18:26 02/10/2008

Người dân khắp thế giới nghĩ gì về khủng hoảng tài chính?

Kiều Oanh

Khủng hoảng tài chính khiến người Anh lo sốt vó, người Đức bình tĩnh, còn người Hàn Quốc vừa mừng vừa lo

Một người biểu tình bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán New York hôm 29/9 vừa qua, với tấm biển có nội dung đại ý "Hãy giúp đỡ người dân, thay vì các ngân hàng" - Ảnh: Reuters.
Một người biểu tình bên ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán New York hôm 29/9 vừa qua, với tấm biển có nội dung đại ý "Hãy giúp đỡ người dân, thay vì các ngân hàng" - Ảnh: Reuters.
Những ngày này là quãng thời gian mà ngành tài chính toàn cầu có những biến đổi lớn tới mức hiếm gặp trong lịch sử.

Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực này đã không thể thoát khỏi những tác động khắc nghiệt của “trận động đất” với tâm chấn là Phố Wall này. Chính phủ các quốc gia từ Mỹ, sang Âu, tới Á đã và sẽ còn tiếp tục đưa ra những biện pháp đối phó khủng hoảng chưa từng có.

Vậy đối với những người dân bình thường trên thế giới, cuộc khủng hoảng này được họ nhìn nhận như thế nào? Dưới đây là quan điểm của người dân tại một số quốc gia đối với khủng hoảng.

Anh: “Các tập đoàn tài chính là kẻ cướp!”

Khủng hoảng tài chính khiến người dân ở xứ sở sương mù lo sốt vó. Họ lo cho các quỹ lương hưu và các khoản tiền tiết kiệm của mình gửi trong các ngân hàng. Không lo sao được khi cuộc khủng hoảng này đã khiến ba “đại gia” ngân hàng Anh gặp nạn, bao gồm ngân hàng Northern Rock và Bradford & Bingley bị quốc hữu hóa, còn ngân hàng HBOS thì bị đối thủ Lloyds thâu tóm.

Mặc dù phần lớn dân Anh chẳng hiểu gì về thị trường chứng khoán hay các nghiệp vụ phái sinh, hầu như ai cũng cảm thấy lo sợ. “Tôi thì tôi thấy khủng hoảng giống như khi mình nhìn thấy một cơn bão lớn đang đổ về phía mình, và tôi chẳng còn cách nào khác là co giò mà chạy”, ông Tom Norman, một người đàn ông 41 tuổi nói.

Các tập đoàn tài chính là đối tượng hứng chịu những lời buộc tội gây khủng hoảng của dân Anh. “Tôi thực sự bực mình vì tình hình hiện nay là kết quả của những hành động tham lam và vô trách nhiệm của các tổ chức tài chính”, Kathrine Walker, một phụ nữ 27 tuổi làm trong ngành xuất bản, nói.

Cô còn khẳng định: “Nhiều năm qua, ngành tài chính đã hành động theo kiểu tự cao tự đại và xứng đáng phải chịu hậu quả. Nhưng tình hình hiện nay thật tồi tệ đối với nhưng gia đình có thu nhập trung bình”.

Tổng giám mục vùng York, vị tổng giám mục có vị trí cao thứ hai ở Anh, thậm chí còn gọi các nhân viên môi giới là “những kẻ cướp nhà băng và tước đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, cũng có những người có quan điểm ôn tồn hơn: “Mặc dù muốn chứng kiến các ngân hàng phải chịu hậu quả, nhưng tôi không muốn họ gặp khó khăn thêm nữa. Tôi đã trải qua thời kỳ suy thoái 1991 và khi đó tôi đã gần như phá sản nên tôi hiểu tình hình hiện nay có thể tồi tệ tới mức nào. Nếu các ngân hàng “chết”, chúng tôi cũng “chết” theo”, Kiến trúc sư Stephen Brown cho biết.

Pháp: “Kế hoạch giải cứu chẳng ra làm sao cả!”

Tới thời điểm này Pháp vẫn chưa xảy ra vụ đổ vỡ nào trong ngành ngân hàng, mặc dù cách đây chưa lâu, thế giới dành sự chú ý lớn đối với vụ một nhân viên của ngân hàng lớn nhất nước Pháp Societe Generale khiến ngân hàng này thiệt hại 5 tỷ Euro vì hành vi gian lận của anh ta. Tuy nhiên, người Pháp tỏ ra thông cảm với người Mỹ về việc họ sẽ phải bỏ tiền túi ra cho kế hoạch giải cứu ngành tài chính do Chính phủ đề xuất.

