10:57 21/08/2008

Chắc chắn sẽ “cứu” được cá tra!

Hưng Văn

Cơ quan chức năng cho biết, đến cuối tháng 8, chắc chắn sẽ tiêu thụ hết nguồn hàng cá tra, basa ở ĐBSCL

Sản xuất cá tra, basa ở ĐBSCL.
Sản xuất cá tra, basa ở ĐBSCL.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết đến cuối tháng 8, các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ hết lượng cá tra, ba sa tồn đọng và đang tới lứa cỡ 1 kg tại ĐBSCL.

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có cuộc trò chuyện với phóng viên xung quanh thông tin này.

Thưa ông, như vậy việc “bơm tiền” để cứu con cá tra, ba sa có thể coi như đã thành công?

Giá xuất khẩu bình quân 1 kg thành phẩm cá tra, basa trong năm 2007 là 2,7 USD/kg, nhưng trong 5 tháng đầu năm 2008 đã hạ xuống chỉ còn 2,33 USD/kg, bước vào tháng 6 lượng cá tra còn tồn đọng chưa tiêu thụ được theo báo cáo của Cục Nuôi trồng thủy sản là 170.000 tấn.

Trước tình hình trên, ngày 1/6/2008 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành mở cuộc họp trực tuyến với UBND và các doanh nghiệp 8 tỉnh vùng ĐBSCL bàn việc tiêu thụ hết lượng cá tra tồn đọng, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững.

Bên cạnh việc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rót vốn để các ngân hàng thương mại vay đủ tiền mua cá, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam nghiên cứu cơ chế thực hiện các chương trình đầu tư quy hoạch, con giống trong phát triển sản xuất con cá tra, ba sa, phù hợp với bối cảnh Việt Nam đã là thành viên Tổ chức WTO.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng đầu tiên, các ngân hàng đã cho các doanh nghiệp và các hộ nuôi cá tra vay 1.139 tỷ đồng để mua cá tồn đọng, giữ đàn. Đến ngày 17/7, các ngân hàng được bổ sung thêm nguồn vốn vay 400 tỷ đồng để mua cá, Các tỉnh nhiều sản lượng là An Giang, Đồng Tháp được bổ sung thêm nguồn vốn vay 300 tỷ đồng. Đến ngày 20/7, lượng cá tồn đọng chỉ còn 120.000 tấn.

Đến giữa tháng 8, lượng cá tồn đọng và tới lứa 1 kg chỉ còn khoảng 90.000 tấn. Nhiều thị trường mới như ở Nga, Trung Đông, một số nước châu Á đang tăng nhập khẩu, tiêu thụ cá tra, basa Việt Nam. Các nhà máy chế biến hiện tăng gấp đôi công suất hoạt động.

Đến cuối tháng 8, chắc chắn sẽ tiêu thụ hết nguồn hàng.

Người nuôi các nơi cho biết hiện phải bán cá tra nguyên liệu dưới giá thành, một số bán xong đã “treo ao”, không dám nuôi tiếp. Về lâu dài, phải làm sao để sản xuất cá tra, ba sa ăn chắc có lãi, thưa Thứ trưởng?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ phê duyệt quy họach phát triển nuôi cá tra, ba sa có tính đến yếu tố cân bằng sinh thái của hai dòng sông Tiền, sông Hậu. Các nhà máy cũng đang phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng, chế biến các phụ phẩm từ con cá tra như mỡ cá, dầu bio diesel, bột cá để thu thêm nhiều lợi nhuận.

Cá tra, ba sa là sản phẩm đặc biệt mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng châu thổ sông Cửu Long, nên chúng ta phải biết gìn giữ và khai thác đúng mức nguồn lợi này. Theo thông lệ, châu Âu cũng như các nước phát triển trên thế giới, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 trở đi, mức tiêu thụ thực phẩm thủy hải sản các loại sẽ gia tăng.

Có quy hoạch, nguồn nguyên liệu sẽ phát triển có kiểm soát, không lo thiếu hụt.

Cả nước có đến 168 doanh nghiệp có tham gia xuất khẩu sản phẩm cá tra, ba sa nhưng chỉ có 57 doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Dư luận cho rằng việc cạnh tranh bừa bãi đã làm giảm giá bán và chất lượng sản phẩm. Thứ trưởng có ý kiến gì để chất lượng và giá trị sản phẩm cá tra, ba sa ngày càng tăng cao?

Cá tra, ba sa được tự do kinh doanh, nên các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

Gần đây, một số hiệp hội, doanh nghiệp ở các nước châu Âu phản ánh với bộ về sản phẩm kém chất lượng, filet bị bơm nước vào cho nặng! Có nơi dọa nếu cứ để tình trạng này tái diễn, họ sẽ tẩy chay không nhập khẩu nữa. Chất lượng và thương hiệu sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam đã trở thành vấn đề của quốc gia, nên cần phải có sự can thiệp của Nhà nước.

Tôi đã đề nghị 5 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này thống nhất với nhau về giá sàn xuất khẩu ở mức cao nhất để các doanh nghiệp khác lấy đó làm chuẩn. Nơi nào phá giá, chào bán giá quá thấp chắc phải có mẹo gian lận. Là Cục trưởng Nafiqad, tôi sẽ chỉ đạo thường xuyên kiểm tra chất lượng. Nơi nào vi phạm, gian lận về chất lượng, tùy mức độ sẽ bị cảnh cáo hoặc rút giấy phép xuất khẩu.