11:35 13/10/2008

Châu Âu nhất trí kế hoạch giải cứu tập thể ngân hàng

Kiều Oanh

Các nhà lãnh đạo Eurozone đã nhất trí về một kế hoạch giải cứu tập thể dành cho các ngân hàng của khu vực này

Các nhà lãnh đạo châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại điện Elysee, Paris, ngày 12/10 - Ảnh: Bloomberg.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại điện Elysee, Paris, ngày 12/10 - Ảnh: Bloomberg.
Các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí về một kế hoạch giải cứu tập thể dành cho các ngân hàng của khu vực này.

Đây là kết quả của một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp với sự tham gia của lãnh đạo 15 quốc gia Eurozone do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chủ trì tại điện Elysee, Paris, kết thúc ngày 12/10 theo giờ châu Âu.

Kế hoạch chưa từng có của châu Âu

Kế hoạch này được giới quan sát coi là một kế hoạch chưa từng có tiền lệ và ít nhiều gây bất ngờ vì trước đó không lâu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã không thể đi tới một kế hoạch giải cứu tập thể dành cho ngành tài chính. Tuy nhiên, nếu xét tới tình thế cấp bách hiện nay, việc châu Âu đi tới một kế hoạch giải cứu chung có lẽ không phải là điều khó hiểu.

Quyết định nói trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán châu Âu liên tục chao đảo với mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ, giới đầu tư hoảng loạn, thị trường tín dụng thắt chặt với lãi suất cho vay liên tục tăng cao và kinh tế châu Âu ngấp nghé bên bờ vực của sự suy thoái.

“Chúng tôi cần tới những biện pháp cụ thể và sự đoàn kết, và chúng tôi đã có được điều này. Không một quốc gia đơn lẻ nào trong số các nước châu Âu có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng này”, Tổng thống Pháp Sarkozy tuyên bố trong một cuộc họp báo tổ chức tại điện Elysee sau hội nghị. Ông Sarkozy cũng cho rằng, ngày hôm qua là thời khắc của châu Âu, chứng tỏ cho thế giới thấy được sự đoàn kết của các nước ở châu lục này.

Các biện pháp cụ thể mà tuyên bố của cuộc họp đưa ra bao gồm:

- Từ nay tới cuối năm 2009, các nước sử dụng đồng Euro sẽ cam kết bảo lãnh cho các khoản nợ do các ngân hàng phát hành với kỳ hạn tối đa 5 năm;

- Cho phép các chính phủ được mua lại cổ phần trong các ngân hàng;

- Cam kết tái cấp vốn cho các ngân hàng có tầm quan trọng đối với cả hệ thống trong trường hợp các ngân hàng này rơi vào tình trạng căng thẳng về thanh khoản.

Tuy nhiên, kế hoạch trên chưa nêu rõ xem chính phủ các nước châu Âu sẽ chi bao nhiêu tiền cho kế hoạch. Số liệu này có thể được công bố trong ngày hôm nay khi các nước châu Âu công bố kế hoạch ở cấp quốc gia của họ.

Theo các nhà phân tích, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có những bước tiến xa hơn những cam kết của các nhà lãnh đạo thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển G7, đồng thời “đè bẹp” những lời chỉ trích cho rằng, các nước châu Âu chỉ biết hành động đơn lẻ trong cuộc chiến chống khủng hoảng hiện nay. Trong cuộc họp kết thúc cuối tuần trước ở Washington, nhóm G7 cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để giải quyết khủng hoảng, nhưng lại chưa đưa ra được một kế hoạch cụ thể.

Cách đây hơn 1 tuần, cũng tại một hội nghị thượng đỉnh do ông Sarkozy chủ trì, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phản đối việc châu Âu đi tới một kế hoạch giải cứu chung cho ngành tài chính. Tuy nhiên, dường như diễn biến căng thẳng của khủng hoảng đang khiến bà Merkel thay đổi lập trường của mình.

Một tờ báo của Đức dẫn lời một số quan chức giấu tên của nước này cho biết, Chính phủ Đức có thể chi tới 100 tỷ Euro để tái cấp vốn cho các ngân hàng tư nhân, ngân hàng quốc doanh và các hãng bảo hiểm của nước này.