“Kế hoạch giải cứu này đúng là một vụ bê bối, vì nó buộc cả những người phải vật lộn với cuộc sống thường ngày ở Mỹ phải cứu những tập đoàn lớn. Kế hoạch này thật chẳng ra làm sao cả”, một nhân viên quan hệ công chúng 28 tuổi có tên Lyne Khabbaz cho biết.

Tới lúc này, người Pháp chưa hề tỏ ra lo lắng về việc họ có thể sẽ phải đối mặt với những điều tồi tệ tương tự.

Có hai lý do để người Pháp yên tâm. Thứ nhất, vay tiền hoặc có được hạn mức tín dụng từ các ngân hàng Pháp không phải là chuyện dễ dàng. Và thứ hai, Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy đã cam kết Chính phủ sẽ can thiệp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ tiền tiết kiệm của người dân.

Trung Quốc: “Không muốn nước Mỹ rơi vào suy thoái”

Vui mừng vì vượt Mỹ về số huy chương ở Olympic Bắc Kinh, nhưng người Trung Quốc không “vỗ tay” khi thấy Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính. “Chúng tôi không muốn nước Mỹ rơi vào suy thoái, vì chúng tôi phụ thuộc nhiều vào thị trường này”, anh Xu Zhaohui, một giáo viên cấp 2 nói.

Theo các chuyên gia, hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc là một trong những hệ thống ngân hàng lành mạnh nhất trên thế giới hiện nay, với lượng tiền gửi của khách hàng lên tới 7.000 tỷ USD. Hai ngân hàng bán lẻ lớn nhất của Trung Quốc cũng chỉ nắm giữ lượng trái phiếu trị giá 280 triệu USD của ngân hàng đầu tư Phố Wall Lehman Brothers mới phá sản gần đây. Thêm vào đó, người Trung Quốc vay tiền để mua nhà cũng hiếm khi vay số tiền quá lớn so với khả năng tài chính của họ, do đó, việc xảy ra tình trạng vỡ nợ là rất khó.

Người Trung Quốc nhìn nhận cuộc khủng hoảng ở Mỹ như một bài học cho chính bản thân. Hình thức cho vay địa ốc mới xuất hiện ở Trung Quốc 10 năm và nhiều người dân nước này lo ngại, cách thức cho vay này sẽ xói mòn truyền thống tiết kiệm của họ. Thị trường nhà đất Trung Quốc cũng đang trải qua một giai đoạn sụt giảm.

“Người Trung Quốc vẫn thường không muốn tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Người Trung Quốc cần suy nghĩ về những gì đang xảy ra ở Mỹ”, bà Sun Huili, một nhà quản lý ở một trường đại học nhận xét.

Nhà tư vấn Kell Yu, 36 tuổi, lại có cái nhìn bi quan hơn: “Khủng hoảng ở Mỹ đúng là một lời cảnh báo đối với Trung Quốc. Người Trung Quốc có tham vọng làm giàu quá lớn”, cô nói.

Đức: “Khủng hoảng vẫn còn xa!”

Ở Đức, các chính trị gia và các phương tiện truyền thông dành khá nhiều thời gian và giấy mực cho vấn đề khủng hoảng tài chính. Nhưng đối với những người dân bình thường, cuộc khủng hoảng này như thể đang xảy ra ở một hành tinh khác.

“Nước Mỹ là một thế giới khác. Ở đó ai cũng được cấp những khoản tín dụng mà lẽ ra họ không được cấp. Người Đức chúng tôi không giống họ”, ông chủ nhà hàng có tên Micky Gliese nói.

Một nửa dân Đức phải thuê nhà, còn phần lớn những người mua nhà dùng tiền tiết kiệm của họ, thay vì đi vay.  Không giống như ở các nước châu Âu liên tục xảy ra bong bóng địa ốc hết lần này tới lần khác, giá nhà ở Đức ổn định và gần đây quay về mức của đầu những năm 1990. Tín dụng tiêu dùng ở Đức cũng gần như là con số 0 - thậm chí, những người được vay tiền mua nhà ở Mỹ cũng không đủ tiêu chuẩn để được cấp ATM ở Đức. Phần lớn, người Đức không chơi chứng khoán.

Tuy nhiên, nhiều người Đức cũng giận dữ trước việc một số ngân hàng quốc doanh ở nước này đầu tư nhiều vào các khoản nợ Mỹ và việc ngân hàng cho vay địa ốc lớn nhất nước này là Hypo Real Estate được Chính phủ Đức giải cứu, mà khoản tiền nhiều tỷ Euro này rốt cục lại đổ xuống đầu những người đóng thuế.

