CEO Techcombank: Nếu đầu tư ngắn hạn, đừng bỏ tiền vào đây
“Tôi từng nói với các nhà đầu tư lớn nước ngoài rằng: nếu chỉ lướt sóng 1 năm thì đừng bỏ tiền vào Techcombank, thay vào đó, nếu đầu tư hãy xác định tầm nhìn 3 - 5 năm"
Sáng 13/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Vấn đề giữ lại cổ tức năm 2018 đặc biệt gây chú ý đối với các cổ đông.
Trao đổi câu chuyện trên với VnEconomy, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc (CEO) Techcombank nói "năm ngoái ra nước ngoài đàm phán với các đối tác lớn, tôi nói thẳng: nếu các ông muốn mua đi bán lại trong vòng 1 năm thì thôi đi; nếu các ông cam kết giữ cổ phiếu trong 3 - 5 năm thì chúng tôi mới bán".
Sau nhiều năm giữ lại cổ tức, đến 2017, Techcombank mới chia và 2018, ngân hàng lại không chia, ông nói gì về vấn đề này?
Thực ra, nếu cổ đông giữ cổ tức dài hạn thì giá trị ngân hàng luôn đi lên và ngược lại, nếu ngân hàng không có khả năng đầu tư thêm thì việc chia cổ tức là đương nhiên.
Phải thấy, lợi nhuận của Techcombank trong nhiều năm liền luôn tăng trưởng 20% mỗi năm. Điều này có được là do nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố cổ tức được giữ lại. Hơn nữa, nếu cổ đông lấy cổ tức bằng tiền thì liệu có đảm bảo lợi nhuận mỗi năm 20% hay không?
Mặt khác, những người nắm giữ cổ phiếu Techcombank trong thời gian qua cũng đã đạt mức lời tới 5 lần so với 3 năm trước. Tôi từng nói với các nhà đầu tư lớn nước ngoài rằng: nếu chỉ lướt sóng 1 năm thì đừng bỏ tiền vào Techcombank, thay vào đó, nếu đầu tư hãy xác định tầm nhìn 3 - 5 năm.
Các ngân hàng lớn của Malaysia, Ấn Độ, cứ mỗi năm họ lại tăng giá trị gấp đôi; tính chung trong 20 năm gần đây, giá trị các ngân hàng này đã tăng 10 - 20 lần và tăng đều.
Thực tế cho thấy, bên cạnh ý kiến các cổ đông muốn chia cổ tức thì cũng không ít cổ đông lớn muốn ngân hàng tiếp tục tăng vốn để mở rộng đầu tư. Những ý kiến muốn chia cổ tức là do họ chưa hiểu hết tầm nhìn và những mục tiêu dài hạn mà ngân hàng theo đuổi.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển tải mạnh mẽ hơn thông điệp "đầu tư dài hạn" ra bên ngoài để nhà đầu tư có được bức tranh toàn cảnh cũng như giá trị cốt lõi "dài hạn" mà ngân hàng đang theo đuổi.
Ông cho rằng, không lấy cổ tức tiền mặt thì lợi nhuận của cổ đông được hưởng 20% vẫn giữ lại ở ngân hàng; tuy nhiên, thị giá cổ phiếu của Techcombank đang đi xuống thì lợi ích cổ đông được ghi nhận như thế nào?
Giá thị trường cổ phiếu luôn dựa vào cung và cầu. Bộ phận quan hệ với nhà đầu tư và đối tác của Techcombank làm việc chưa được như mong muốn nên chưa giải quyết được câu chuyện giá trị cổ phiếu Techcombank phải như thế nào, bao gồm: cung cầu cổ phiếu của bên nắm giữ muốn chốt lời và bên muốn mua nắm giữ lâu dài.
Vấn đề ở đây không chỉ là 20% lợi nhuận mỗi năm mà nó có thể hơn nữa khi xác lập được giá trị ngân hàng trong một tổng thể đầu tư dài hạn, nền tảng tài chính vững chắc.
Các bạn có thể kiểm chứng rõ điều này qua ví dụ sau: 2 năm qua, số người dùng trực tuyến các tiện ích ngân hàng tăng gấp 10 lần mà không xảy ra hiện tượng ngưng trệ. Chúng tôi phải dành ra không ít tài chính và phải đầu tư tới 3 năm.
Theo quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nếu ngân hàng đang có nợ xấu nhiều ở VAMC thì không nên chia cổ tức. Điều này có thể không nhận được sự đồng thuận của cổ đông. Tuy nhiên, nếu nợ xấu vẫn cao mà vẫn chia cổ tức thì cổ đông có thể đầu tư vào đâu để đạt mức lợi nhuận 20% mỗi năm như ở Techcombank? Nếu lấy cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông đang làm cho ngân hàng yếu đi chứ không phải mạnh thêm.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, CEO Techcombank
Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 của Techcombank khoảng 13%, ngân hàng giải quyết bài toán lợi nhuận tổng thể như thế nào trong khi hạn mức năm ngoái gần 20%, thưa ông?
