09:36 10/06/2008

“Bơm” tiền cứu cá

Đình Nam

Kết quả thực hiện các biện pháp cấp bách để thu mua hàng trăm nghìn tấn cá tra, cá ba sa đang tồn đọng ở ĐBSCL

ĐBSCL đang thừa cá tra, cá ba sa.
ĐBSCL đang thừa cá tra, cá ba sa.
Tình hình tiêu thụ cá cá tra, cá ba sa vẫn rất chậm với những khó khăn chủ yếu: giải ngân chậm, nhu cầu vốn để thu mua cá tồn đọng lớn hơn lượng tiền cho vay, lãi suất cao nên không hấp dẫn được doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh đó, lại là mối lo thiếu cá nguyên liệu vào tháng 9 tới đây.

Ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về kết quả thực hiện các biện pháp cấp bách để thu mua hàng trăm nghìn tấn cá đang tồn đọng trong dân.

Báo cáo của Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện các tỉnh ĐBSCL còn tồn đọng trên 170.000 tấn cá, trong đó chỉ riêng cá quá lứa, quá cỡ là 95.000 tấn và chỉ riêng lượng cá này cũng cần khoảng 1.400 tỷ đồng để thu mua.

Vì vậy, vốn vẫn là vấn đề cấp bách nhất hiện nay trong khi tiến độ giải ngân "gói tín dụng" 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đạt 24,5 tỷ đồng.

Phó chủ tịch tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho biết, dù tỉnh đã có kế hoạch giải ngân 200 tỷ đồng trong đó cho doanh nghiệp vay 135 tỷ đồng, người nuôi cá vay 35 tỷ đồng song khối lượng doanh nghiệp thu mua mới chỉ đạt 1.000/20.000 tấn cá tồn đọng. ở Bến Tre có 13.000 tấn cá quá lứa và 15.000 tấn sắp đến kỳ thu hoạch nhưng tuần qua người nuôi chỉ xuất bán được 2.000 tấn.

Tình hình trên cũng diễn ra tương tự tại các tỉnh ĐBSCL khác, thậm chí như tại Tiền Giang, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền tín dụng để triển khai thu mua cá cho người dân, hay các doanh nghiệp chế biến ở Đồng Tháp chủ yếu thu mua cá trong hợp đồng mà bỏ qua những hộ nuôi nhỏ lẻ.

Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoàn nêu thực tế là cá tồn đọng trên địa bàn tỉnh còn khoảng 40.000 tấn cá trong đó quá lứa, quá cỡ chiếm 60%; tuy nhiên, khả năng tiêu thụ trong tháng 6-7/2008 chỉ đảm bảo lượng cá trong hợp đồng.

Vì vậy, ông Hoàn đề nghị cho phép Đồng Tháp cân đối lại nguồn vốn cho các doanh nghiệp vay trên cơ sở thẩm định lại chính sách thu mua, khả năng tồn trữ của từng doanh nghiệp nhằm đảm bảo có thể thu mua cá cho những hộ nuôi nhỏ lẻ, không ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Bên cạnh khó khăn về vốn, mức lãi suất tín dụng của khoản vay 1.000 tỷ đồng cũng gây băn khoăn lớn cho doanh nghiệp. Theo Phó chủ tịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, nguồn vốn thì không thiếu cho doanh nghiệp vay nhưng vấn đề còn lại là lãi suất quá cao nên các doanh nghiệp còn e dè trong việc tiếp nhận vốn tín dụng.

Vì vậy, Cần Thơ còn 50.000 tấn cá, trong đó có 20.000 tấn quá cỡ, với tốc độ mua cầm chừng như hiện nay, khó khăn do tồn đọng cá sẽ chưa được giải quyết cơ bản. Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Nam Việt Doãn Tới cho biết, doanh nghiệp có thể từ chối nguồn tiền vay của Chính phủ do lãi suất hiện nay quá cao và họ có thể huy động được vốn từ những nguồn khác với lãi suất thấp hơn.

Đáng chú ý, mặc dù đang phải giải quyết tình trạng dư thừa cá tra, cá ba sa song nhiều ý kiến đã bắt đầu cảnh báo về tình trạng thiếu nguyên liệu từ sau tháng 7/2008 do người dân "treo lồng, treo ao" sau khi bán cá ngày càng nhiều. Ông Doãn Tới cho rằng tình trạng đói nguyên liệu có thể đẩy giá cá lên mức 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: khó khăn lớn nhất là vốn cho doanh nghiệp, vốn cho người nuôi cá đã dược giải quyết thông qua gói tín dụng 1.000 tỷ cũng như chủ trương Ngân hàng Nhà nước huy động thêm vốn từ nhiều nguồn khác nhau, vấn đề là các địa phương cần triển khai nhanh chóng và quyết liệt hơn.

Quan trọng nhất lúc này là đẩy mạnh thu mua, đặc biệt là thu mua loại cá quá cỡ của dân, từng bước nâng giá thu mua, giảm lỗ cho người dân. Ông Phát đề nghị VASEP khẩn trương xây dựng khung giá sàn khi thu mua, xuất khẩu các sản phẩm cá tra, cá ba sa cũng như cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi cá.