15:52 09/10/2008

Đối phó khủng hoảng tài chính: Những nỗ lực mới

Kiều Oanh

Đợt cắt giảm lãi suất mới ở châu Á, thêm ngân hàng lớn ở Iceland bị quốc hữu hóa, những kế hoạch bơm tiền vào thị trường

Một chi nhánh của ngân hàng Kaupthing Bank hf ở Iceland - Ảnh: Bloomberg.
Một chi nhánh của ngân hàng Kaupthing Bank hf ở Iceland - Ảnh: Bloomberg.
Đợt cắt giảm lãi suất mới ở châu Á, thêm ngân hàng lớn ở Iceland bị quốc hữu hóa, những kế hoạch bơm tiền vào thị trường… là một vài diễn biến mới nhất trong việc đối phó cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới.

Đợt cắt giảm lãi suất mới

Ở một diễn biến khác, thế giới ngày hôm nay tiếp tục đón nhận thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa, sau đợt phối hợp cắt giảm lãi suất khẩn cấp ngày hôm qua của các ngân hàng trung ương lớn dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Hàn Quốc và Đài Loan hôm nay (9/10) đã cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25%, lần lượt còn 5% và 3,25%. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc cắt giảm lãi suất đồng Won trong vòng 4 năm qua. Trong khi đó, lãi suất cơ bản của Đô la Hồng Kông được đưa về mức 2%.

Iceland quốc hữu hóa ngân hàng thứ ba

Cơ quan Giám sát tài chính Iceland (FAS) vừa tuyên bố sẽ tiếp quản ngân hàng lớn nhất nước này là Kaupthing Bank hf.

Như vậy, Kaupthing sẽ trở thành ngân hàng thứ ba ở Iceland quốc hữu hóa kể từ khi khủng hoảng tài chính leo thang ở nước này trong ít ngày gần đây. Trước Kaupthing, các nhà chức trách của Iceland đã quốc hữu hóa ngân hàng lớn thứ hai và lớn thứ ba của nước này là Landsbanki Islands hf và Glitnir Bank hf.

Theo FAS, toàn bộ lượng tiền gửi trong nước của Kaupthing sẽ được Chính phủ nước này đảm bảo, đồng thời, việc tiếp quản của ngân hàng này là nhằm đảm bảo cho hoạt động đúng chức năng của hệ thống ngân hàng trong nước.

Hôm qua, Thủ tướng Iceland Geir Haarde cho biết, ông có thể buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi nước này không thể vay thêm tiền từ các chính phủ châu Âu và các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trước đó, Iceland đã được phía Nga đồng ý cấp cho một khoản vay trị giá 4 tỷ Euro, tương tương khoảng 5,5 tỷ USD. Đầu tuần tới, hai bên sẽ bắt đầu đàm phán về khoản vay này.

Cách đây 2 ngày, Iceland đã tuyên bố neo buộc đồng Krona của nước này vào Euro. Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Iceland đã phải từ bỏ chế độ tỷ giá cố định này vì không còn đủ khả năng ngăn chặn sự lao dốc của đồng nội tệ.

Mới đây, nhà kinh tế Henrik Gullberg của ngân hàng Deutsche Bank nhận xét, ngành ngân hàng có quy mô cực lớn của Iceland đồng nghĩa với việc nước này “ở vị trí nguy hiểm nhất trong thế giới phát triển trong việc đối đầu với khủng hoảng”. Hiện lượng nợ mà hệ thống ngân hàng ở Iceland đang mang tương đương với 12 lần quy mô nền kinh tế của nước này.

Khủng hoảng tấn công vào Mỹ Latin

Khủng hoảng tài chính đã bắt đầu tấn công vào khu vực Mỹ Latin. Hôm qua, đồng Peso của Mexico sụt giá kỷ lục khiến Bộ Tài chính nước này phải can thiệp bằng một đợt bán đấu giá USD ra thị trường với tổng số tiền lên tới 2,5 tỷ USD.

Hôm nay, Chính phủ Mexico công bố kế hoạch trị giá 53 tỷ Peso, tương đương 4,3 tỷ USD, nhằm đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nước này. Tổng thống Mexico Felipe Calderon cho biết, kế hoạch trên không phải là một kế hoạch giải cứu, nhưng nhằm mục tiêu vực dậy nền kinh tế Mexico.

Tiếp tục bơm tiền

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hôm nay tiếp tục bơm 2.000 tỷ Yên, tương đương 20 tỷ USD, vào hệ thống tài chính của nước này để đảm bảo thanh khoản.

Tại châu Âu, Thủ tướng Luxembourg Luc Frieden tuyên bố, chính phủ 3 nước Bỉ, Pháp và  Luxembourg đã nhất trí sẽ đảm bảo cho tất cả các khoản nợ của ngân hàng Dexia SA có trụ sở tại Brussels (Bỉ) và Paris (Pháp).  Gói đảm bảo này sẽ có trị giá lên tới 4,5 tỷ Euro, trong đó, Bỉ sẽ đóng góp phần lớn số tiền.

Dexia là ngân hàng cho vay lớn nhất thế giới đối với các chính phủ địa phương. Do có nguy cơ đổ vỡ, tuần trước, ngân hàng này đã được chính phủ Bỉ, Pháp và Luxembourg bơm cho số tiền 6,4 tỷ Euro, tương đương 8,8 tỷ USD.

Khủng hoảng leo thang cũng buộc Chính phủ Nga tung ra gói kế hoạch hỗ trợ thị trường tài chính 186 tỷ USD. Theo ông Arkady Dvorkovich, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Dmitry Medvedev, số tiền này sẽ chảy vào các ngân hàng tròng vòng ít ngày tới. Số tiền này sẽ dùng để giúp các công ty và ngân hàng trả nợ nước ngoài cũng như cho vay các ngân hàng vay trong vòng 5 năm.

(Theo Bloomberg, AFP, AP)