14:35 29/09/2008

Hai “đại gia” ngân hàng châu Âu bên bờ vực phá sản

Kiều Oanh

Để tránh nguy cơ vỡ nợ, hai ngân hàng lớn của châu Âu phải viện tới sự cứu trợ của các nhà chức trách

Fortis là ngân hàng lớn nhất tại Bỉ, đồng thời là doanh nghiệp tư nhân thu hút nhiều lao động nhất ở nước này - Ảnh: Bloomberg.
Fortis là ngân hàng lớn nhất tại Bỉ, đồng thời là doanh nghiệp tư nhân thu hút nhiều lao động nhất ở nước này - Ảnh: Bloomberg.
Khủng hoảng tài chính ở châu Âu đang có những diễn biến xấu đi trông thấy, khi hai tập đoàn ngân hàng lớn của châu lục phải viện tới sự cứu trợ của chính phủ.

Số phận ngân hàng lớn nhất của Bỉ

Tập đoàn bảo hiểm và ngân hàng Fortis NV của Hà Lan và Bỉ vừa được chính phủ 3 nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg cung cấp cho một “phao cứu sinh” trị giá 11,2 tỷ Euro (tương đương 16,4 tỷ USD) để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Quyết định giải cứu trên là kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài trong hai ngày cuối tuần giữa các nhà chức trách của ba quốc gia láng giềng Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, cùng với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet. Kế hoạch này nhằm lấy lại niềm tin của giới đầu tư trước khi thị trường châu Âu mở cửa trở lại trong ngày giao dịch đầu tuần hôm nay.

Thủ tướng Bỉ Yves Laterme tuyên bố, vụ giải cứu này cho các khách hàng và nhà đầu tư của Fortis thấy rằng, Fortis không được phép trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.

“Chúng tôi đã thực hiện trách nhiệm của mình. Chúng tôi không từ bỏ những khách hàng có tài khoản trong Fortis”, ông Leterme nói.

Theo kế hoạch này, Bỉ sẽ mua lại 49% cổ phần của bộ phận ngân hàng của Fortis tại nước này với giá 4,7 tỷ Euro. Hà Lan chi 4 tỷ Euro để có được lượng cổ phần tương tự trong bộ phận ngân hàng của Fortis tại Hà Lan. Còn lại, Luxembourg sẽ cung cấp một khoản vay 2,5 tỷ  Euro để chuyển đổi thành 49% cổ phần trong bộ phận ngân hàng của Fortis tại Luxembourg.

Cũng theo thỏa thuận này, Fortis sẽ phải bán lại cổ phần của mình trong ngân hàng ABN Amro của Hà Lan, mặc dù tới thời điểm này chưa có khách mua nào xuất hiện.

Trước đó, vào năm ngoái, Fortis đã mua lượng cổ phần trị giá 24 tỷ Euro trong ABN Amro. Trong vụ này, Fortis đã cùng với hai ngân hàng nữa là Royal Bank of Scotland của Scotland và ngân hàng Banco Santander của Tây Ban Nha, Fortis đã tham gia mua lại lượng cổ phần trị giá 70 tỷ Euro (hơn 102 tỷ USD) của ABN Amro. Diễn ra ngay ở thời điểm khủng hoảng bắt đầu xuất hiện ở Mỹ, đây là thỏa thuận mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng.

Chủ tịch của Fortis là Maurice Lippens cũng buộc phải từ chức và được thay thế bởi một nhân vật khác bên ngoài tập đoàn này. Các nhà chức trách của Bỉ cũng tuyên bố họ đang có dự định đem tới chế độ bảo hiểm tốt hơn đối với tất cả các tài khoản tiền gửi của khách hàng bán lẻ tại Fortis.

Tuần trước là một tuần đáng nhớ của Fortis, khi giới đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu của đại gia này, khiến giá cổ phiếu Fortis sụt giảm tới 35%, xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Hiện giá cổ phiếu của Fortis đã giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá trị thị trường của tập đoàn này chỉ còn có 12,2 tỷ Euro.

Fortis được thành lập vào năm 1990, là kết quả của vụ sáp nhập giữa tập đoàn bảo hiểm NV Amev của Hà Lan, hãng bảo hiểm AG Group của Bỉ và ngân hàng VSB của Hà Lan.

Có trụ sở tại Brussels (Bỉ) và Utrecht (Hà Lan), Fortis là ngân hàng lớn nhất tại Bỉ, đồng thời là doanh nghiệp tư nhân thu hút nhiều lao động nhất ở nước này.

