06:51 24/11/2008

Chân dung tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ

Kiều Oanh

Người được chọn đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ là một người trẻ, có tài, khiêm tốn và có kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng

Ông Timothy Geithner (ngoài cùng bên phải) trong một lần tham dự họp báo cùng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke (giữa) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson.
Ông Timothy Geithner (ngoài cùng bên phải) trong một lần tham dự họp báo cùng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke (giữa) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson.
Ngày 21/11, thị trường chứng khoán Mỹ đã khởi sắc mạnh mẽ sau khi có tin Tổng thống đắc cử Barack Obama chọn ông Timothy Geithner, đương kim Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại New York, vào ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các mới.

Lý do mà Phố Wall tỏ ra vui mừng trước thông tin này là giới đầu tư tin tưởng rằng, ông Geithner là một nhân vật có khả năng đưa thị trường tài chính Mỹ vượt qua được cơn sóng gió tồi tệ nhất từ Đại khủng hoảng 1930 tới nay.

Ông Geithner là một nhân vật chưa từng làm việc ở Phố Wall, nhưng đã có quan hệ mật thiết với ngành tài chính Mỹ và giành được sự kính trọng của ngành này, cũng như của giới làm luật và các nhà chức trách khác ở Mỹ. Ông cũng là người có kinh nghiệm trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế cấp quốc tế.

Trẻ, tài năng và khiêm tốn

Năm nay mới 47 tuổi, ông Geithner bằng tuổi với Tổng thống đắc cử Obama. Sinh nhật ông Geithner trước sinh nhật của ông Obama đúng hai tuần.

Được đánh giá là một con người tài năng nhưng khiêm tốn, ông Geithner hiện đang đảm nhận một trong những công việc được coi là quan trọng nhất ở Mỹ, nhưng lại ít nổi tiếng, là chức Chủ tịch FED bang New York. Ông cũng là một Phó chủ tịch của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) trong FED, bộ phận quyết định lãi suất cơ bản đồng USD.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, ông Geithner đóng một vai trò trung tâm trong những hầu hết mọi nỗ lực của FED nhằm ngăn chặn những tác động khủng khiếp của “bão” tài chính, từ vụ dàn xếp để JPMorgan Chase mua lại ngân hàng đầu tư Bear Stearns tới vụ giải cứu tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG và những nỗ lực bất thành trong việc cứu Lehman Brothers khỏi phá sản. Ông cũng tham gia vào việc FED ra quyết định về mở cửa chương trình cho vay lãi suất ưu đãi của FED với các ngân hàng đầu tư để duy trì thanh khoản cho hệ thống tài chính.

“Ông Geithner nhận được sự kính trọng cao của giới tài chính và là một lãnh đạo có suy nghĩ sâu sắc và hiệu quả trong cuộc khủng hoảng hiện nay”, ông Robert Nichols, người đứng đầu Diễn đàn Dịch vụ tài chính ở Washington, đồng thời là một cựu phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ, nhận xét.

Bên cạnh đó, ông Geithner có tiếng là một người có tính tình điềm đạm, ôn hòa, nhưng cũng là một con người của hành động, dám có những bước đi cứng rắn và chịu trách nhiệm về hành động của mình. “Ông ấy rất có uy tín”, cựu Thống đốc FED Lyle Gramley, một người không có quan hệ cá nhân với ông Geithner, cho biết.

Ở thời kỳ đầu của sự nghiệp, ông Geithner từng làm nghiên cứu cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger. Ông được ông Kissinger cho là một người “cực thông minh” và có khả năng chiếm ưu thế bằng sức mạnh lập luận”, thay vì chỉ bằng uy tín. Một số người cho rằng, với những ưu điểm này, ông Geithner có thể tránh được những sai lầm trong việc diễn thuyết, nếu không muốn nói là trong chính sách, mà ông Henry Paulson đã mắc phải trong thời gian gần đây.
 
Một cựu quan chức khác từng làm việc trong Bộ Tài chính Mỹ, ông Brad Setser, người từng có thời gian ngắn làm việc với ông Geithner tại Bộ này và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì cho biết, ông Geithner có “mức độ tự tin cao nên có thể giao tiếp hiệu quả với đám đông công chúng”. Ông Setser cũng nhận xét, ông Geithner đặc biệt xuất sắc trong việc nhìn xa trông rộng, “lường trước được thế giới sẽ ra sao trong vòng 3 hay 6 tháng tới” và chính sách có thể được điều chỉnh thế nào cho hợp lý.

Ở một phương diện nào đó, ông Geithner là người từng được nâng đỡ bởi chính đối thủ của ông trong việc giành ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các của Tổng thống đắc cử Obama - ông Lawrence Summers, một cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính thời cựu Tổng thống Bill Clinton, đồng thời là một cựu Chủ tịch của Đại học Harvard.

Tuy nhiên, ông Geithner đã thoát ra khỏi cái bóng của ông Summers và chứng minh được khả năng tự giải quyết vấn đề của mình. Về phần mình, ông Summers sẽ là người được ông Obama chọn vào ghế người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng. Thậm chí, có nguồn tin cho hay, ông Summers có thể sẽ là người được chọn làm Chủ tịch tiếp theo của FED, thay thế ông Ben Bernanke khi nhiệm kỳ của ông Bernanke kết thúc vào năm 2010.

