07:30 22/11/2008

Chứng khoán Mỹ “bật dậy” sau tin vui

Duy Cường

Ngày 21/11, thị trường bất ngờ tăng hơn 6% sau khi Obama công bố tên người sẽ đứng đầu ngành tài chính Mỹ

Trong vòng 1 tiếng, giới đầu tư đã tăng mạnh mua vào đẩy cả ba chỉ số tăng vọt lên trên 6% giá trị. Đây là phiên tăng điểm ấn tượng và bất ngờ nhất của chứng khoán Mỹ trong tháng 11 - Ảnh: AP.
Trong vòng 1 tiếng, giới đầu tư đã tăng mạnh mua vào đẩy cả ba chỉ số tăng vọt lên trên 6% giá trị. Đây là phiên tăng điểm ấn tượng và bất ngờ nhất của chứng khoán Mỹ trong tháng 11 - Ảnh: AP.
Ngày 21/11, thị trường bất ngờ tăng hơn 6% sau khi Obama công bố tên người sẽ đứng đầu ngành tài chính Mỹ.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống đắc cử Barack Obama đã bổ nhiệm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang tại New York, ông Timothy Geithner - 47 tuổi, nắm giữ vị trí người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ trong nhiệm kỳ bắt đầu từ ngày 20/1/2009.

Theo nguồn tin từ phía đảng Dân chủ, ông Obama cũng có thể cân nhắc bổ nhiệm ông Lawrence Summers - nguyên là Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, lên nắm giữ vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) khi nhiệm kỳ của ông Ben Bernanke kết thúc vào năm 2010.

Bên cạnh đó, thượng nghị sỹ bang New York, bà Hillary Clinton cũng được ông Obama bổ nhiệm vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ.

Chỉ số Dow Jones tái lập mốc 8.000 điểm

Chứng khoán Mỹ mở cửa ở ngưỡng cao hơn phiên trước đó, thị trường rơi vào ảm đạm khi biên độ tăng giảm từ 9 giờ sáng (giờ địa phương) đến 15 giờ chiều chỉ trong khoảng +/-1%.

Tuy nhiên, sau khi kênh truyền hình NBC công bố thông tin ông Timothy Geithner được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu ngành tài chính Mỹ, thì thị trường đã có sự bứt phá ngoạn mục.

Trong vòng 1 tiếng, giới đầu tư đã tăng mạnh mua vào đẩy cả ba chỉ số tăng vọt lên trên 6% giá trị. Đây là phiên tăng điểm ấn tượng và bất ngờ nhất của chứng khoán Mỹ trong tháng 11.

Trong bối cảnh “xung quanh đều là tin xấu” thì việc công bố thông tin này đã là điểm hỗ trợ vững chắc về mặt tâm lý cho giới đầu tư ở Phố Wall.
 
Có thể phiên tăng điểm này chỉ là phản ứng tức thời sau khi thị trường đã liên tục giảm điểm trong thời gian qua, bởi các giải pháp để ứng cứu ngành tài chính đều không có tác dụng như kỳ vọng.

Giới đầu tư đang kỳ vọng, với kinh nghiệm làm việc trên cương vị Chủ tịch FED bang New York, ông Timothy Geithner sẽ có đủ khả năng để đảm nhận tốt vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng này.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu khối năng lượng bất ngờ tăng mạnh khi chỉ số S&P Năng lượng lên 11,7%, trong đó cổ phiếu của Exxon Mobil tăng 10,7%, Chevron lên 9,5%. Cổ phiếu khối công nghệ cũng tăng vọt khi cổ phiếu của Microsoft tiến thêm 12,3%, cổ phiếu HP tăng 8,83%, cổ phiếu Yahoo lên 4,92%.

Trong một nhận định của mình, Giám đốc điều hành Quỹ Phòng hộ Eclectica Asset Management, ông Hugh Hendry cho rằng tất cả các tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ sẽ được quốc hữu hóa trong 1 năm tới bởi vì tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Nhận định này được cho là sát thực với tình hình thực tế, khi mà giới truyền thông Mỹ vừa loan báo về khả năng Citigroup đang cân nhắc việc bán bớt tài sản của mình hoặc sáp nhập để tồn tại. Ban lãnh đạo ngân hàng này vẫn đang nhóm họp để tìm ra giải pháp tối ưu cho sự tồn tại của ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ, xét về mặt tài sản.

Cổ phiếu của Citigroup trong phiên này tiếp tục mất 19,96%, xuống 3,77 USD/cổ phiếu, giảm 57,1% so với tuần trước.

Chứng khoán Mỹ “bật dậy” sau tin vui - Ảnh 1

Biểu đồ so sánh cổ phiếu Citigroup với ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq từ ngày 20/10 đến ngày 21/11  – Nguồn: G-Finance.

Dù không gặp phải những khó khăn như Citigroup, nhưng tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhất là khi hãng này công bố mức lợi nhuận trong quý 3/2008 sụt giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái, do thua lỗ nặng trong lĩnh vực bảo hiểm.

Cổ phiếu của hãng phiên này đã lên điểm mạnh trở lại sau khi có 9 ngày giảm điểm liên tiếp trước đó, đưa cổ phiếu của tập đoàn này giảm 50% so với thời kỳ đỉnh cao (151.650 USD/cổ phiếu). Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của Berkshire Hathaway (BRK-A) tăng 16,13%, lên 90.000 USD/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ “bật dậy” sau tin vui - Ảnh 2

Biểu đồ cổ phiếu Berkshire Hathaway (BRK-A-NYSE) – Nguồn: CNBC.