Phản ứng tích cực của thị trường

Thị trường chứng khoán và giới quan sát phản ứng tích cực trước tuyên bố trên của các nhà lãnh đạo Eurozone. Sắc xanh đã trở lại trên hầu khắp các thị trường chứng khoán châu Á sáng nay. “Đây là những bước tiến rất tích cực. Chính phủ các nước châu Âu đã nhận thức được vấn đề quan trọng mà họ cần phải giải quyết”, nhà đầu tư tỷ phú George Soros của Mỹ nhận xét.

Kế hoạch trên của các nhà lãnh đạo châu Âu cũng giúp đồng Euro phục hồi trở lại so với USD, sau khi đã giảm xuống mức thấp nhất so với USD trong vòng 18 tháng qua. Vào lúc hơn 9h sáng nay tại Tokyo, đồng Euro tăng giá 1,5% so với USD, lên mức 1 Euro bằng 1,3607 USD.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, các ngân hàng trên toàn thế giới đã thua lỗ và thâm hụt tài sản tổng số tiền lên tới 635 tỷ USD kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay bắt đầu vào giữa mùa hè năm ngoái. Trong đó, các ngân hàng châu Âu “gánh” số lỗ và thâm hụt tài sản là 226,8 tỷ USD.

Tuần trước, chỉ số MSCI World của 23 thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới trượt 20%, đánh dấu mức sụt giảm mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Từ đầu năm tới nay, khủng hoảng tài chính đã “đánh cắp” của thị trường chứng khoán toàn cầu hơn 25.000 tỷ USD.

Các hàn thử biểu chính của thị trường chứng khoán châu Âu tuần trước sụt giảm 22%, mạnh nhất trong 2 thập kỷ. Tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones có mức sụt giảm trong 1 tuần tồi tệ nhất từ năm 1914 tới nay.

Các nỗ lực giải cứu khác

Nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới hôm qua cũng tuyên bố những giải pháp mới nhằm hỗ trợ ngành tài chính.

Thủ tướng Australia Kevin Rudd tuyên bố nước này sẽ đảm bảo cho tất cả các tài khoản tiền gửi của người dân trong ngân hàng trong vòng 3 năm tới.

Quan chức cấp cao thứ hai của cơ quan dịch vụ tài chính Hồng Kông, bà Jualia Leung cho biết, Hồng Kông tuyên bố có thể sẽ sử dụng toàn bộ dự trữ ngoại hối của mình để bình ổn thị trường tài chính.

Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại Dallas, ông Charles Fisher cho biết, FED sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn chính sách có thể để bình ổn thị trường và hạn chế thiệt hại đối với nền kinh tế.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson cũng cho biết, các nhà chức trách sẽ bắt đầu việc mua vào các tài sản xấu của các tổ chức tài chính theo kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD trong thời gian sớm nhất có thể. Ngoài ra, có nguồn tin cho biết, Quốc hội Mỹ còn đang cân nhắc một kế hoạch kích thích kinh tế có trị giá lên tới 150 tỷ USD dành cho tầng lớp trung lưu.

Không thuộc Eurozone, Anh - thị trường tài chính lớn nhất ở châu Âu - không tham gia vào kế hoạch giải cứu chung nói trên của khu vực này. Tuy nhiên, theo dự báo, có thể Chính phủ của Thủ tướng Gordon Brown sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ mới cho ngành tài chính nước này trong ngày hôm nay, trước khi thị trường chứng khoán Anh mở cửa trở lại.

Tuần trước, Anh đã thiết lập một chương trình 50 tỷ Bảng (85 tỷ USD) nhằm vực dậy ngành tài chính của nước này, theo đó Chính phủ sẽ mua lại cổ phần trong nhiều tập đoàn ngân hàng lớn. Có nguồn tin cho hay, hôm nay Chính phủ Anh sẽ tiếp quản cổ phần kiểm soát trong hai ngân hàng hàng đầu của nước này là Royal Bank of Scotland và HBOS.

Các nước châu Âu khác cũng đang ráo riết ngăn chặn sự leo thang của khủng hoảng ở nước mình. Bồ Đào Nha vừa công bố sẽ thiết lập một quỹ bảo lãnh trị giá khoảng 20 tỷ Euro (27 tỷ USD) để đảm bảo cho hoạt động của các ngân hàng ở nước này.

Nauy cũng đã cung cấp cho các ngân hàng lượng trái phiếu chính phủ trị giá 55,4 tỷ USD để đổi lấy các khoản nợ địa ốc làm tài sản cầm cố.

(Theo Bloomberg, AP, Reuters)