Theo dự kiến, thông báo chính thức về đội ngũ các quan chức kinh tế của ông Obama sẽ được đưa ra vào ngày thứ Hai 24/11 theo giờ Mỹ.

Chức vụ quan trọng nhất

Các cuộc điều tra được tiến hành đều cho thấy, với thực tế kinh tế Mỹ có thể hoặc đã rơi vào một thời kỳ suy thoái tồi tệ và khủng hoảng tài chính vẫn lan rộng, chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ là chức vụ quan trọng nhất, nhưng cũng là công việc khó khăn nhất trong nội các mới.

Một cuộc điều tra của hãng tin CNN cho thấy, 41% người Mỹ cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thời Tổng thống Obama sẽ là nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất tới tương lai của nước Mỹ, so với tỷ lệ 25% dành cho chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và 24% của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Geithner sẽ chịu trách nhiệm về việc lập lại trật tự trên thị trường tài chính, trong hệ thống ngân hàng và thị trường nhà đất, thông qua việc sử dụng số tiền còn lại của kế hoạch 700 tỷ USD. Hiện vẫn còn lại một nửa số tiền này và tân Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ là người toàn quyền quyết định kế hoạch sử dụng.

Với tuyên bố gây sốc là sẽ không dùng số tiền còn lại của kế hoạch 700 tỷ USD để mua tài sản xấu như dự kiến ban đầu của đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson, thông tin quyền lực của người đứng đầu Bộ Tài chính sẽ được chuyển giao cho ông Geithner đã được thị trường phản ứng tích cực. Giới quan sát cho rằng, thông tin này đã bắt đầu giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.

Mặc dù không phải là một người thích diễn thuyết trước đám đông, nhưng ông Geithner tỏ ra rất ủng hộ việc thắt chặt các quy chế đối với hệ thống tài chính. Ông được coi là một trong số ít những người có thể gỡ rối “mớ bòng bong” trên thị trường hoán đổi khả năng vỡ nợ tín dụng (CDS) - một loại chứng khoán nhằm bảo hiểm khả năng vỡ nợ của một tổ chức phát hành trái phiếu, vốn được coi là nhân tố làm gia tăng bất ổn của thị trường.

Mục tiêu của ông là thành lập một công ty thanh lý CDS trung tâm để kiểm soát số lượng và bảo lãnh cho loại chứng khoán này.

Ngoài ra, ông Geithner cũng sẽ là người dẫn đầu những nỗ lực quốc tế trong việc cải tổ các quy tắc của hệ thống tài chính toàn cầu vốn đã phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, với những nghiệp vụ rủi ro như chứng khoán hóa, dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.

Giới quan sát trên thị trường rất hoan nghênh việc ông Geithner được bổ nhiệm vào ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính. “Tôi hy vọng ông ấy sẽ hành động khẩn cấp ở mức cần thiết để giải quyết tình hình hiện nay. Tôi cũng hy vọng là ông ấy sẽ sáng tạo hơn nhiều so với ông Paulson”, nhà phân tích Ward McCarthy trong công ty nghiên cứu kinh tế và trái phiếu Stone & McCarthy Research Associates nói.

Nhược điểm và kinh nghiệm quốc tế

Nhược điểm của ông Geithner là không có trình độ cao về lĩnh vực kinh tế học như những người tiền nhiệm của ông. Với tấm bằng cử nhân về nghiên cứu chính phủ và châu Á từ Đại học Darthmouth và bằng thạc sỹ kinh tế quốc tế và Đông Á từ Đại học Johns Hopkins, ông Geithner có lẽ không phải là một kinh tế gia theo đúng nghĩa của từ này.

Ông cũng không phải là một lãnh đạo của Phố Wall hay lãnh đạo doanh nghiệp theo “truyền thống” gần đây của các bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ khác. Không ít bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, trong đó có đương kim Bộ trưởng Henry Paulson, đã từng là những gương mặt xuất chúng ở Phố Wall. Ông Paulson trước đây là CEO của tập đoàn Goldman Sachs.

Tuy nhiên, bù lại, ông Geithner có kinh nghiệm trong việc giải quyết những cuộc khủng hoảng kinh tế có quy mô quốc tế.

Năm 1988, ở tuổi 27, ông bắt đầu làm việc tại bộ phận quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ. Sau đó, ông trở thành trợ lý số một của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó là ông Summers. Ở vị trí này, ông đóng vai trò hậu trường trong  những phản ứng của Chính phủ Mỹ trước cuộc khủng hoảng châu Á thời kỳ 1997 - 1998, cũng như ngăn chặn khả năng vỡ nợ khi đó của Mexico.

Sau đó, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, một vị trí vẫn thường giành cho các ứng cử viên là chính trị gia.

Năm 2001, ông trở thành Giám đốc của Vụ Nghiên cứu và Phát triển Chính sách thuộc IMF. Năm 2003, ông tới làm việc tại FED New York và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch từ đó đến nay.

Sinh trưởng tại New York, nhưng ông Geithner đã từng sống tại châu Phi, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản.

(Theo CNN, Business Week, Bloomberg)