15:32 27/03/2013

Cấp phép dự án trên 100 triệu USD: Quyền của tỉnh về lại Bộ?

Anh Minh

Một số người đã cảm thấy “sốc” trước phương án liên quan đến phân cấp trong cấp phép đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Lễ khởi công xây dựng tổ hợp công nghệ cao Samsung tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên, sáng 25/3. Hiện tại, UBND các tỉnh thành được quyền cấp phép khá rộng rãi, thậm chí
 cho các dự án hàng tỷ USD mà không cần thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh: Anh Minh.
Lễ khởi công xây dựng tổ hợp công nghệ cao Samsung tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên, sáng 25/3. Hiện tại, UBND các tỉnh thành được quyền cấp phép khá rộng rãi, thậm chí cho các dự án hàng tỷ USD mà không cần thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ảnh: Anh Minh.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại hội nghị 25 năm thu hút FDI tổ chức tại Hà Nội sáng nay (27/3), chính là việc các tỉnh thành không thống nhất quan điểm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh một nội dung quan trọng, liên quan đến phân cấp trong cấp phép đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bản báo cáo của mình, đã cho rằng việc thực hiện việc phân cấp đầu tư là “chưa phù hợp với tình hình thực tế”.

Đại diện cho Bộ báo cáo về vấn đề này, ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng, đã nói rằng việc phân cấp đầu tư trong thời gian qua là “đại trà, dàn đều” nhưng “chưa tính đầy đủ đến đặc thù của địa phương về năng lực quản lý, trình độ cán bộ, quy mô nền kinh tế địa phương”.

“Tình trạng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài dẫn đến một số địa phương cấp phép cho các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng sử dụng và khai thác tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng, không tính đến chất lượng, lợi ích quốc gia. Phân cấp trong bối cảnh luật pháp chính sách còn chồng chéo, thiếu quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết, cụ thể và đồng bộ; thiếu nội dung phân cấp phù hợp với đặc thù của từng địa phương, vùng lãnh thổ”, ông Thu nói. 

Vẫn theo quan chức này, hiện các cơ quan chức năng chưa làm tốt cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, cùng với việc quy kết trách nhiệm, chế tài xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến phân cấp; cơ chế báo cáo, trao đổi thông tin giữa trung ương - địa phương, giữa các bộ, ngành. 

Với những bất cập trên, trong một nỗ lực nhằm hạn chế những tác động xấu của phân cấp, đã đưa ra một số giải pháp, được cụ thể hóa vào dự thảo nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả FDI, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và trình lên cho Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, một trong những “giải pháp” được đưa ra trong dự thảo liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đã không được lãnh đạo các tỉnh thành ủng hộ, thậm chí một số người đã cảm thấy “sốc”.

Theo dự thảo, một trong những phương án để “hoàn thiện cơ chế phân cấp” chính là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ “chủ trì, tổng hợp trình Thủ tướng chấp thuận đầu tư đối với các dự án có vốn trên 100 triệu USD; dự án thực hiện trên địa bàn hai tỉnh trở lên; dự án sử dụng trên 5 ha đất đối với đất đô thị và trên 50 ha đối với đất khác và một số loại dự án khác.

Nếu được thông qua, đây sẽ là một thay đổi rất đáng kể so với thực tế lâu nay.

Hiện tại, UBND các tỉnh thành được quyền cấp phép khá rộng rãi, thậm chí cho các dự án hàng tỷ USD mà không cần thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một sự điều chỉnh chính sách theo hướng thu hẹp quyền của UBND các tỉnh thành, trong khi mở rộng nhiều quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và dĩ nhiên là không được nhiều tỉnh thành ủng hộ.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, ông Dương Anh Điền, nói ông không thấy sự cần thiết nào phải thay đổi quy trình cấp phép hiện tại. “Tính từ thời điểm cấp phép đến nay, chúng tôi nhận thấy công việc đã và đang trở nên thuận lợi hơn nhiều. Quy định này là không cần thiết!”.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, nói rằng đây là một đề xuất cần “hết sức cân nhắc và không nên áp dụng”. “Đây là một thay đổi rất lớn về chính sách. Để đánh giá về phân cấp, phải tiến hành phân tích tổng kết tình hình và không nên thay đổi đột ngột như vậy”, ông nói.

Cùng chung quan điểm này, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng cần tiến hành tổng kết, nghiên cứu cụ thể tình hình hiện tại, lấy ý kiến các tỉnh thành và các nhà đầu tư thay vì đột ngột ban hành.

Một số ý kiến khác cho rằng chính sách này là "quay lại với thời kỳ trước đây".

Chưa rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ “tiếp nhận” các ý kiến đóng góp này như thế nào, cũng như sau đó Chính phủ sẽ quyết định như thế nào về vấn đề này. Tuy nhiên, theo cảm nhận của VnEconomy, các cuộc tranh luận xung quanh đề xuất này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chắc chắn sẽ nóng lên trong thời gian tới.