“Cắt giảm điều kiện kinh doanh còn đối phó, không thực chất”
Mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước mốc 31/10/2018 là một thách thức rất lớn
Chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.
Đó là nhận xét của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng đánh giá công tác cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, sáng 12/7.
Thách thức rất lớn
Theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả các bộ ngành liên quan đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh hiện có.
Nhưng cho đến tháng 6/2018, Chủ tịch VCCI cho biết mới chỉ có nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương là đã được ban hành, còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Thông tin VCCI có được là hiện nay các Bộ: Nông nghiệp vàp Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh.
Một số bộ có phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thông qua Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng là: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp. Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không có thông tin.
Như vậy, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước mốc 31/10/2018 là một thách thức rất lớn. Chưa kể quá trình soạn thảo nghị định, chờ thủ tục thông qua rất mất thời gian, Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Không có nhiều ý nghĩa
Đáng chú ý, theo VCCI thì chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.
Một số điều kiện được đơn giản hóa trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được tính là cắt, giảm đơn giản hóa nhưng thực chất các đề xuất cắt giảm này không có nhiều ý nghĩa, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng không đơn giản hơn là mấy, Chủ tịch VCCI nhận xét.
Ông Lộc nêu ví dụ cụ thể về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Quy định hiện hành về điều kiện là: "có hệ thống camera đáp ứng các tiêu chí sau: quan sát được các vị trí của các kho bãi, địa điểm. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ); dữ liệu về hình ảnh camera được lưu giữ tối thiểu 12 tháng; hệ thống camera được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý".
Phương án đề xuất đơn giản hóa đưa ra là: "có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được các vị trí trong cửa hàng miễn thuế vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ trong 12 tháng".
Có thể thấy, điều kiện trước khi được đơn giản hóa và điều kiện được đơn giản hóa là không thay đổi đáng kể. Và đề xuất này được tính là 1 điều kiện được đơn giản hóa, VCCI nhận xét.
Vẫn theo VCCI thì một số điều kiện được đề xuất bãi bỏ song không đi vào cốt lõi.
Chẳng hạn, hầu hết các điều kiện liên quan đến nhân thân như "có năng lực hành vi dân sự" đều được kiến nghị bãi bỏ trong nhiều phương án. Thực tế thì điều kiện này có cũng như không ,vì theo lẽ thông thường, doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động, sẽ phải chọn lựa những người đủ tuổi, bình thường về nhận thức chứ không ai lại tuyển dụng một người chưa đủ năng lực hành vi vào làm việc. Nhất là, điều kiện kèm theo của nhân thân thường là các bằng cấp chuyên môn. Để có được những loại bằng cấp này thì đương nhiên họ phải có "năng lực hành vi dân sự". Do vậy, dù được nêu là bãi bỏ thì mức độ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng là không đáng kể.
Tính cải cách trong các phương án rà soát, theo đánh giá của VCCI chưa thực sự triệt để. Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong nghị định. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong luật.
Đây được xem là một hạn chế không hề nhỏ trong hoạt động rà soát. Bởi vì, nghị định chỉ là văn bản chi tiết hóa các điều kiện đã có trong luật, dù sửa như thế nào cũng không thể vượt qua được luật. Trong khi, rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý có trong luật cần được đánh giá để bãi bỏ hoặc sửa đổi. Điều này khiến tính cải cách trong các phương án rà soát chưa thực sự triệt để, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Vẫn khác biệt về quan điểm
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng dường như vẫn có sự khác biệt về quan điểm giữa các bộ trong việc sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Nếu rà soát theo cùng một tiêu chí, thì các điều kiện kinh doanh có tính chất tương tự nhau sẽ được đánh giá tương tự nhau để đưa ra đề xuất cắt giảm, hay đơn giản hóa. Tuy nhiên, khi xem xét các phương án của các bộ, thì lại thấy có một số điều kiện kinh doanh có tính chất tương tự nhau, nhưng quan điểm cắt giảm, đơn giản hóa của bộ là khác nhau.
Chẳng hạn, điều kiện về "vốn pháp định". Yêu cầu về vốn pháp định thường áp dụng đối với những ngành, nghề mà yếu tố vốn tác động trực tiếp đến các lợi ích công cộng quan trọng, theo diện rộng. Ví dụ như ngân hàng thì "tiền" là sản phẩm giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng và đây là yếu tố ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng cũng như sự ổn định của kinh tế - xã hội.
Trong hệ thống pháp luật kinh doanh hiện hành, rất nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu về "vốn pháp định", mặc dù bản chất của ngành, nghề đó không có tính chất đặc thù để yêu cầu về vốn.
Trong đợt rà soát lần này, nhiều điều kiện liên quan đến vốn đã được xem xét, trong đó có nhiều điều kiện đã được đề xuất bỏ. Ví dụ kinh doanh dịch vụ nhập khẩu pháo hiệu hàng hải, phương án đưa ra đề xuất bỏ điều kiện "khi thành lập phải có số vốn tổi thiểu 2 tỷ đồng và duy trì trong suốt quá trình hoạt động" cũng như các điều kiện kinh doanh khác.
Trong khi đó, nhiều ngành, nghề kinh doanh, mặc dù vốn không phải là yếu tố đặc thù, nhưng vẫn được giữ lại với những đề xuất đơn giản hóa. Như "kinh doanh dịch vụ đòi nợ", điều kiện "mức vốn pháp định … là hai tỷ đồng.
Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định". Điều kiện này đã được đề xuất đơn giản hóa là bỏ cụm từ "Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định" và sửa "vốn pháp định" thành "vốn điều lệ".