Từ khi mua lại cổ phần trong ABN Amro tới nay, Fortis đã gặp không ít khó khăn do thiếu vốn và thâm hụt tài sản vì khủng hoảng tín dụng. Thứ Sáu tuần trước, Fortis đã bổ nhiệm CEO thứ ba trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, các quan chức của Fortis phủ nhận tin đồn rằng ngân hàng ngày có nguy cơ vỡ nợ.

Đầu tháng trước, Fortis thông báo lợi nhuận quý 2 giảm tới 49% do thâm hụt tài sản trong lĩnh vực đầu tư tín dụng. Nửa đầu năm nay, khủng hoảng tín dụng đã khiến lợi nhuận trước thuế của Fortis giảm 918 tiệu Euro. Ở thời điểm cuối tháng 6, danh mục đầu tư tín dụng của tập đoàn, bao gồm các nghĩa vụ nợ có đảm bảo (CDO) và các loại chứng khoán địa ốc Mỹ, lên tới 41,7 tỷ Euro.

Tính tới thời điểm này của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, Fortis là ngân hàng lớn nhất ở châu Âu được các nhà chức trách giải cứu. Bên kia bờ Đại Tây Dương, số ngân hàng thương mại ở Mỹ vỡ nợ đã lên tới con số 13, Phố Wall không còn một ngân hàng đầu tư độc lập nào, ba tập đoàn khổng lồ khác là Fannie Mae, Freddie Mac và AIG đã được Chính phủ Mỹ tiếp quản.

Thêm một ngân hàng Anh có thể bị quốc hữu hóa

Cùng chung số phận với Fortis là ngân hàng Bradford & Bingley của Anh, ngân hàng cho vay địa ốc lớn nhất ở nước này. Theo tin mới nhận, hiện Chính phủ Anh đang có kế hoạch cho một ngân hàng khác tiếp quản lại Bradford & Bingley hoặc quốc hữu hóa ngân hàng này nhằm bảo vệ lượng tiền gửi của khách hàng lên tới 21 tỷ Bảng (tương đương 39 tỷ USD).

Nhiều khả năng, ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha là Banco Santander SA có thể mua lại bộ phận tiền gửi với 2,5 triệu khách hàngcủa Bradford & Bingley và hệ thống chi nhánh của ngân hàng này. Các khách hàng mua lại tiềm năng khác bao gồm các ngân hàng HSBC và Barclays.

Bradford & Bingley là ngân hàng lớn thứ ba ở Anh gặp rắc rối kể từ khi khủng hoảng tín dụng toàn cầu bắt đầu tới nay. Trong năm nay, giá cổ phiếu của Bradford & Bingley đã sụt giảm tới 93%. Hồi tháng 2 vừa qua, ngân hàng Northern Rock của Anh đã bị quốc hữu hóa, còn cách đây khoảng 10 ngày, một ngân hàng lớn nữa của nước này là HBOS đã bị bán lại cho tập đoàn Lloyds TSB.

Cuộc khủng hoảng địa ốc tồi tệ nhất trong vòng 3 thập kỷ qua ở Anh đã khiến Bradford & Bingley gặp khó khăn trong việc vay vốn và đảm bảo hoạt động hàng ngày.

Thống kê cho thấy, khoảng một nửa trong số lượng tiền cho vay 42 tỷ Bảng của Bradford & Bingley trong nửa đầu năm nay là cho vay địa ốc. Lượng nợ địa ốc quá hạn của Bradford & Bingley hiện là 2% trong tổng số các khoản vay, so với mức 0,5% trong tất cả các ngân hàng ở Anh.

Lượng nợ xấu nói chung của ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm đã tăng lên mức 74,6 triệu Bảng so với mức 5,3 triệu Bảng cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, lượng tiền gửi tiết kiệm của khách trong ngân hàng này cũng chỉ nhiều hơn một nửa so với dư nợ cho vay, điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng này phải phụ thuộc vào thị trường vốn để bù đắp cho hoạt động cho vay.

Ở một diễn biến khác, theo thông tin phát đi từ Đức, ngân hàng cho vay địa ốc lớn thứ hai ở nước này là Hypo Real Estate Holding AG cho biết đã nhận được khoản vay khẩn cấp từ Chính phủ, sau khi có tin cho hay tập đoàn này có thể phá sản.

(Theo Bloomberg, AP)