Cô Marina Hesse, một thư ký trong ngành luật ở Berlin thì lo ngại khủng hoảng sẽ khiến các ngân hàng thắt chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Gia đình cô có một ngôi nhà cho thuê và đang cần vay tiền để nâng cấp ngôi nhà này.

Ông chủ nhà hàng Gliese cũng lo ngại cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Đức, và khách tới nhà hàng của ông sẽ ít đi và tiêu ít hơn.

Nhật Bản: “Hãy học kinh nghiệm của chúng tôi!”

Đối với nước Nhật, để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra, nước Mỹ cần học nhiều tư kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng tài chính trước đây của quốc gia này.

“Khi hệ thống tài chính trở nên mất ổn định, việc cung cấp thanh khoản cho thị trường là chưa đủ để vượt qua khủng hoảng tài chính. Trừ khi các tổ chức tài chính có thể huy động được vốn trên thị trường, khủng hoảng chưa thể kết thúc”, ông Yutaka Yamaguchi, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nói về bài học của nước Nhật đối với nước Mỹ.

Nhiều nhân vật khác bình luận với giọng điệu kém ‘”lịch sự” hơn. Một nhà báo chuyên mục nổi tiếng của Nhật coi cuộc khủng hoảng ở Mỹ hiện nay là “sự nổ tung của một khối bong bóng trước đó được bơm căng bởi lòng tham và các khoản vay nợ” và là “một dạng sòng bạc nơi người ta đánh cược với sự vô trách nhiệm”.

Cho tới gần đây, người dân ở xứ mặt trời mọc vẫn coi cuộc khủng hoảng ở Mỹ như một đám cháy phía bên kia đại dương. Tuy nhiên, tới lúc này, kinh tế Nhật đang giảm tốc nhanh chóng và thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Báo chí ở Nhật gọi tác động của khủng hoảng ở Mỹ tới Nhật là “một cơn động đất nghiêm trọng”. Tỷ lệ vỡ nợ ở Nhật đang tăng mạnh, đặc biệt trong ngành bất động sản, do các nhà đầu tư Mỹ đang ồ ạt rút vốn khỏi thị trường này.

Nhiều người Nhật đã phê phán “chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ” mà họ coi là dẫn tới sự bất bình đẳng về kinh tế. Quan điểm này có lẽ sẽ còn lan rộng và ăn sâu trong bối cảnh khủng hoảng tài chính leo thang.

Hàn Quốc: Lo ngại và cả... mừng rỡ

Người Hàn Quốc có những cách nhìn khác nhau về khủng hoảng ở Mỹ.

Một mặt, họ lo ngại sâu sắc vì mô hình hệ thống tài chính Phố Wall là mô hình mà họ đã áp dụng 10 năm qua. Sau khi cuộc khủng hoảng 1997 - 1998 khiến gần như toàn bộ hệ thống tài chính Hàn Quốc sụp đổ, nước này đã cải cách hệ thống doanh nghiệp và tài chính của mình theo các tiêu chuẩn Mỹ. Thậm chí, Hàn Quốc còn cố gắng xây dựng các tập đoàn như Goldman Sachs hay Morgan Stanley cho riêng mình, với niềm tin rằng, mô hình ngân hàng đầu tư là tương lai của ngành tài chính.

Hàn Quốc cũng tích cực mở cửa nền kinh tế trong vòng 10 năm qua, do đó, nước này rất dễ bị tác động mạnh từ những cú sốc bên ngoài, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính lần này. Giống như nhiều nước khác, thời gian qua, Hàn Quốc phải đương đầu với tình trạng giá cổ phiếu sụt giảm và đồng tiền mất giá mạnh. “Vì các hoạt động cải cách và mở cửa trong 10 năm qua, nền kinh tế Hàn Quốc giờ đây dễ chịu tác động của các yếu tố bên ngoài hơn thời điểm 10 năm trước”, nhà kinh tế Chang Jae Chul tại Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có nhiều người Hàn Quốc tỏ ra “mãn nguyện” trước “trận ốm” của nước Mỹ. Các nhóm chống toàn cầu hóa, vốn từ lâu đã lên tiếng chống lại chủ nghĩa tư bản tự do kiểu mới do Mỹ đi đầu trong nhiều năm qua, lập luận rằng chính Mỹ đã buộc Hàn Quốc phải đi theo mô hình hệ thống tài chính Phố Wall.

Những nhóm này đang dùng cuộc khủng hoảng đang diễn ra để vận động sự ủng hộ cho họ trong việc phản đối Chính phủ của Thủ tướng Lee Myung Bak đẩy mạnh tự do hóa thương mại và nới lỏng các quy tắc.

(Theo Newsweek)