Chấp nhận bán rẻ cổ phần cho SoftBank, Uber mất 30% giá trị
Tổng cộng SoftBank cho biết sẽ trả 7,7 tỷ USD cho 15% cổ phần Uber
Ngày 28/12, Tập đoàn viễn thông Nhật Bản SoftBank Group giành được quyền mua cổ phần lớn tại Uber với mức giá thấp hơn so với định giá trước đó của startup gọi xe Mỹ.
Theo đó, Uber sẽ bán 15% cổ phần cho SoftBank, Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận với sự việc cho biết.
Theo một người phát ngôn của Uber, với thương vụ này, Uber được định giá 48 tỷ USD, giảm 30% so với định giá 68 tỷ USD hồi tháng 6/2016.
Cũng nằm trong thỏa thuận, SoftBank sẽ đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD vào Uber tại mức định giá gần nhất 68 tỷ USD. Đây được xem là một sự nhượng bộ với các cổ đông hiện tại của Uber vốn đang lo lắng rằng việc Uber bán cổ phần với giá thấp hơn sẽ làm giảm giá trị số cổ phần họ đang nắm giữ. Theo đó, tổng cộng SoftBank cho biết sẽ trả 7,7 tỷ USD cho 15% cổ phần Uber.
Uber bị buộc phải chấp nhận mức giá rẻ hơn trong thương vụ trên sau một năm đầy bê bối: nhà đồng sáng lâp Travis Kalanick bị "hất cẳng" khỏi vị trí giám đốc điều hành, cáo buộc quấy rối tình dục, rò rỉ dữ liệu cùng loạt vụ kiện… đe dọa tới các kế hoạch phát triển của startup này.
Với dự định thực hiện niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) vào năm 2019 dù đang lỗ hàng tỷ USD mỗi quý, Uber cần vốn từ SoftBank để tiếp tục mở rộng.
Tuy nhiên, số tiền từ SoftBank cũng sẽ được dùng để giao dịch hàng tỷ USD cổ phần tại Uber của các cổ đông và nhân viên công ty. Nếu không thực hiện ngay IPO thì việc bán cổ phần như thế này là một cách để giảm phần nào áp lực đó.
Nhiều nhân viên và cổ đông sớm của Uber đã đợi nhiều năm để có cơ hội bán cổ phần của họ. Một trong những cổ đông sớm của Uber gồm có Benchmark - công ty đã đầu tư 27 triệu USD vào Uber và nắm giữ số cổ phần trị giá khoảng 8 tỷ USD khi startup này được định giá 68 tỷ USD.
"Chúng tôi kỳ vọng thương vụ này sẽ hỗ trợ cho kế hoạch đầu tư công nghệ đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện việc quản trị doanh nghiệp của công ty", Uber cho biết trong thông cáo ngày 28/12.
Trong thông cáo của mình, SoftBank cho biết thương vụ sẽ hoàn tất vào tháng 1/2018, đồng thời tin tưởng vào khả năng của Uber trong việc "tái cải tiến phương thức vận tải của con người và hàng hóa trên khắp thế giới".
Đây không phải thương vụ đầu tư vào startup gọi xe đầu tiên của SoftBank. Tập đoàn viễn thông Nhật cũng là cổ đông của Didi Chuxing, sở hữu phần lớn tại Uber Trung Quốc và cũng rót vốn vào startup gọi xe Grab của Singapore và Ola của Ấn Độ.
Ngoài ra, Dara Khosrowshahi - người thay thế vị trí CEO của Kalanick tại Uber, còn là thành viên hội đồng quản trị của Fanatics - công ty mà SoftBank là một cổ đông.
Kể từ khi lên giữ chức CEO vào tháng 8, Khosrowshahi đã từng bước tiến hành cải tổ Uber. Startup đã sa thải Giám đốc An ninh Joe Sullivan sau khi tiết lộ thông tin Uber bị rò rỉ dữ liệu hồi năm 2016. Ngoài ra, Khosrowshahi cũng gặp gỡ nhiều lãnh đạo các nước nhằm giúp cải thiện hình ảnh của công ty tại những thành phố như London (Anh).