15:36 21/07/2011

Cạnh tranh môi giới và hiện tượng GBVS

Vũ Ca

Nhìn từ thay đổi trong Top 10 thị phần môi giới chứng khoán tại HOSE và HNX trong 6 tháng đầu năm 2011, và hiện tượng GBVS

Top 10 thị phần môi giới qua các kỳ tổng kết thường có những yếu tố mới đáng chú ý.
Top 10 thị phần môi giới qua các kỳ tổng kết thường có những yếu tố mới đáng chú ý.
Nhìn từ thay đổi trong Top 10 thị phần môi giới chứng khoán tại HOSE và HNX trong 6 tháng đầu năm 2011, và hiện tượng GBVS.

Có thành viên chủ động “buông”, bởi áp lực cạnh tranh quá căng thẳng và tiềm ẩn rủi ro. Có những nhân tố miệt mài và đã có thành quả bước đầu. Thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán Việt Nam luôn có những thay đổi được chú ý.

“Ông lớn” kém mặn mà?

Định kỳ, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã lần lượt công bố thông tin về Top 10 thị phần giá trị giao dịch môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2011.

Vẫn là những xáo trộn, sự bám đuổi và có cả những nhân tố mới như những kỳ tổng kết trước đó. Tại HOSE, trong quý 2/2011, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khẳng định ngôi đầu với thị phần áp đảo 13,2%. Đáng chú ý nhất là sự sụt giảm rất mạnh thị phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS), xuống còn 5,99% thay vì trên dưới 9% các kỳ trước đó. TLS vẫn giữ vị trí số 1 trong Top 10 trên HNX, nhưng thị phần còn 7,99%...

Những năm gần đây, SSI vẫn được biết đến là nhà môi giới tập hợp được lực lượng nhà đầu tư là các tổ chức lớn. Trong khi đó, TLS lại có thế mạnh nổi bật ở vai trò cầu nối cho đông đảo nhà đầu tư cá nhân.

Sự thay đổi của TLS trên bảng xếp hạng thị phần tại HOSE là đáng chú ý trong những kỳ gần đây. Có yếu tố biến động của thị trường liên quan đến quy mô giao dịch của hai khối cá nhân và tổ chức, có sự chia sẻ từ áp lực cạnh tranh…, nhưng một suy đoán được đề cập tới là TLS không còn quá quyết liệt để giữ vị trí số 1 của mình trước đó.

Bên lề thay đổi này, một lãnh đạo cao cấp ở công ty mẹ của TLS nói rằng: TLS đã rất thành công ở nỗ lực khẳng định vị thế số 1 của nhà môi giới chứng khoán những năm qua, nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc; nay, họ có chiến lược phát triển mới, thực hiện cơ cấu lại và không còn quá quyết liệt để bảo vệ vị trí số 1 đó, mà ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển mô hình ngân hàng đầu tư.

Nếu TLS có hơi hướng “buông”, hoặc không còn quá quyết liệt bảo vệ vị trí của mình như ý kiến trên, cũng không là bất ngờ. Bởi có thể tìm thấy những lý do ở một trường hợp khác, ngoài những lý do riêng của TLS.

Tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS), thời điểm này có thể khẳng định môi giới chứng khoán là nghiệp vụ không còn mạnh như đáng có đối với một thành viên lớn của thị trường. Lý do cũng đã được công ty này mổ xẻ rất chi tiết trong bản thông tin liên quan đến kế hoạch chuyển đổi mô hình “hụt” thu hút sự chú ý của giới đầu tư hồi đầu năm.

Tựu trung, KLS nhìn nhận rằng áp lực thúc đẩy cạnh tranh trong môi giới chứng khoán thời gian qua và hiện nay là rất khắc nghiệt. Bên cạnh đầu tư cho công nghệ, nhân sự phải đủ mạnh, áp lực lớn nhất vẫn là các dịch vụ đi kèm, cụ thể là cơ chế hỗ trợ vốn. Ở đây, công ty này phân tích rằng có quá nhiều rủi ro khi cạnh tranh về lãi suất, tỷ lệ đòn bẩy, khả năng tạo vốn… cho nhà đầu tư đang được đẩy cao. Trong khi đó, nguồn thu từ nghiệp vụ môi giới vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu.

Có lẽ, đó cũng là một lý do khiến một số “ông lớn” không còn quá mặn mà trong cuộc chạy đua dịch vụ đi kèm đó để cải thiện vị trí của mình.

Hiện tượng GBVS

Ngày KLS họp về việc chuyển đổi mô hình hoạt động và tính chuyện ngừng nghiệp vụ môi giới, nhân viên một số công ty chứng khoán khác đã đến tận sàn này để tiếp thị dịch vụ tới nhà đầu tư chuẩn bị “di dời”. Họ là những thành viên vẫn đang nỗ lực để khẳng định trên bảng xếp hạng thị phần.

Qua các kỳ tổng kết, Top 10 trên HOSE hay HNX lại xuất hiện những nhân tố mới từ những nỗ lực đó. Quý 2/2011, đó là hiện tượng Công ty Cổ phần Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam (GBVS), lần đầu tiên có mặt trong Top 10 của HNX, đứng thứ 8 với 3,2% thị phần.

GBVS lần này được nhắc tới không chỉ ở kết quả trên, mà kết quả trên là thành quả cho một quá trình chuẩn bị lâu dài và khá đặc biệt.

GBVS vốn là Công ty Cổ phần Chứng khoán Click&Phone do Tập đoàn Tài chính Golden Bridge (Hàn Quốc) đầu tư nắm 49% vốn điều lệ. Chiến lược tại đây là phát triển một công ty chứng khoán không tự doanh, mà tập trung cho các dịch vụ. Ngay từ đầu, cái tên Click&Phone cũng đã hướng đến chiến lược này, phát triển mạnh về môi giới.

Nửa đầu năm 2010, nhà môi giới này bắt đầu thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi tung ra các dịch vụ cạnh tranh mới. Đây là một trong những công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam phát triển nhanh dịch vụ hỗ trợ giao dịch qua điện thoại di động. Tháng 4/2010, GBVS phát triển xong phần mềm giao dịch dành riêng cho iPhone; tháng 12/2010, nối tiếp là sản phẩm iClick Pro Android - phần mềm giao dịch chứng khoán đầu tiên được ứng dụng trên các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Và dự kiến trong tháng 8/2011, công ty sẽ ra mắt phần mềm giao dịch chứng khoán trên điện thoại BlackBerry và máy tính bảng iPad. Đi cùng với đó, GBVS liên tục tung ra các gói phí thấp nhất trên thị trường, chỉ từ 0,05%  - 0,1%/ giá trị giao dịch.

Mới đây, GBVS tiếp tục đưa ra dịch vụ mới, làm cầu nối hỗ trợ những nhà đầu tư có nhu cầu có thể cùng góp vốn bằng chứng khoán và tiền để tăng khả năng chủ động trong đầu tư, qua sản phẩm iBroker Pro; hay chính sách cộng thưởng cho nhà đầu tư chuyển đổi tài khoản từ các thành viên khác…

Đó là những bước chuẩn bị để quý 2/2011 GBVS tạo hiện tượng, khi lần đầu tiên có mặt trong Top 10 thị phần môi giới tại HNX. Nhưng, tạo được đã khó, giữ được càng khó hơn.

Ông Lê Quý Hòa, Tổng giám đốc GBVS nói rằng, “là nhà môi giới, tất nhiên các dịch vụ hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư là cần thiết, nhưng chúng tôi sẽ tập trung cạnh tranh ở công nghệ và tiện ích dịch vụ. Khi không tự doanh, định hướng của công ty là rất rõ ràng, phát triển nghiệp vụ môi giới luôn được ưu tiên hàng đầu”.