09:17 25/07/2008

Cắt giảm đầu tư công: “Không ép thì giờ cũng phải làm!”

Từ Nguyên

Khi lạm phát vẫn ở mức cao, việc cắt giảm đầu tư của các địa phương, doanh nghiệp là một tất yếu

"Chính lạm phát cùng với chính sách thắt chặt tín dụng đã đặt các doanh nghiệp vào thế là buộc phải cắt giảm một số dự án chưa cần thiết, nếu không muốn ngày càng lâm vào khủng hoảng."
"Chính lạm phát cùng với chính sách thắt chặt tín dụng đã đặt các doanh nghiệp vào thế là buộc phải cắt giảm một số dự án chưa cần thiết, nếu không muốn ngày càng lâm vào khủng hoảng."
Khi lạm phát vẫn ở mức cao, việc cắt giảm đầu tư của các địa phương, doanh nghiệp là một tất yếu.

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Học, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tình thế buộc cắt giảm

Nhiều ý kiến cho rằng, mặt trái của việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của nền kinh tế, thưa ông?

Đúng vậy, nhưng ở đây là chúng ta đang thực hiện cắt giảm trong ngắn hạn, trong giai đoạn nền kinh tế đang có lạm phát cao. Còn trong dài hạn thì không thể tiếp tục cắt giảm được.

Do vậy, trong tổng số hơn 30 nghìn tỷ đồng cắt giảm lần này, chúng tôi phân thành hai loại: đối với vốn ngân sách thì sẽ điều chuyển trong năm 2008. Còn đối với nguồn vốn là trái phiếu Chính phủ thì sẽ cắt giảm trong năm 2008, còn trong năm 2009-2010 thì sẽ thực hiện điều chuyển chứ không cắt giảm.

Kết quả rà soát cho thấy, có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã phải cắt giảm đầu tư tới hơn 50% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc cấp phép đầu tư của chúng ta quá dễ dãi, thưa ông?

Đối với việc cấp phép đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cơ chế thẩm định phê duyệt dự án. Do đó, tất cả các dự án muốn được cấp phép đều phải qua rất nhiều bước thẩm định, kiểm tra tính khả thi, tính hiệu quả… rồi cuối cùng mới được cấp phép, nên không thể có chuyện dễ dãi trong việc cấp phép được.

Tuy nhiên, việc có một số tập đoàn, tổng công ty phải cắt giảm tới hơn 50% tổng vốn đầu tư là do, khi phê duyệt dự án thì nền kinh tế chưa phải đối mặt với lạm phát cao như hiện nay.

Vì vậy, khi chúng ta có lạm phát thì bản thân các tập đoàn, các tổng công ty cũng đã ý thức được là cần phải cân nhắc đến việc cắt giảm, điều chuyển vốn cho những dự án chưa thật cần thiết, đồng thời họ cũng chấp hành khá nghiêm Quyết định 390 của Thủ tướng về sắp xếp lại kế hoạch đầu tư năm 2008.

Nhưng, điều đáng nói ở đây, chính là yêu cầu khách quan trong việc cắt giảm, đình hoãn của các tập đoàn. Chính lạm phát cùng với chính sách thắt chặt tín dụng đã đặt các doanh nghiệp vào thế là buộc phải cắt giảm một số dự án chưa cần thiết, nếu không muốn ngày càng lâm vào khủng hoảng.

Hay nói cách khác, Quyết định 390 của Thủ tướng chỉ là một căn cứ mang tính pháp lý để đôn đốc, giám sát việc cắt giảm đầu tư của các doanh nghiệp. Còn nếu không có nó thì các doanh nghiệp cũng phải… tự mình lo thân mình.

"Ưu tiên" cắt giảm đối với dự án khởi công mới

Việc cắt giảm đầu tư này đã ảnh hưởng như thế nào tới các địa phương và các doanh nghiệp, thưa ông?

Trên thực tế, việc cắt giảm đầu tư của các dự án chưa cần thiết đã tạo điều kiện để bổ sung nguồn vốn cho những dự án quan trọng và cần thiết như: các dự án năng lượng, thủy điện, xi măng…Do đó, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không phải lấy việc cắt giảm được nhiều dự án là mục tiêu hàng đầu.

Bên cạnh đó, đối với các dự án đã đến giai đoạn cần phải tập trung vốn để hoàn thành, những dự án liên quan đến xuất khẩu, giải quyết việc làm quy mô lớn thì cũng sẽ được ưu tiên vốn để có thể khai thác ngay.

Còn đối với các dự án nằm ngoài những nhóm trên thì phải căn cứ trên cơ sở hiệu quả đầu tư của dự án. Nếu dự án nào có hiệu quả cao thì cũng sẽ được triển khai và hỗ trợ vốn.

Vậy “số phận” của những dự án đã bị cắt giảm, đình hoãn sẽ được xử lý như thế nào để tránh sự lãng phí, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí, thiệt hại trong cắt giảm đầu tư thì trước hết phải nhằm vào các dự án khởi công mới.

Và trong quá trình kiểm tra, rà soát thì khu vực địa phương và các doanh nghiệp thì có đến 72% là dự án khởi công mới thuộc diện đình hoãn. Còn lại, hơn 20% là các dự án chuyển tiếp. Điều này đã cho thấy, lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã hết sức cân nhắc trong quá trình triển khai việc ngừng, hoãn và giãn tiến độ các dự án.

Do vậy, đối với những dự án chuyển tiếp thuộc diện cắt giảm thì trong vòng khoảng 1-2 tuần tới, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị, các địa phương về xử lý những vướng mắc và lên kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cho năm 2009.

Qua đợt rà soát việc đầu tư của các bộ ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, Bộ đã rút ra được bài học gì cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư cho những năm tới, thưa ông?

Tôi xin nhấn mạnh rằng, khi chúng ta chống lạm phát thì đương nhiên cần phải có thời gian để đưa nó về chỉ số thấp. Do đó, chúng ta phải tính tới mức độ đầu tư thấp nhất của dự án khởi công mới trong năm kế hoạch sắp tới.

Vấn đề thứ hai là tiếp tục thực thi chính sách kiểm soát chặt chẽ và hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng…

Đồng thời phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty như: kiểm soát tổng vốn vay hàng năm, số công ty con thành lập mới, tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành bao nhiêu…

Đó chính là những dữ liệu cần thiết cho việc xây dựng chính sách trong năm tới.