10:13 26/04/2011

“Chỉ có thể hy vọng lạm phát giảm từ cuối quý 2”

Diệu Hương

Góc nhìn của Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa về tình hình lạm phát hiện nay

Ông Nguyễn Tiến Thỏa.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa.
Sau hai tháng Nghị quyết 11 của Chính phủ được triển khai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 vừa được Tổng cục Thống kê công bố vẫn tăng ở mức 3,32%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây, đồng thời đẩy mức tăng CPI của 4 tháng đầu năm lên con số 9,64%, vượt xa chỉ tiêu 7% đặt ra cho cả năm.

Nên nhìn nhận thế nào về diễn biến mới này? Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã chia sẻ quan điểm với báo chí.

Với CPI tháng 4/2011 vừa được công bố tăng tới 3,32%, ông có cho rằng khả năng kiểm soát lạm phát đang còn hạn chế?

Nghị quyết số 11 tuy mới triển khai được hai tháng, nhưng tình hình đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2011 vẫn đạt khá, bội chi ngân sách ở mức 2,6% GDP trong khi chỉ tiêu cả năm dưới 5% GDP, tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán được kiềm chế, lãi suất tuy còn cao nhưng cơ bản đã ổn định, thị trường vàng, ngoại tệ đã có chiều hướng bình ổn hơn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra cùng với nhập siêu có chiều hướng giảm…

Riêng tốc độ tăng giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chính sách giảm tổng cầu của nền kinh tế sẽ là liều thuốc “đặc trị” kiềm chế lạm phát hiện nay, nhưng nó có độ trễ nhất định. Chính sách đang đi vào cuộc sống, không thể biện pháp vừa tới đã “dập tắt” ngay được lạm phát cao, chỉ có thể từ cuối quý 2/2011 trở đi, mới có hy vọng tốc độ tăng của CPI sẽ giảm dần.

Nhưng cũng có quan điểm gần đây cho rằng, những biện pháp tại Nghị quyết 11 “không có gì mới trong tình huống mới”. Ông có cho rằng cần quyết liệt kiềm chế lạm phát hơn nữa?

Đó là nhận xét của họ, tôi không bình luận. Nhưng chúng ta hãy xem, hãy lắng nghe bình luận của các tổ chức quốc tế. Họ đều cho rằng đó là những biện pháp đúng. Bởi vì, chúng ta đang đánh đúng vào gốc rễ của lạm phát cao.

Tôi cũng đồng tình như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan vì tình hình còn có biến chuyển, nhất là kinh tế thế giới có thể sẽ có những diễn biến khó lường. Chúng ta cần theo dõi tiếp tình hình để có điều chỉnh phù hợp, nhưng cũng không nên quá nôn nóng để áp đặt những giải pháp chủ quan hành chính, bất chấp các quy luật thị trường dẫn đến những bất ổn khác.

Vấn đề quan trọng nhất là tăng cường sự đồng lòng, đồng thuận của toàn hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay để nhất quán, quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao các biện pháp đã đề ra tại Nghị quyết 11.

Vậy ông bình luận gì về mức tăng tín dụng trên 5% tại thời điểm cuối quý 1/2011 vừa qua, được Cổng thông tin điện tử Chính phủ đề cập cách đây không lâu?

Đây là mức tăng đã được kiềm chế so với mức tăng 12,86% ở quý 1/2008, năm mà chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng tới 19,89%, nhưng vẫn cao hơn mức tăng khoảng 3,8% của quý 1/2009 và 3,69% của quý 1/2010.

Theo tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp cơ cấu lại tín dụng hợp lý, bảo đảm thực hiện được tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm của nền kinh tế ở mức tăng dưới 20%.

Kết quả sơ bộ rà soát cắt giảm đầu tư đến cuối tháng 3/2011 mới xác định là 3.400 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1% chi đầu tư khu vực công và thấp hơn rất nhiều năm 2008. Ông có cho rằng chính sách tài khóa chưa thắt đủ chặt?

Nghị quyết 11 có yêu cầu rà soát, điều chuyển, không kéo dài thời gian giải ngân, không ứng trước kế hoạch 2010… chứ không chỉ cắt giảm đầu tư công. Với kết quả bước đầu, tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng “thắt chặt” tài khóa để kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tính đến ngày 7/4/2011 đã có 30 bộ báo cáo kết quả cắt, hoãn khởi công mới 61 dự án với số vốn 243,878 tỷ đồng; các địa phương báo cáo có 592 dự án giảm vốn với số vốn giảm là 1.165 tỷ đồng, 576 dự án ngừng khởi công với số vồn giảm là 1.302,4 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do địa phương quản lý, tính đến ngày 20/3/2011 đã có 31 dự án giảm vốn, ứng với số vốn giảm là 362 tỷ đồng;15 dự án ngừng khởi công ứng với số vốn là 146 tỷ đồng.

