10:08 02/10/2008

Châu Âu, những ngày không bình yên

Mai Phương

Tốc độ lan rộng của khủng hoảng quá nhanh chóng, và trong ngành tài chính, biên giới địa lý là thứ gần như không hề tồn tại

Một tấm biển ngân hàng Bradford & Bingley ở Leicester, Anh. Chính phủ Anh đã quyết định quốc hữu hóa ngân hàng cho vay địa ốc này, vốn đang bên bờ vực phá sản - Ảnh: Reuters.
Một tấm biển ngân hàng Bradford & Bingley ở Leicester, Anh. Chính phủ Anh đã quyết định quốc hữu hóa ngân hàng cho vay địa ốc này, vốn đang bên bờ vực phá sản - Ảnh: Reuters.
Chỉ một tuần sau khi châu Âu từ chối lời kêu gọi của nước Mỹ tham gia vào kế hoạch giải cứu hệ thống ngân hàng, châu lục này đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính cũng nghiêm trọng không kém những gì diễn ra bên kia bờ Đại Tây Dương.

Tốc độ lan rộng của khủng hoảng quá nhanh chóng, và trong ngành tài chính, biên giới địa lý là thứ gần như không hề tồn tại.

Mất niềm tin sau vụ Lehman phá sản

Chỉ trong vòng hai ngày 29-30/9, đã có 4 ngân hàng lớn ở châu Âu được chính phủ can thiệp để thoát khỏi bờ vực của sự sụp đổ. Ở Ireland, Chính phủ phải thiết lập một chương trình đảm bảo đặc biệt hai năm dành cho tất cả khách hàng gửi tiền và chủ nợ của các ngân hàng. Các nhà chức trách châu Âu cũng liên tục phải có hành động khẩn như bơm tiền, tổ chức các cuộc họp bàn biện pháp ngăn chặn khủng hoảng…

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự mất mát niềm tin ở châu Âu là việc Chính phủ Mỹ quyết định đứng khoanh tay mặc cho Lehman Brothers phá sản. Vụ sụp đổ của Lehman là một đòn giáng khá mạnh vào thị trường châu Âu, tác động mạnh tới các ngân hàng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ có đầu tư vào tập đoàn này cũng như các loại tài sản khác có liên quan tới các tổ chức tài chính Mỹ.

Vụ đổ vỡ này cũng khiến châu Âu nhìn tất cả những tổ chức tài chính khác mà họ cho là dễ bị tổn thương với con mắt hoài nghi cao độ.

Như vậy, giữa lúc nước Mỹ cố gắng để tìm cách thông qua kế hoạch hỗ trợ ngành tài chính, cuộc khủng hoảng đã âm thầm lan rộng khắp toàn cầu.

Tới thời điểm này, châu Á có vẻ như ít xáo trộn hơn, mặc dù tuần trước, người Hồng Kông đổ đi rút tiền ở ngân hàng Bank of East Asia do những tin tồn bất lợi đối với ngân hàng này. Sự kiện này khiến người ta nhớ tới những ngày đen tối của tháng 6/1997, khi đồng Bath của Thái Lan phá giá đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng khắp châu Á, rồi sau đó tấn công vào Brazil và Nga.

Các nhà kinh tế học nhận thấy sự tương đồng giữa hai cuộc khủng hoảng cách nhau một thập kỷ này: một khi người gửi tiền hoảng sợ và đổ đi rút tiền, tình trạng sức khỏe của ngân hàng đó hoặc thậm chí toàn bộ nền kinh tế không còn là vấn đề được chú ý nữa. Thêm vào đó, trong hệ thống tài chính toàn cầu, biên giới quốc gia là những ranh giới hết sức mong manh.

“Ngày nay, một đợt rút vốn ồ ạt tại một nơi nào đó có thể lan rộng khắp thế giới. Một khi khách hàng đổ đi rút tiền, họ không quan tâm là ngân hàng đó có sức khỏe tốt hay không. Họ hoàn toàn mất niềm tin vào ngân hàng đó”, kinh tế gia trưởng tại châu Âu của ngân hàng Deutsche Bank nhận xét.

Những mắt xích yếu nhất

Một trong những quốc gia châu Âu hứng chịu tác động nhiều nhất trong lần khủng hoảng này là nước Nga.

Hôm 30/9, các nhà chức trách Nga lại phải cho ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán nước này 2 giờ đồng hồ vì lo ngại các nhà đầu tư sẽ phản ứng tiêu cực trước việc kế hoạch giải cứu ngành tài chính của Mỹ bị Hạ viện nước này từ chối.