Trong tuần qua, cổ phiếu của 10 ngành trong chỉ số S&P đều mất điểm. Dẫn đầu là mức giảm 23,7% của khối tài chính, đưa giá trị của cổ phiếu khối này mất 67,01% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu khối nguyên vật liệu cơ bản giảm 11,26% trong tuần và mất 53,67% so với cùng kỳ năm 2007.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 21/11: Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 494,13 điểm, tương đương 6,54%, đóng cửa ở mức 8.046,42, giảm 5,31% giá trị trong tuần và thấp hơn 39,34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 68,23 điểm, tương đương 5,18%, chốt ở mức 1.384,35, hạ 8,74% so với tuần trước và mất 47,81% so với cùng kỳ năm 2007.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 47,59 điểm, tương đương 6,32%, đóng cửa ở mức 800,03, thấp hơn tuần trước 8,39% và giảm 45,52% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 2,37 tỷ cổ phiếu, thị trường có 2.027 cổ phiếu lên điểm và có 1.161 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng khớp lệnh thành công trên sàn Nasdaq đạt 3,08 tỷ cổ phiếu, thị trường có 1.670 mã tăng điểm và có 1.115 mã giảm điểm.

Chứng khoán châu Âu mất hơn 10% giá trị trong tuần

Chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm ngày thứ 7 liên tiếp và khép lại một tuần thất bại của cả ba chỉ số chính với biên độ giảm trong 5 ngày giao dịch là trên 10%. Như vậy, chứng khoán châu Âu đã giảm gần 50% trong năm 2008.

Cổ phiếu khối dược phẩm, dịch vụ viễn thông đều giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Novartis mất 6,4%, cổ phiếu Sanofi-Aventis (SASY) giảm 10%; cổ phiếu Vodafone trượt 7,7%, EDF giảm 6%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tiếp tục giảm 94,03 điểm, tương đương -2,43%, đóng cửa ở mức 3.780,96, giảm 10,68% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 2,36 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này mất 2,2% và giảm 12,27% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 48,6 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 3,33% và mất 12,46% trong tuần, khối lượng giao dịch đạt 237 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á bất ngờ phục hồi

Chứng khoán châu Á đã phục hồi trở lại và khép lại một tuần sóng gió với sự sụt giảm mạnh của nhiều thị trường lớn trong khu vực.

Ngày 21/11, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản đối với đồng Yên ở mức 0,3%. Trong một thông báo phát đi trong ngày, BoJ cho rằng viễn cảnh của nền kinh tế vẫn duy trì những diễn biến khó lường và BoJ sẽ tiếp tục theo dõi để ứng phó với tình hình khi cần thiết.

Tháng trước, BoJ đã cắt giảm 0,2% lãi suất cơ bản trong một nỗ lực ứng cứu thị trường tài chính trong nước cũng như hưởng ứng đợt cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương thế giới.

Chứng khoán Nhật đã phục hồi trở lại nhờ đà tăng điểm ấn tượng của cổ phiếu khối ngân hàng và cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 207,75 điểm, tương đương 2,7%, đóng cửa ở mức 7.910,79, giảm 6,5% trong tuần và mất 7,8% trong tháng 11/2008. Khối lượng giao dịch đạt 2,49 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

Cổ phiếu khối ngân hàng đã lên điểm mạnh sau khi liên tục giảm mạnh trong những ngày trước đó. Trong đó, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group tăng 8,4%, cổ phiếu Mizuho Financial Group lên 13,9%, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group tiến thêm 2,5%.

Cùng tăng điểm mạnh có cổ phiếu của nhiều hãng xuất khẩu lớn: cổ phiếu Toyota Motor lên 4,6%, cổ phiếu Canon tăng 3,3%, cổ phiếu Sony tiến thêm 5,6%, cổ phiếu của hãng sản xuất linh kiện điện tử, TDK tăng 5,5%.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiến thêm 81,17 điểm, tương ứng 1,98%, đóng cửa ở mức 4.171,1, thấp hơn tuần trước 6,3%.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc lên 55,04 điểm, tương đương 5,8%, chốt ở mức 1.003,73, giảm 7,76% giá trị trong tuần.

Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 43,55 điểm, tương đương 2,7%, đóng cửa ở mức 1.657,50, trượt 10,4% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 360,64 điểm, tương ứng 2,93%, chốt ở mức 12.659,2, giảm 6,5% so với tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc phiên này mất 14,37 điểm, tương đương -0,72, chốt ở mức 1.969,39, giảm 0,8% so với tuần trước.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 7.552,29 8.046,42  Up494,13 Up6,54
Nasdaq 1.316,12 1.384,35 Up  68,23 Up5,18
S&P 500 752,44 800,03 Up  47,59 Up6,32
Anh FTSE 100 3.874,99 3.780,96    Down  94,03 Down2,43
Đức DAX 4.220,20 4.127,41    Down  92,79  Down2,20
Pháp CAC 40 2.980,42 2.881,26   Down  99,16 Down3,33
Đài Loan Taiwan Weighted 4.089,93 4.171,10 Up  81,17 Up1,98
Nhật Nikkei 225 7.703,04 7.910,79 Up207,75 Up2,70
Hồng Kông Hang Seng 12.298,56 12.659,20 Up360,64 Up2,93
Hàn Quốc KOSPI Composite 948,69 1.003,73 Up  55,04 Up5,80
Singapore Straits Times 1.612,03 1.657,50 Up  43,55 Up2,70
Trung Quốc Shanghai Composite 1.983,76 1.969,39 Down 14,37 Down0,72
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg