuyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế, tàu thuyền có chở người hoặc có con tin để dừng tàu thuyền, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Khi có căn cứ cho rằng, tàu thuyền do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn;

c) Khi có căn cứ cho rằng, tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma tuý, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn;

d) Khi có căn cứ cho rằng, tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật hình sự cố tình chạy trốn.

3. Trường hợp nổ súng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh, lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng; phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.

Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) thì quy định tại điều 14 dự thảo luật đã phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và thay cụm từ "khi có căn cứ cho rằng" bằng cụm từ "khi phát hiện tàu thuyền" tại đoạn đầu các điểm b, c, d khoản 2 Điều 14 cho cụ thể hơn trong việc xem xét, phát hiện và cho phép cảnh sát biển được nổ súng để đảm bảo tính khả thi, không gây khó khăn, không bị lỡ thời cơ.

Đặc biệt, bảo đảm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống lại tàu thuyền của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam. Nhất là hành vi manh động và nguy hiểm của bọn cướp biển.

Một vấn đề khác cũng không còn gây tranh cãi nhiều chiều như ở kỳ họp trước là vị trí, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam.

Cơ quan giải trình, tiếp thu dự án luật cho rằng việc quy định "Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân" như dự thảo Luật Chính phủ trình là kế thừa Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 và năm 2008.

Thực tiễn hơn 20 năm qua cho thấy, quy định cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang không có vướng mắc, hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển, đảo của Tổ quốc đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế; phù hợp với một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức và hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam.

 Mặt khác, quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang còn làm căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này, là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Giải thích như trên đã cơ bản nhận được sự đồng tình của các ý kiến tại phiên thảo luận chiều 5/11.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào sáng 20/11 tới.