Cách đó hơn 10 ngày, thị trường chứng khoán Nga cũng phải ngừng giao dịch vì tình hình Phố Wall trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Lý giải về sự tác động mạnh mẽ của diễn biến khủng hoảng ở Mỹ tới nước Nga, giới phân tích cho rằng, Nga đã sử dụng phần nhiều số tiền thu về từ xuất khẩu dầu lửa của mình để mua nợ của Mỹ, bao gồm cả các loại chứng khoán do tập đoàn cho vay địa ốc Fannie Mae phát hành.

Thêm vào đó, Nga còn phải đương đầu vấn đề khác, bao gồm việc giá dầu lên xuống thất thường trong thời gian qua, cũng như sự e dè của giới đầu tư nước ngoài với nước Nga ở thời điểm hiện nay.

Theo các nhà phững ngân hàng châu Âu có tham gia vào lĩnh vực cho vay địa ốc, nắm giữ nhiều chứng khoán địa ốc Mỹ, hay không có lượng tiền gửi hùng hậu của khách hàng sẽ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều “cơn gió chướng” trong những ngày tới.

Những quốc gia xảy ra tình trạng bong bóng địa ốc như Ireland, Anh và Tây Ban Nha cũng nằm trong số những nước dễ bị tổn thương nhất. Các nước Đông Âu và các thị trường đang nổi lên khác ở châu lục có mức thâm hụt cán cân vãng lai cao và dự trữ ngoại hối thấp cũng nhiều khả năng sẽ trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng này.

Nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ xảy ra một làn sóng ngân hàng vỡ nợ ở châu Âu, tuy nhiên, khác với ở Mỹ, các ngân hàng này có thể được quốc hữu hóa theo truyền thống của châu lục.

Tới thời điểm này, rào cản đối với một kế hoạch chống khủng hoảng có quy mô rộng lớn ở châu Âu chính là những giới hạn về luật pháp và chính trị của EU, vốn đòi hỏi sự chia sẻ gánh nặng và đồng thuận. “Châu Âu có những quy tắc cứng nhắc và yêu cầu sự tuân thủ chặt chẽ hơn ở Mỹ. Nhưng nếu tình hình xấu đi, họ sẽ phải hành động linh hoạt”, ông Simon Johnson, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói.

Cũng theo chuyên gia này, một trong số những ngân hàng đáng bị báo động ở châu Âu hiện nay là ngân hàng UBS của Thụy Sỹ do ngân hàng này nắm giữ một lượng lớn chứng khoán địa ốc Mỹ và lại có trụ sở ở một quốc gia không phải thành viên của EU. UBS vừa công bố quyết định cắt giảm 1.900 việc làm trong bộ phận ngân hàng đầu tư và giao dịch do những tác động xấu của khủng hoảng.

Châu Âu khủng hoảng, Mỹ càng lo thêm

Khủng hoảng leo thang ở châu Âu có thể tạo thêm gánh nặng đối với kế hoạch giải cứu ngành tài chính ở Mỹ trong trường hợp một kế hoạch như vậy được thông qua.

Đó là vì, nếu Chính phủ Mỹ tiến hành mua lại các loại chứng khoán địa ốc có khả năng thanh khoản kém từ các ngân hàng, việc định giá các loại chứng khoán này sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của các tổ chức tài chính ở châu Âu vốn đang nắm giữ một lượng lớn chứng khoán như vậy.

Một vấn đề khác mà nước Mỹ phải lo lắng là sức khỏe của các quốc gia mua nợ chính phủ Mỹ, từ Nga tới Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông.

Theo giới phân tích, Nga là quốc gia chủ nợ đáng bị lo ngại hơn cả. Trong bối cảnh giá dầu giảm và chính các ngân hàng của Nga đang khủng hoảng, Nga đang ở dưới áp lực rất lớn. Nếu nước Nga đẩy mạnh bán ra các khoản nợ đã mua của chính phủ Mỹ, giá USD có thể sẽ sụt giảm và khiến chi phí cho kế hoạch giải cứu, nếu có, tăng mạnh.

Hiện tại, Nga đã bắt đầu sử dụng tới nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình cho một chương trình hỗ trợ dành cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các quan chức của Mỹ cho biết, việc bán ra nợ chính phủ Mỹ của Nga chưa phải là nhiều.

Các chủ nợ lớn khác của Mỹ, trong đó có Trung Quốc, có sức khỏe tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở các nước này cũng đang chậm lại do xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu đi xuống. Nếu sự sụt giảm này diễn ra mạnh và gây ra một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng, Trung Quốc cũng có thể buộc phải bán ra nợ chính phủ Mỹ.

(Theo New York Times)