Dĩ nhiên Ban điều hành Techcombank không thể đưa ra kế hoạch ngược với hạn mức Ngân hàng Nhà nước đã giao. Giống như tình trạng chung của hệ thống tổ chức tín dụng, Techcombank cũng đang gặp những vấn đề như: phải xử lý nợ xấu của nhiều năm trước và gắn với đó là trích lập, dự kiến nợ xấu trong năm nay để dự trữ trích lập, hạn mức tăng trưởng tín dụng bị thu hẹp. Thành thử, phải tăng nguồn thu từ phí thôi.
Chúng ta biết rằng, có những dịch vụ khách hàng sẵn sàng trả phí để được hưởng, và một số loại phí khác mà khách hàng cho là họ phải được miễn phí nên không cảm thấy thoải mái khi phải chi trả. Quan trọng là hiểu khả năng tài chính và nhu cầu của khách hàng.
Chúng tôi đã có những nghiên cứu chuyên sâu về khách hàng để hiểu đâu là những phí dịch vụ nên tập trung làm cho tốt. Chúng tôi miễn phí mọi giao dịch chuyển khoản điện tử qua ngân hàng điện tử đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp qua chương trình E-Banking 0 đồng, vì đây là phí mà khách hàng không hài lòng khi chi trả.
Techcombank chỉ thu phí với những dịch vụ mà khách hàng sẵn sàng trả, ví dụ như phí tư vấn đầu tư, phí tư vấn những khách hàng doanh nghiệp lớn khi các công ty cần huy động vốn qua trái phiếu.... Những dịch vụ tư vấn của Techcombank mang lại giá trị lớn cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng thành công và được khách hàng sẵn sàng chi trả, cũng đồng thời mang lại nguồn thu từ phí dồi dào cho Techcombank.
Hay như, tư vấn mua nhà, mua bảo hiểm, tư vấn cho công ty lớn (cách huy động vốn, quản lý dòng tiền hiệu quả…) thì họ rất sẵn sàng. Khi kéo được lượng khách lớn này về phía mình, chúng tôi sẽ tạo ra một dòng thu nhập lớn nhờ các giá trị gia tăng. Nhiều năm qua, ngân hàng tập trung đào tạo nhân lực để tư vấn tốt cho khách hàng lớn, từ đó tạo ra nguồn thu.
Hiện tại, nguồn thu từ phi lãi/tổng doanh thu của Techcombank lên tới 40%, mức rất cao so với hệ thống trong nước, thậm chí so với các nước trên thế giới. Hết 2020, tỷ lệ phí/tổng doanh thu dự kiến lên tới 50%, và cho dù chu kỳ kinh tế lên xuống như thế nào, nguồn thu này vẫn ổn định.
Lộ trình thực hiện basel II ở Techcombank như thế nào và ông kỳ vọng gì về "món quà" từ Ngân hàng Nhà nước sau khi vượt qua vách ngăn này?
Không, chúng tôi không hy vọng gì về "quà" của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi nắm được thông điệp từ nhà điều hành là những ngân hàng đạt tiêu chuẩn basel II, sẽ được quyền tự mình quản lý dư nợ dựa trên hệ số an toàn vốn.
Điều này không quá khó khăn với Techcombank vì chúng tôi biết hệ số an toàn vốn của mình đến đâu, minh bạch với cơ quan giám sát và thị trường. Các báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn thế giới được công bố đúng giờ, ngày và gần như tự động hoá.
Từ giữa tháng 3/2019, báo cáo basel II của Techcombank đã được trình lên Ngân hàng Nhà nước và dự kiến sẽ được thông qua sau vài ba tháng.
Sau khi được chấp nhận hoàn thành basel II thì mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank dự kiến là bao nhiêu, thưa ông?
Tôi e là nói trước, bước không qua. Tuy nhiên, dựa trên quá trình tăng trưởng tín dụng những năm trước thì mức tăng tín dụng sau khi hoàn thành basel II sẽ không thấp hơn so với năm trước.
Hiện tại, chỉ số an toàn vốn của Techcombank rất cao so với trong nước và khu vực, ước 14% - 15%. Đó là một lợi thế cạnh tranh so với phần lớn còn lại.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 10.600 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm trước, hệ số an toàn vốn đạt 14,3%, tương đương yêu cầu basel II. Đại hội đồng cổ đông đã thông qua các chỉ tiêu 2019: lợi nhuận trước thuế 11.750 tỷ đồng (tăng 10%); tổng tài sản: 375.821 tỷ đồng và tín dụng: 245.366 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt 17% và 13% so với 2018; nợ nhóm 3 - 5 thấp hơn 2,5%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 11.750 tỷ đồng.
Nguồn: Techcombank