Đối với các dự án thuộc nguồn vốn tín dụng nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổng số dự án đình, hoãn, giãn tiến độ là 655 dự án, tương ứng với số vốn là 25.779 tỷ đồng.

Đối với các giải pháp không kéo dài thời gian giải ngân, không ứng trước kế hoạch 2012, vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ thì sẽ giảm 32% vốn trái phiếu Chính phủ, giảm 10% vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, tương đương giảm khoảng hơn 50.000 tỷ đồng.

Một vấn đề nữa là với CPI tháng 4/2011 so với cùng kỳ đã tăng 17,51%, cao hơn trần lãi suất huy động đang được áp dụng. Ông nghĩ thế nào về lãi suất thực dương trong thời điểm này?

Chống lạm phát khi nguyên nhân của lạm phát xuất phát từ tổng cầu của nền kinh tế cao, nói đơn giản là tiền nhiều hơn hàng, thì giải pháp cơ bản là phải giảm tổng cầu của nền kinh tế. Đã giảm tổng cầu thì phải vừa hút tiền về, vừa phải giảm tốc độ tăng tín dụng và giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý.

Chúng ta “hút tiền” về  thông qua kênh tiền gửi của xã hội thì phải bảo đảm lãi suất thực dương. Nếu không như vậy trong điều kiện lạm phát, không ai đầu tư cả. Đó là bài học kinh nghiệp chống lạm phát đã thành công ở những năm thập kỷ 80.

Đã vay cao, đã giảm tổng cầu thì giá cho vay phải cao. Giá cho vay cao thì tín dụng mới được thị trường chọn lựa vào nơi sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Lạm phát mà đi kèm với chính sách tín dụng dễ dãi, ai cũng “vui vẻ” cả thì không giảm được tổng cầu. Và như vậy sẽ không chống được lạm phát.

Khi lạm phát giảm dần thì mới có điều kiện để giảm lãi suất. Giải pháp nào cũng có tính hai mặt. Ta cần lựa chọn mặt tích cực nhất để thực thi.

Còn lãi suất cao sẽ không tránh khỏi những khó khăn cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Khó khăn ấy được Nhà nước trợ giúp bằng các chính sách khác.

Chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ là cần thiết để chống lạm phát. Nhưng có thể sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng tăng trưởng chậm lại để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là việc làm cần ưu tiên hiện nay và để kinh tế phát triển bền vững hơn, hiệu quả cao hơn.

Nhìn về phía trước, ngoài xu hướng tăng giá vẫn còn, nhiều tác động chưa vào hết giá thị trường, sắp tới sẽ lại tăng lương. Ông đánh giá gì về những tác động như thế?

Điều chỉnh tăng lương tối thiểu lần này vẫn đang nằm trong lộ trình cải cách tiền lương Chính phủ đã đề ra. Việc tăng lương lần này cũng như các lần trước là chúng ta không in thêm tiền để tăng lương mà nguồn để chúng ta thực hiện xuất phát từ thành quả của sự phát triển kinh tế, tạo điều kiện để tăng thu ngân sách, dành được một phần tăng thu để tăng lương; kết hợp với việc tiết kiệm chi thường xuyên được dồn vào để thực hiện chủ trương đó.

Như vậy, về nguyên lý thì chúng ta không tăng tiền của tổng nền kinh tế nên không gây sức ép đến mặt bằng giá. Tuy nhiên, về thực tế vẫn gây sức ép đến mặt bằng giá do quỹ tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng. Quỹ này trực tiếp ra thị trường và “chui” vào giá hàng hóa, dịch vụ, cộng thêm yếu tố tâm lý “điều tiết” của người bán hàng tác động vào…

Để chống hiện tượng này, chúng ta phải có giải pháp, đã “bơm tiền” ra thì cũng phải có giải pháp “hút tiền” về hợp lý; tăng cường mạnh hơn giải pháp thanh tra kiểm tra thị trường, giá cả… và xử lý thật nghiêm những hiện tượng lợi dụng làm bất ổn thị trường.

Vậy theo ông mức lạm phát năm sẽ là bao nhiêu, đỉnh lạm phát CPI so với cùng kỳ rơi vào thời gian nào?

Lạm phát cao xảy ra vào quý 1/2011 và sau quý 2 có thể sẽ giảm dần tốc độ tăng.

Còn cả năm lạm phát ở mức nào, tôi cho rằng sẽ ở mức hai con số và cố gắng phấn đấu để không cao hơn năm 2010 (11,75%). Một số tổ chức kinh tế thế giới gần đây cũng dự báo, khả năng lạm phát cả năm của ta khoảng từ 11-13%.